Chị Nguyễn Hải Yến – Trưởng Làng Công nghệ Logistics (Logistics Technology Village).
PV: Với cương vị là Trưởng làng Công nghệ Logistics, Chị có đánh giá như thế nào về tiềm năng khởi nghiệp của các bạn trẻ nói chung, lĩnh vực Công nghệ Logistics nói riêng hiện nay?.
Chị Nguyễn Hải Yến: Vào những năm 2016-2017, dễ dàng nhận thấy sự nổi lên của các start-up thương mại điện tử, công nghệ tài chính và truyền thông. Theo tôi, những lĩnh vực này chiếm ưu thế là bởi giá trị thặng dư cao, có khả năng tăng trưởng đột phá. Song đến giai đoạn 2020-2021, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi và tư duy của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp từ mua hàng theo cách thức truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Điều này cũng kéo theo những vấn đề liên quan đến an toàn thông tin được quan tâm hơn, vì vậy các các startup thuộc lĩnh vực an toàn không gian mạng (cybersecurity) có cơ hội phát triển nhiều hơn. Ngoài ra, những startup trong lĩnh vực giao hàng (logistics) và thanh toán (fintech) cũngnhận được nhiều những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.
Riêng đối với tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ Logistics nói riêng, tôi cho rằng, đây là mảnh đất màu mỡ cho nhiều bạn trẻ thử sức. Dựa vào các con số thống kê cho thấy nhận định của tôi là có căn cứ, cụ thể như: Việt Nam vươn lên xếp thứ 64 trên tổng số 160 quốc gia về mức độ phát triển logistics, nằm trong top 4 nước đi đầu lĩnh vực logistics trong khối ASEAN, cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan.
PV:Vậy thời gian vừa qua, với cương vị là Trưởng Trưởng Làng Công nghệ Logistics (Logistics Technology Village), Tổng giám đốc Cty TNHH Đầu tư Thương mại và Tiếp vận Sao Vàng (GSC), Chị đã có những sáng kiến, hành động gì để hỗ trợ, đồng hành với các bạn trẻ Việt Nam khởi nghiệp?
Chị Nguyễn Hải Yến: Với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong và sau đại dịch Covid 19, ngành công nghệ logistics trở nên rất hấp dẫn đối với cả các nhà đầu tư và các startup. Tuy nhiên, sự hạn chế về số lượng và chất lượng nhân sự của ngành là một thực trạng có thể thấy rõ.
Ở các trường đại học ở Việt Nam, logistics hiện lọt top các ngành có tổng số nguyện vọng tuyển sinh cao nhất bên cạnh các ngành quen thuộc như Y khoa, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Hàn… Tuy nhiên, từ những kiến thức các em tích lũy được trên ghế nhà trường, để trở thành những nhân sự có chất lượng cao trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, các em còn cần phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng cùng vốn kiến thức đa ngành. Tôi đã nhìn nhận thấy nhu cầu này từ nhiều năm trước đây, cho nên, công ty chúng tôi luôn rộng mở cánh cửa đối với các em sinh viên có đam mê đối với ngành logistics, tạo một môi trường làm việc thực tế cho các em đến thực tập và trau dồi kỹ năng, kiến thức. Cá nhân tôi, với thâm niên gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực logistics, tôi đã tham gia cộng tác, giảng dạy nhiều lớp, khóa học đào tạo nghiệp vụ logistics và xuất nhập khẩu, giúp cho các sinh viên khi ra trường có thể trở thành những nhân sự chất lượng cao của ngành logistics.
Đến với TECHFEST 2021,Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Tiếp vận Sao Vàng (GSC) cùng hợp tác với Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) để phát triển Làng Công nghệ Logistics, tên gọi là Logistech Village. Trên cương vị trưởng làng, tôi đã và đang tham gia điều hành các hoạt động riêng của làng Công nghệ Logistics, cũng như liên minh với các làng công nghệ khác và phối hợp chặt chẽ cùng BTC TECHFEST để mang tới một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các startup, các doanh nghiệp trẻ được phát huy sáng tạo trong công nghệ ứng dụng, kết nối cùng nhau nhằm đưa ngành Logistics mạnh mẽ vượt qua đại dịch và sẵn sàng bứt phá trong trạng thái bình thường mới. Chúng tôi dự định sẽ không dừng lại sau khi sự kiện TECHFEST 2021 kết thúc, mà sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án song hành khác, cụ thể là chúng tôi sẽ đồng hành cùng các startup tiềm năng trong lĩnh vực logistics mới được “khai phá” từ TECHFEST 2021 trong việc triển khai ý tưởng, tài trợ các chương trình đào tạo chất lượng cao, hỗ trợ các startup trong và ngoài nước có thể kết nối với nhau để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy tiềm năng tối đa, cùng vươn mình thành những doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của nền logistics quốc gia trong tương lai.
PV: Để phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ nói chung, lĩnh vực Công nghệ Logistics nói riêng phát triển tốt, phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn, theo chị thời gian tới Chính phủ và các cấp cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm gì?
Chị Nguyễn Hải Yến: Nhiều năm qua, môi trường hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển. Từ một khái niệm startup rất mới tại thời điểm năm 2015, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn rất đúng việc đón đầu một sân chơi cho thế hệ trẻ để phát triển công nghệ thông tin nhằm tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đó, nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, các startup cũng có thể tìm kiếm nguồn trợ giúp từnhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc các Bộ, Hội, và các trường Đại học ra đờinhư: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) – Bộ KH&CN; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp SYS Việt Nam; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) – Hội LHTN Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG HCM, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Huế… Đây là một tiền đề tốt giúp các bạn trẻ khởi nghiệp có những môi trường làm việc sáng tạo, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách mới nhất về đầu tư và khởi nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; khởi nghiệp chủ yếu theo phương thức truyền thống: tự tạo, tự lập nên còn thiếu tính thực tiễn, năng lực chạnh tranh thấp, hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành kinh doanh, quảng bá sản phẩm... Để giải quyết những vấn đề này, theo tôi, Chính phủ và các cấp cần tập trung vào một số giải pháp cấp bách như:
Mời những chuyên gia có kinh nghiệm ươm mầm startup tại những đất nước tiên tiến để họ có thể tư vấn hình thành các cơ chế, khung pháp lý phù hợp cho các dự án đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có xu hướng chỉ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mang lại giá trị thặng dư cao. Do đó, nếu muốn họ rót vốn vào đa dạng hơn các lĩnh vực thì Chính phủ cần có những hành lang pháp lý đầy đủ, chính sách ưu đãi, cơ chế rõ ràng, ban hành văn bản kịp thời, nếu cần thì có thể nêu rõ quyền lợi của các nhà/quỹ đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo như: Các quỹ tài trợ vốn, các tư nhân đầu tư mạo hiểm, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… Ngoài ra, cũng cần liên tục khảo sát, bám sát tình hình của các startup.
Cuối cùng, đẩy mạnh công tác truyền thông từ các địa phương cũng như tầm cỡ quốc gia để tạo thêm nhiều cầu nối trong và ngoài nước. Tư đó, thúc đẩy quá trình trao đổi, liên kết, hợp tác, chia sẻ thông tin, thăm quan học hỏi giữa các startup trong và ngoài nước; giữa các startup với các doanh nghiệp lớn, có tên tuổi trong và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn và kính chúc chị nhiều sức khỏe!
Theo Thanh niên Việt