Cầu Đại Ngãi sẽ giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến QL1, rút ngắn khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh – Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ GTVT, việc xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu sẽ khai thông toàn tuyến QL60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.Hồ Chí Minh. Đây là công trình có tác động rất lớn trong việc rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thông, tăng tính linh hoạt trong vận tải và lưu thông hàng hóa.

Sau khi công trình được đầu tư, xây dựng sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế của các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh duyên hải như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nam bộ với Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, công trình còn có ý nghĩa giảm tải, phá thế độc đạo của tuyến QL1, rút ngắn khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh – Cà Mau; giảm ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả của cac dự án cầu lớn đã được đầu tư trên tuyến QL60,…

Về tình hình thực hiện đầu tư, Bộ GTVT cho biết, từ ngày 10/7/2012, Việt Nam và Nhật Bản phối hợp tổ chức kế hoạch hành động để thực hiện “Chiến lược Tokyo năm 2012” nhằm cam kết thúc đẩy thảo luận và tư vấn cho báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu Đại Ngãi. Năm 2015, liên danh tư vấn, nhà thầu Nhật Bản phối hợp lập báo cáo nghiên cứu dự án để trình Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản xem xét.

Tiếp đó, ngày 31/8/2016, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản vào danh mục tài khóa 2017 đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Gần nhất, tại Văn bản 2743 ngày 22/3/2017 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có ý kiến chấp thuận đề xuất dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn ODA Nhật Bản và giao Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trên cơ sở đó, ngày 10/4/2017, Bộ GTVT ban hành văn bản 3724 yêu cầu Ban QLDA7 sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý II/2017 để Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Về lộ trình thực hiện, ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng Giám đốc Ban QLDA7 cho biết, trong tháng 6/2017 sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, tháng 8/2017, chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt; phê duyệt quyết định đầu tư (12/2017), sơ tuyển, đấu thầu xây lắp, giám sát (2019 – 2020); Triển khai thi công, hoàn thành, bàn giao công trình (3/2025).

Theo ông Khánh, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài 15,2km, điểm đầu giao với QL54 (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh), điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu (huyện Long Phú, Sóc Trăng). Phần cầu chính, gồm hai cầu Đại Ngãi 1 (dài 2,24km) và Đại Ngãi 2 (dài 860m), đầu tư với quy mô hoàn chỉnh trong giai đoạn 1 với 4 làn xe, mặt cắt ngang 16m, tốc độ thiết kế 80km/h. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án khoảng 368,8 triệu USD, trong đó, vốn ODA là 327,09 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 41,72 triệu USD.

baogiaothong.vn