Lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2020 giảm 24,5% so với năm 2019
Sau hơn 2 năm vướng mắc, những “nút thắt” trong hoạt động nhập khẩu ô tô của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã dần được tháo gỡ. Theo đó, Nghị định 17/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều kiện liên quan đến việc đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương ban hành giữa tháng 2.2020 giúp các doanh nghiệp tháo gỡ bớt khó khăn vướng mắc trong việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Tuy nhiên, chưa kịp mừng khi “nút thắt” dần được tháo gỡ, các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh ô tô tại Việt Nam lại tiếp tục đối mặt thử thách khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng, sản xuất ô tô trên toàn cầu bị gián đoạn, nhiều nhà máy ô tô tạm dựng hoạt động… khiến lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam theo đó cũng giảm mạnh.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020 các DN kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 105.201 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng kim ngạch 2,35 tỉ USD. So với năm 2019, ô tô nhập khẩu về Việt Nam năm 2020 giảm 35.100 xe, tương đương 24,5%. Kim ngạch nhập khẩu giảm 25,6% so với năm 2019.
Trong đó, ô tô tải (gồm cả xe bán tải) chiếm 22.420 xe, ô tô du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm 75.576 xe. Nếu như ô tô tải, xe bán tải về Việt Nam vẫn là những mẫu xe khá quen thuộc, phân khuc ô tô du lịch 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam có thêm một số mẫu mã mới như bội đôi xe MG ZS, HS, Suzuki XL7, Mitsubishi Xpander Cross, Toyota Corolla Cross cũng như hàng loạt các mẫu xe sang của Audi, Mercedes-Benz, BMW…
Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc một số phiên bản, mẫu mã ô tô du lịch hút khách như Honda CR-V (nhập từ Thái Lan), Mitsubishi Xpander (nhập từ Indonesia)… chuyển sang lắp ráp trong nước chính là lý do khiến lượng xe nhập khẩu năm 2020 sụt giảm.
Mức giảm mạnh nhất rơi vào những tháng thuộc quý II, quý III.2020 và bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, những nỗ lực trong giai đoạn nước rút vẫn không đủ vực dậy tình hình nhập khẩu ô tô năm 2020. Chính điều này, khiến một số mẫu mã ô tô nhập khẩu vốn hút khách như Ford Ranger, Toyota Corolla Cross… rơi vào cảnh cháy hàng, đại lý không đủ xe để bán khi sức mua tăng trưởng trong tháng cuối năm 2020.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan trong số hơn 105.000 ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2020, ô tô xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia vẫn chiếm đa số, nhưng nhìn chung vẫn sụt giảm so với năm 2019.
Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô tại Việt Nam đã nhập khẩu 52.674 ô tô nguyên chiếc từ Thái Lan, giảm 29% so với năm 2019. Trong đó, chủ yếu là các mẫu xe bán tải, SUV 7 chỗ và một số dòng sedan hạng B, C, D.
Ô tô nhập khẩu từ Indonesia về Việt Nam trong năm qua cũng chỉ đạt 35.043 xe, giảm 25% so với năm 2019. Trong số này, chủ yếu là các mẫu xe thuộc phân khúc MPV đa dụng như Mitsubishi Xpander bản nhập khẩu, Toyota Avanza hay Toyota Wigo thuộc phân khúc xe cỡ nhỏ…Trái ngược với sự sụt giảm của ô tô xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia… Trong năm 2020, ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh. Hơn 7.400 ô tô xuất xứ từ Trung Quốc đã được nhập về Việt Nam trong năm 2020. Ngoài các dòng xe thương mại, ô tô 9 chỗ trở xuống sản xuất ở Trung Quốc cũng tạo được sự chú ý khi vào thị trường Việt Nam. Đông thời cũng tạo nên nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề chất lượng, an toàn.
Ngay từ cuối quý I.2020, sau khi chuẩn bị “chấm dứt mối lương duyên” với Nissan, công ty Tan Chong chính thức đưa thương hiệu ô tô MG nguồn gốc Anh Quốc nhưng thuộc tập đoàn ô tô Thượng Hải - SAIC vào Việt Nam, khởi đầu cho sự trở lại của làn sóng ô tô Trung Quốc. Ngay sau đó, đến lượt các nhà phân phối đưa Brilliance V7 – mẫu xe được vi von “BMW Trung Quốc” và Beijing X7 với kiểu dáng bóng bẩy, nhiều tính năng công nghệ xâm nhập thị trường Việt Nam.
Bên cạnh ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia… Trong năm 2020, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 2.400 xe ô tô các loại từ Nhật Bản, 1.530 xe từ Mỹ và 1.280 xe từ Hàn Quốc. Các thị trường khác như Đức, Nga, Anh… đều xuất khẩu chưa đến 1.000 xe vào Việt Nam trong năm 2020. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong năm 2020 doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 1% trong khi xe nhập khẩu giảm 17% so với năm 2019.
Theo oto.com.vn