Rút ngắn tiến độ, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng

Đứng đầu liên danh thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trên tuyến cao tốc này có 3 hầm xuyên núi với chiều dài lần lượt là 610m, 700m và 3.200m.

Sơ đồ cải tiến phương pháp đào hầm số 2 dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.

Trong đó, hầm số 2 nằm ở giữa bị ngăn cách bởi hai thung lũng nên rất khó tiếp cận. Để tiếp cận được công địa thi công, nhà thầu phải đi qua tuyến đường công vụ dài 3,6km với hiện trạng là đường đất, độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở và bị chia cắt vào mùa mưa.

Gần hạng mục này cũng không có bãi thải và bãi tập kết vật liệu, công tác thi công và di chuyển giữa các hạng mục gặp rất nhiều thách thức.

Kỹ sư Bùi Hồng Đăng, cán bộ phụ trách hạng mục hầm số 2 cho biết, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, đẩy tiến độ chung của dự án, đội ngũ kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu và đưa ra phương án cải tạo phương pháp đào bằng cách tăng bước đào gương hầm và tăng mũi đào hầm.

Nếu theo phương pháp cũ, các ống hầm sẽ được đào theo 2 mũi từ 2 đầu hầm, gặp nhau ở điểm giữa hầm thì với phương pháp mới, khi đào đến ngách thông ngang sẽ tiến hành bổ sung thêm 2 mũi đào từ giữa, nâng tổng cộng lên 6 mũi đào (theo sơ đồ). Mỗi gương hầm cũng sẽ tăng từ 2 lên 3 bước đào, chu kỳ thi công mỗi gương rút ngắn 2 giờ so với cách đào cũ.

Bằng phương pháp mới này, thời gian thông hầm rút ngắn hơn 4 tháng so với phương pháp đào thông thường (mốc thông hầm 2 dự kiến là tháng 12/2023 thay vì tháng 4/2024).

“Việc tăng mũi đào và bước đào không làm tăng chi phí mà ngược lại còn tăng hiệu quả sử dụng máy móc thiết bị, giảm đáng kể chi phí thi công. Chỉ tính riêng chi phí máy khoan, máy phun, nhân công tại hạng mục hầm số 2 dự kiến tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, khi hầm 2 được thông và sử dụng như đường công vụ, thời gian vận chuyển nguyên vật liệu cũng sẽ được rút ngắn, tạo đà cho các mũi thi công hạng mục khác tăng tốc sản lượng, đưa dự án về đích đúng tiến độ để phục vụ người dân”, kỹ sư Bùi Hồng Đăng chia sẻ.

Công nghệ thi công hầm đường bộ xuyên núi được Tập đoàn Đèo Cả áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa hình tại Việt Nam, nâng cao hệ số an toàn.

Nâng cao chỉ số an toàn nhờ công nghệ đào hầm NATM “hệ Đèo Cả”

Phương pháp đào hầm mới của Áo (New Austrian Tunneling Method -NATM) được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam tại hầm Hải Vân, tiếp đó là hầm đèo Cả do đội ngũ kỹ sư Nhật Bản làm tư vấn thiết kế, giám sát thi công. Các dự án này được ví như “trường học lớn” cho đội ngũ kỹ sư khoan hầm người Việt.

Trải qua quá trình học hỏi, tích luỹ, công nghệ NATM được đội ngũ kỹ sư người Việt từng bước nhuần nhuyễn, điều chỉnh, cải tiến, tối ưu công nghệ.

Theo kỹ sư Bùi Hồng Đăng, cho đến hiện tại, công nghệ NATM đã được các nhà thầu Việt Nam áp dụng tương đối tốt và linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và điều kiện máy móc, nhân sự, vật tư, địa chất…

Minh chứng được thể hiện rõ nét qua các hầm mà nhà thầu Việt Nam thực hiện như: hầm Cù Mông, Hải Vân 2, Bao Biển, Thung Thi, Trường Vinh, Tam Điệp, Núi Vung, Dốc Sạn, Thần Vũ…

Ông Đăng cho biết, có nhiều đơn vị thi công đã và đang làm chủ được phương pháp đào hầm NATM. Song, công nghệ được Tập đoàn Đèo Cả áp dụng vẫn có những điểm khác biệt và mang nét đặc thù riêng được gọi là phương pháp thi công NATM - Hệ Đèo Cả nhằm thi công an toàn, rút ngắn tiến độ và giảm chi phí. Đây chính là yếu tố làm nên thương hiệu của Tập đoàn về lĩnh vực này.

Ứng dụng thực tế, trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, việc thi công 3 hầm xuyên núi được Tập đoàn Đèo Cả áp dụng hệ thống đánh giá địa chất kết hợp với chia diện tích gương đào linh hoạt và công tác quan trắc biến dạng, ứng suất để luôn đưa ra phương án chống đỡ kịp thời. Phương pháp này an toàn hơn so với công nghệ đào hầm theo NATM trên thế giới từ khoảng 20% - 30%.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả luôn chủ động giải quyết hiệu quả các rủi ro sự cố trong suốt quá trình thực hiện. Tập đoàn có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư hàng đầu về lĩnh vực đào hầm, kinh qua nhiều dự án như chuỗi hầm tại miền Trung, hầm Bao Biển, Trường Vinh, Thung Thi với nhiều dạng địa chất khác nhau.

Điển hình, gần đây nhất, Đèo Cả đã xử lý thành công vấn đề tại hầm Núi Vung trên tuyến cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo gặp phải vùng địa chất không tốt, với nhiều đới vò nhàu, đứt gãy (địa chất phía trên hầm đi qua khu vực lòng suối cổ).

“Việc xử lý trên gần như chỉ một số lượng nhỏ nhà thầu trong nước có thể thực hiện thành công.

Riêng hầm núi Vung, với cách làm sáng tạo, hiệu quả của nhà thầu, thời điểm hiện tại, tuyến hầm đã đực thông nhánh trái. Nhánh hầm phải dự kiến thông trong cuối quý III/2023”, ông Đăng thông tin.

Theo Báo Giao thông