Kỳ 2: GIAO QUẢN LÝ TÀI SẢN KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Phạm vi và hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho cơ quan quản lý tài sản:

1. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này như sau:

a) Cơ quan quản lý tài sản ở trung ương được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trung ương quản lý.

b) Cơ quan quản lý tài sản ở địa phương (gồm: Cơ quan quản lý tài sản cấp tỉnh; cơ quan quản lý tài sản cấp huyện; cơ quan quản lý tài sản cấp xã) được giao quản lý đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý.

2. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản.

Sau khi được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan. Trường hợp cơ quan quản lý tài sản ở trung ương phân cấp/ủy quyền/giao cho các tổ chức hành chính trực thuộc (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh phân cấp/ủy quyền/giao cho các tổ chức hành chính trực thuộc hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (đối với tài sản thuộc phạm vi quản lý của cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh) thực hiện kế toán, quản lý hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, bảo trì, báo cáo kê khai, đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các nội dung khác (nếu có) thì cơ quan quản lý tài sản phải quy định rõ nội dung phân cấp/ủy quyền/giao và quy trình nội bộ để bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định tại Nghị định này. Riêng việc phân cấp/ủy quyền/giao thực hiện kế toán, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý). Việc phân cấp/ủy quyền trong các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Nhà nước đầu tư, quản lý cho cơ quan quản lý tài sản được áp dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện có tại thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản giao cho cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này quản lý.

4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao cho cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này quản lý thì thẩm quyền, thủ tục giao tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

5. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:

a) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư/chủ dự án/ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

b) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng không phải là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì xử lý như sau:

Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này;

Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều này.

c) Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt không xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao hoặc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

6. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do các đối tượng không phải là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này quản lý mà đối tượng đang quản lý có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.

Trường hợp pháp luật có liên quan chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản thì được áp dụng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 22 Nghị định này để quyết định và thực hiện việc điều chuyển tài sản.

Thẩm quyền quyết định giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc trung ương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở trung ương, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc địa phương quản lý cho cơ quan quản lý tài sản ở địa phương, trừ tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.

Trình tự, thủ tục giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chỉ đạo cơ quan quản lý đường bộ cùng cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, thống kê toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đang quản lý hoặc tạm quản lý (bao gồm cả trường hợp tài sản được đầu tư theo phương thức đối tác công tư do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo quy định mà không phải thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản); trên cơ sở đó, thực hiện phân loại như sau:

a) Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền giao cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này quản lý.

b) Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này quản lý nhưng chưa có văn bản giao tài sản của cơ quan, người có thẩm quyền.

c) Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tạm giao cho cơ quan quản lý tài sản quy định điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này quản lý.

d) Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã giao hoặc tạm giao cho đối tượng khác (không phải là cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này) quản lý.

2. Căn cứ kết quả rà soát, thống kê, phân loại tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) chủ trì, lập hồ sơ đề nghị giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trừ tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này) cho cơ quan quản lý tài sản quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này, báo cáo Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý). Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Văn bản của cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương/cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh về việc giao tài sản: 01 bản chính.

b) Biên bản họp liên ngành hoặc ý kiến bằng văn bản về việc giao tài sản của: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản và cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đó; cơ quan, đơn vị có liên quan của Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý); cơ quan dự kiến được giao quản lý tài sản (trong trường hợp dự kiến giao cho cơ quan quản lý đường bộ cấp huyện, cơ quan quản lý đường bộ cấp xã): 01 bản chính.

c) Danh mục tài sản đề nghị giao (tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản) do cơ quan quản lý đường bộ ở trung ương/cơ quan quản lý đường bộ cấp tỉnh lập: 01 bản chính.

d) Hồ sơ pháp lý về tài sản (Quyết định giao/điều chuyển tài sản, Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản hoặc các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh quyền quản lý, sử dụng, tạm quản lý tài sản (nếu có)): 01 bản sao.

đ) Giấy tờ khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 Nghị định này xem xét, quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền hoặc có văn bản hồi đáp trong trường hợp đề nghị giao tài sản chưa phù hợp.

Trường hợp việc giao tài sản thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Giao thông vận tải (đối với tài sản thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tài sản thuộc địa phương quản lý) lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao tài sản. Hồ sơ trình gồm:

a) Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc đề nghị giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản (trong đó xác định cụ thể: Cơ quan quản lý tài sản; hình thức giao tài sản; danh mục tài sản đề nghị giao: Tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản; cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản) kèm theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 01 bản chính.

b) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan có liên quan: 01 bản chính;

c) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan: 01 bản sao.

d) Các hồ sơ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này: 01 bản sao.

4. Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên cơ quan quản lý tài sản.

b) Danh mục tài sản giao (tên tài sản; địa chỉ; loại/cấp/hạng; năm đưa vào sử dụng; thông số cơ bản (số lượng/chiều dài/diện tích...); nguyên giá, giá trị còn lại (nếu có); tình trạng sử dụng của tài sản); cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản).

c) Hình thức giao tài sản.

d) Trách nhiệm tổ chức thực hiện.

5. Căn cứ Quyết định giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cơ quan, người có thẩm quyền:

a) Cơ quan quản lý tài sản thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan đối với tài sản quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này; không phải thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản như quy định tại điểm b khoản này.

b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý hoặc tạm quản lý tài sản (Bên giao) thực hiện bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý tài sản (Bên nhận) đối với tài sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được lập thành Biên bản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Nghị định này. Sau khi tiếp nhận tài sản, cơ quan quản lý tài sản thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định tại Nghị định này, pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật khác có liên quan.

6. Kinh phí tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê, phân loại và giao quản lý tài sản được bố trí từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

( Còn tiếp)

Thanh Bằng