SÁU NGÀY TẾT MẬU TUẤT, GẦN 40 NGHÌN NGƯỜI NHẬP VIỆN VÌ TAI NẠN GIAO THÔNG

 Trong 06 ngày Tết Mậu Tuất, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông tại các cơ sở y tế là 37.376 trường hợp, không tăng so với sáu ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Tuy nhiên, số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng cao trong các ngày mùng 3, mùng 4 Tết.


Bệnh nhân tai nạn giao thông điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Chiều 20-2 (tức mùng 5 Tết Mậu Tuất), Bộ Y tế đã có báo cáo Văn phòng Chính phủ về công tác y tế dịp Tết Mậu Tuất. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, số liệu báo cáo tổng hợp từ 1.300 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế các tỉnh thành và Y tế ngành trên toàn quốc, tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7 giờ ngày 14-2-2018 là 84.985 trường hợp. Đến 7 giờ ngày 20-2, tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh là 107.721 người bệnh.

Trong sáu ngày Tết (từ ngày 14 đến 20-2), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước đã tổ chức thường trực bốn cấp đầy đủ; thực hiện khám, cấp cứu cho 218.131 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú 142.942 trường hợp, chuyển viện 12.190 trường hợp, thực hiện 14.079 ca phẫu thuật, trong đó 405 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân). Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp, giảm nhẹ so với 175 trường hợp trong sáu ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.

Các cơ sở y tế trên toàn quốc đã thực hiện đỡ đẻ, mổ đẻ thành công, đón thêm 19.062 trẻ chào đời và làm thủ tục xuất viện cho 103.545 người bệnh được điều trị khỏi về nhà ăn Tết.

Cả nước ghi nhận 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 28,4% so với 141 ca trong sáu ngày Tết Đinh Dậu 2017, không có ca tử vong. Tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám tại các cơ sở y tế là 4.184 trường hợp, giảm 19,2% so với sáu ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 2.773 trường hợp, tăng 14,6%; có 559 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên; 13 trường hợp tử vong, bằng 1/2 so với 27 ca trong sáu ngày Tết năm trước.

Bên cạnh đó, tổng số ca khám tai nạn sinh hoạt là 16.478 trường hợp, tăng 4,6% so với cùng kỳ Tết năm ngoái; tử vong 14 trường hợp, giảm 57,1% so với 22 trường hợp trong sáu ngày Tết Đinh Dậu. Tổng số ca khám rối loạn tiêu hoá là 3.075 trường hợp, trong đó 810 trường hợp là ngộ độc (say) rượu (chiếm 26,3%). Trên toàn quốc, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa tiệc đông người. Tuy nhiên, có ghi nhận có 468 trường hợp ngộ độc do thức ăn tự chế biến.

Gia tăng các ca nhập viện do rượu, bia và ngộ độc paraquat

Mặc dù Tết Mậu Tuất năm nay, số ca nhập Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vì tai nạn giao thông (TNGT) tăng không nhiều, khoảng 10% nhưng số ca bị chấn thương nặng do TNGT lại tăng đột biến.

Sáng 20-2, BS Vũ Văn Hà, khoa Phẫu thuật Tiết niệu, trực Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bình quân mỗi ngày Tết, Bệnh viện Việt Đức mổ cấp cứu khoảng trên 30 ca chấn thương nặng. Các bác sĩ, nhân viên y tế, các thiết bị phục vụ điều trị gần như được huy động tối đa.

Trong số các ca bệnh nhập viện Việt Đức, có tới 60% số ca gặp TNGT có sử dụng rượu bia. Ngày 30 Tết, trong số 124 bệnh nhân vào khoa Cấp cứu của bệnh viện này, có tới 105 ca do TNGT. Ngày mùng 1 Tết, khoa Cấp cứu tiếp nhận 95 bệnh nhân, trong đó 76 ca do TNGT. Sang tới ngày mùng 2 Tết, lượng bệnh nhân nhập viện tăng vọt lên 141 ca, trong đó 128 ca do TNGT, 30 ca bị chấn thương sọ não. Ngày mùng 3 Tết, có 173 bệnh nhân nhập viện thì 126 do TNGT, đặc biệt có tới 92 ca bị chấn thương sọ não. Ngày mùng 4 Tết cũng có tới 119 ca/151 ca nhập viện là do TNGT, trong đó 56 ca bị chấn thương sọ não.

Theo đánh giá của các bác sĩ, số trường hợp tử vong và chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gia tăng trong những ngày Tết chủ yếu liên quan đến uống rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm. Các kíp trực làm việc hết sức vất vả, vừa công việc cấp cứu vừa phân loại bệnh nhân để chuyển bớt những người bị chấn thương nhẹ đến các bệnh viện khác.

Do lượng bệnh nhân bị chấn thương nặng, chấn thương sọ não tăng rất cao so với ngày thường cũng như dịp Tết các năm trước khiến cho Bệnh viện Việt Đức có lúc rơi vào tình trạng quá tải. Riêng ngày mùng 4 Tết, bệnh viện tiếp nhận và xử trí tới 92 ca chấn thương sọ não, nhiều ca đa chấn thương khác. Các trường hợp này đều cần phẫu thuật cấp cứu, dẫn tới quá tải bởi toàn viện chỉ có 45 giường mổ.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, cho biết, đến thời điểm này, đang có 1.466 trường hợp bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.

Những bệnh nhân đang điều trị tại viện là những bệnh nhân nặng về hô hấp, tim mạch, thận... phải cần sự trợ giúp của nhân viên y tế. Nếu như ngày 30 Tết còn khoảng gần 1.000 bệnh nhân ở lại Bệnh viện Bạch Mai điều trị thì sáng mùng 1 tăng thêm lên đến 1.200 bệnh nhân. Các ngày sau đó đều tăng trung bình khoảng 80 bệnh nhân/ngày.

Bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tại khoa cấp cứu BV Bạch Mai, chỉ trong ba ngày đầu tiên của Tết Mậu Tuất đã tiếp nhận gần 400 bệnh nhân. Sau khi cấp cứu, các kíp trực nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa trong bệnh viện hoặc chuyển tới bệnh viện lân cận để giảm tải. Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.

Tại Trung tâm Chống độc, TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trong năm ngày Tết Mậu Tuất đã có 37 bệnh nhân bị ngộ độc được chuyển đến Trung tâm chống độc. Có ngày có đến 10 trường hợp ngộ độc được chuyển đến Trung tâm. Trong số bệnh nhân này có năm trường hợp ngộ độc rượu, bốn trường hợp ngộ độc ma túy tổng hợp, ba trường hợp ngộ độc chất ăn mòn, hai trường hợp ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, có 13 trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ (paraquat)…

TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khác biệt so với những năm trước, năm nay, các ca ngộ độc rượu được xử trí tại Trung tâm đều không phát hiện ra hàm lượng methanol trong rượu. Trong khi đó, số ca ngộ độc paraquat lại tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tính trung bình từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết, trung bình có ba bệnh nhân ngộ độc paraquat nhập viện. “Bệnh nhân chỉ cần sử dụng 50ml đã tử vong. Những người này thường tỉnh táo cho đến lúc chết trong tình trạng suy gan. Đa phần người uống paraquat không ý thức được nguy hại của loại hóa chất này” – TS Dũng nói.

Theo nhandan.com.vn