Xu hướng chuyển đổi từ ô tô dùng động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu sang ô tô điện đang diễn ra rầm rộ trên thế giới. Các nhà sản xuất đang "chạy đua" trong cuộc đua điện khí hóa, trong khi nhiều quốc gia cũng đã vạch ra lộ trình cấm ô tô động cơ đốt trong để giảm thiểu khí thải ra môi trường. Tuy nhiên, có một khía cạnh liên quan đến xe điện đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải là: Làm cách nào để ứng phó và hạn chế rủi ro khi ô tô điện được vận chuyển bằng đường biển?

Vụ cháy tàu Fremantle Highway chở 3.783 chiếc ô tô trong đó có gần 500 ô tô điện xảy ra tại vùng biển Hà Lan

AFP

Các vụ cháy ô tô điện vận chuyển bằng tàu biển xảy ra gần đây không chỉ đặt ra câu hỏi với các đơn vị vận chuyển của ngành hàng hải mà còn với cả các công ty bảo hiểm cũng như các cơ quan cứu hộ, cứu nạn… Bởi thực tế, ô tô điện vận chuyển bằng tàu biển khi xảy ra rủi ro cháy nổ thường gây thiệt hại lớn và mất nhiều thời gian để có thể dập tắt ngọn lửa.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, đã có ít nhất 2 vụ cháy tàu vận tải biển chở theo hàng ngàn chiếc ô tô. Vào đầu năm 2022, tàu chở hàng Felicity Ace bốc cháy và chìm trên vùng biển Bồ Đào Nha đã khiến gần 4.000 chiếc ô tô, phần lớn của tập đoàn Volkswagen bị cháy xám và chìm dưới biển. Mới đây, vụ cháy tàu Fremantle Highway chở 3.783 chiếc ô tô trong đó có gần 500 ô tô điện xảy ra tại vùng biển cách đảo Ameland của Hà Lan 27 km cũng khiến hàng ngàn xe ô tô bị hư hỏng.

Ô tô điện Tesla sản xuất tại Trung Quốc tập kết tại cảng biển để lên tàu

Financial Times

Nguyên nhân vụ cháy tàu Fremantle Highway đến nay vẫn chưa được công bố nhưng nhiều suy đoán cho rằng, ngọn lửa bắt nguồn từ một trong những chiếc ô tô điện chở trên tàu, sau đó lan sang nhiều xe khác. Vụ hỏa hoạn này khiến một người trên tàu tử vong và sau gần 2 tuần đám cháy trên tàu Fremantle Highway mới được khống chế.

So với các vụ cháy liên quan đến xăng, dầu trên tàu biển… việc pin ô tô điện bốc cháy thường bắt lửa nhanh hơn, sinh nhiệt lớn hơn so với các đám cháy thông thường. Do đó, việc chữa cháy, cứu hộ cũng khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Chính vì vậy, đòi hỏi các đơn vị vận tải cũng như các đội cứu hộ cứu nạn trên toàn thế giới phải cập nhật phương pháp kỹ thuật, thiết bị tốt hơn cho việc khống chế đám cháy.

Theo thông tin được Hiệp hội phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quốc tế (CTIF) đăng tải hồi tháng 2.2022, để dập tắt một chiếc ô tô điện Tesla đang bốc cháy cần khoảng 150.000 lít nước. Việc chữa cháy tàu biển vận chuyển ô tô cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi việc phun nước có thể làm thay đổi cân bằng trọng lượng của con tàu.

Đa số tàu vận tải khi vận chuyển ô tô điện bằng đường biển hiện nay đều thiếu sự chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ

Carscoop

Hiện nay, đa phần tàu vận tải khi vận chuyển ô tô điện bằng đường biển đều thiếu sự chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ. Theo Reuters, các thiết bị chữa cháy được lắp đặt trên nhiều con tàu hiện nay không đáp ứng được nhiệm vụ chữa cháy các đám cháy xuất phát từ ô tô điện. Các đám cháy liên quan đến pin lithium-ion thường bắt lửa nhanh, sinh nhiệt lớn hơn đám cháy bình thường. Bên cạnh đó, so với các vụ cháy ô tô điện trên đường, việc ô tô điện cháy trên tàu biển chở hàng ngàn chiếc ô tô càng khó dập tắt do khó tiếp cận đúng khu vực cháy và không gian bị hạn chế.

Theo Reuters trong thời gian tới, chi phí bảo hiểm cho các nhà sản xuất ô tô và chủ tàu có thể sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, Tổ chức Hàng hải Quốc tế cũng đánh giá để đưa ra các tiêu chuẩn mới đối với các tàu vận chuyển ô tô điện. Một số phương án đang được thảo luận để giảm thiểu rủi ro, bao gồm trang bị các hóa chất mới để dập lửa, chữa cháy pin điện chuyên dụng, vòi phun, vòi chữa cháy xuyên pin.

Nguồn Báo Tuổi trẻ