Đường 20 Quyết thắng dài 125km, bắt đầu từ thôn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến ngã ba Lùm Bùm trên đất Lào. Đây là con đường vận tải huyết mạch để nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn. Sau nhiều ngày đêm cật lực phá núi mở đường, ngày 5/5/1966 Đường 20 Quyết thắng được khai thông. Hàng nghìn đoàn xe cơ giới vận chuyển vũ khí, đạn được, sức người sức của chi viện cho mọi chiến trường, đặc biệt là chiến trường miền Nam ruột thịt.

Bộ đội, Thanh niên xung phong phá đá mở đường 20 Quyết thắng. (Ảnh tư liệu)

Ông Lê Công Thù, nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Đội 25, Binh Trạm 14, Đoàn 559 cho biết, trong tâm trí của ông cũng như nhiều thanh niên xung phong khác, vẫn còn in đậm trận đánh quyết tử ở ngầm Trạ Ang. Hôm đó, Máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời, ném bom liên tục hòng cắt đứt con đường vận chuyển. Do đánh bom không phá được đường, máy bay Mỹ bắn tên lửa dữ dội vào các vách núi, đá lăn đổ xuống vùi đường, lấp hầm làm nhiều bộ đội, thanh niên xung phong hy sinh, tuyến đường ách tắc suốt 12 ngày đêm. Phía bên kia núi đá, bộ đội, thanh niên xung phong hết lương thực, nước ngọt, đoàn xe cơ giới không di chuyển được vì thiếu xăng dầu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm động viên các nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường huyền thoại- Ảnh tư liệu

Thanh niên xung phong Đại đội 3 tìm cách tiếp tế xăng dầu, lương thực bằng cách thả trôi theo dòng suối ngầm Trạ Ang. Ông Lê Công Thù nhớ lại, máy bay trinh sát địch biết được đã kéo đến ném bom ác liệt.

“Bom đánh nhiều đến mức hàng chục cây số xung quanh không còn cây nào hết, chỉ còn đường đất đỏ quạch, cây cối cháy hết. Tôi nói đó là cuộc đối đầu căng thẳng nhất. Nhiều người hy sinh, người trước ngã là người sau lên thay thế nhằm đẩy bằng được các phuy xăng, cuối cùng đẩy được 30 phuy rồi hy sinh hàng chục người. Gần như một giọt xăng đổi một giọt máu, một phuy xăng đổi một mạng người, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông”- ông Lê Công Thù nói.

Hàng ngàn thanh niên xung phong khai thông tuyến đường dưới mưa bom bão đạn. Ảnh Tư liệu.

Kể từ năm 1968, nhận thấy vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Đường 20 Quyết thắng, quân đội Mỹ tập trung đánh phá, sử dụng nhiều loại bom đạn thông minh, hiện đại. Mỗi ngày trên tuyến hứng chịu 30-40 trận bom, trong đó có bom rải thảm từ pháo đài bay B52. Có tuần lễ hơn 5.000 quả bom từ trường, bom bi, bom nổ chậm, … rải xuống các trọng điểm như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích, ngầm Trạ Ang…

Cầu Trạ Ang từng là trọng điểm ném bom ác liệt năm xưa.

Bà Trần Thị Thành, nguyên Chính trị viên Đại đội 759, Binh trạm 12, Đoàn 559 cho biết, thời gian đó, điều kiện sống của thanh niên xung phong ở tuyến đường Trường Sơn vô cùng thiếu thốn, mỗi chị em được phát 2 bộ áo quần để mặc, nhiều bữa cơm thiếu muối, không đủ no. Chị em phải đốt lá tranh để lấy tro chấm với cơm thay muối. Bị sốt rét hành hạ, chị em nào da mặt cũng tái xanh, thiếu sức sống. Sau mỗi đợt bom ngừng rơi, chị em thanh niên xung phong lại ào ra đường cầm cuống xẻng khơi thông lại tuyến đường.

Đền tưởng niệm tại hang Tám Cô.

Có những khi bom nổ chậm cài hẹn giờ ở ngay bên cạnh, có thể phát nổ bất cứ lúc nào nhưng chị em vẫn quyết tâm thông đường cho xe qua. Nhiều thanh niên xung phong hy sinh do bị đất đá vùi lấp mà đồng đội không tìm được xác, đồng đội phải thắp hương khấn cầu người ngã xuống lót đường cho đoàn xe đi qua.

Một góc đường 20 Quyết thắng quanh co giữa rừng già.

“Khi bắn rocket, bom nổ chậm, rải một lần 40- 50 quả, bom nổ chậm nên được định giờ, 5-10 phút nổ… Có hôm thả 50 quả thì trúng đường bao nhiêu quả, rơi xuống khe bao nhiêu quả thì đều có người đứng quan sát. Có quả bom rơi xuống phát nổ ngay thì quân mình phải ra lấp hố bom cho xe qua. Khi đó mình cũng không sợ chết mà chết cũng vinh quang, chỉ có suy nghĩ là đoàn xe quan trọng phải đi qua”, bà Trần Thị Thành nói.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tợi, nguyên Lữ đoàn phó Lữ đoàn 596, Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc cho biết, trong những năm tháng ác liệt trên đường 20 Quyết thắng, ông đã sát cánh cùng đồng đội chiến đấu gian khổ, nhiều lần đối diện với cái chết. Mỗi lần đường dây thông tin bị bom dội đứt, bộ đội, thanh niên xung phong lại dùng cuốc, xẻng, thậm chí dùng tay không để lật từng viên đá, nối từng đoạn dây.

Nhiệm vụ rải đá vá đường, lấp hố bom chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Dù trời đông giá rét hay mùa hè nắng cháy, hàng nghìn thanh niên xung phong và bộ đội vẫn bám đường, bám trọng điểm với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hay “địch phá, ta sửa ta đi, địch lại phá, ta lại sửa, ta đi…” . Có những hôm máy bay địch thả pháo sáng rực trời, sau đó là một trận mưa bom khiến đường 20 tan nát. Vậy mà, mọi người ăn tạm chén cơm lót dạ rồi lại lao ra đường đào xới, lấp lại những hố bom sâu hoắm.

Một góc đường 20 Quyết thắng hôm nay.

Vào những năm 1968-1972, không quân Mỹ tăng cường oanh kích dữ dội tuyến đường 20 Quyết thắng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 chủ trương mở một số tuyến đường kín. Nhiều đoạn đường ở 20 Quyết thắng, bộ đội, thanh niên xung phong chặt lá cây rừng, lá tranh nứa treo trên cao nhằm ngụy trang cho đoàn xe vận tải chạy phía dưới. Ở những cung đường chênh vênh bên bờ vực thẳm, nhiều thanh niên xung phong đứng làm cọc tiêu sống cho xe đi qua.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Tợi nguyên Lữ đoàn phó Lữ đoàn 596, Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc bùi ngùi nhớ lại: “Mở một số đoạn đường tránh, đường vu hồi mà địa hình cho phép, cho nên tạo ra lực lượng cơ động. Hiệu quả vận chuyển qua đường kín rất tốt vì đường kín này xe đi dưới suối dưới sông, đi dưới rừng già mà địch không phát hiện được, thậm chí có đoạn đường dài 6-7km, làm tăng cường hiệu quả vận chuyển đến chiến trường”.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng ý chí mãnh liệt, tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh của các thế hệ cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường 20 Quyết thắng vẫn còn đó. Đúng như tên gọi của con đường huyền thoại, những người lính, thanh niên xung phong tuổi đời từ 18 đến 20 luôn trong tâm thế quyết thắng giặc ngoại xâm, không chịu quy phục trước bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào của “mưa bom bão đạn”.

Đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến đường 20 Quyết thắng năm xưa: “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này”.

Bây giờ, trên đường 20 Quyết thắng, núi rừng đã phủ một màu xanh bạt ngàn trải dài suốt hai bên con đường. Thế hệ mai sau vẫn còn nhắc nhớ các anh, những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân trên tuyến đường 20 Quyết thắng để có được nền độc lập tự do hôm nay./.

Theo VOV