Họ "sốt ruột" không chỉ vì muốn tạo điều kiện thoải mái nhất, thu hút khách sau nhiều năm phải hạn chế, trì trệ, ế ẩm vì dịch mà còn bởi ở những nơi như Mỹ, việc bỏ khẩu trang còn giúp tránh rắc rối không đáng có đến từ những vị khách… không chịu mang khẩu trang.
Nhiều hãng bay không bắt buộc khách đeo khẩu trang
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới vẫn tiếp diễn nhưng tỉ lệ bệnh nặng và tử vong đã giảm thấp, Anh là một trong những quốc gia nới lỏng quy định phòng dịch trên các phương tiện công cộng cũng như quy định đeo khẩu trang.
Từ tháng 6/2020, khi tình hình dịch căng thẳng, hầu hết các hãng hàng không và sân bay tại nước này đều có quy định bắt buộc phải mang khẩu trang.
Các hãng hàng không nóng lòng muốn dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên máy bay. Ảnh: EPA
Vài tuần qua, các hãng hàng không và sân bay đã nhanh chóng quyết định dừng bắt buộc đeo khẩu trang, chẳng hạn như sân bay Heathrow của London, hãng hàng không British Airways và Virgin Atlantic…
Cả hai hãng hàng không kể trên đều thông báo, việc đeo khẩu trang sẽ là lựa chọn của từng cá nhân. Sự thay đổi này sẽ chỉ áp dụng trên các tuyến bay đến hoặc đi tới các địa điểm không yêu cầu khẩu trang như Anh và Barbados. Tuy nhiên, nếu hành khách đi tới các quốc gia có quy định đeo khẩu trang thì họ vẫn phải tuân thủ.
Tại Hà Lan, từ cuối tháng 3, nước này đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng nhưng vẫn bắt buộc trên máy bay.
Sau quyết định trên, hãng hàng không Hà Lan - KLM đã bày tỏ “thất vọng” và thông báo sẽ không bắt buộc hành khách đeo khẩu trang trên máy bay bắt đầu từ tuần tới.
Zach Griff, biên tập viên cao cấp của trang thông tin du lịch Points Guy (Mỹ) cho rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều quốc gia bỏ quy định đeo khẩu trang, trước mắt đa phần sẽ tập trung ở châu Âu. Các hãng hàng không quốc gia hàng đầu tại Pháp, Tây Ban Nha và Đức rất mong chờ quy định này.
Tuy nhiên, những hãng hàng không quốc tế lớn như Emirates, Etihad, Qatar sẽ phải cẩn trọng hơn khi đưa ra quyết định vì tính chất phức tạp khi hoạt động tại nhiều quốc gia, có nơi yêu cầu/có nơi không bắt buộc đeo khẩu trang.
Hàng không, du lịch Mỹ “sốt ruột”
Đầu tháng 3, Chính phủ Mỹ đã gia hạn quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với hành khách đi máy bay, tàu hỏa và tại các trung tâm quá cảnh cho đến ngày 18/4. Trong khi đó, giới chức y tế công cộng đang cân nhắc thời điểm dỡ bỏ quy định này.
Mới đây, 3 Giám đốc điều hành các hãng bay lớn nhất là Delta Air Lines, American Airlines và United Airlines cùng viết thư kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang liên bang và một số quy định phòng dịch khác. Trong thư, họ cho rằng “chất lượng không khí trên máy bay tương đương ở bệnh viện” và muốn Chính phủ “thực hiện ngay bây giờ”...
Trước đó, Hiệp hội Du lịch Mỹ và công đoàn đại diện cho tiếp viên hàng không Southwest Airlines cũng gửi thư với nội dung tương tự.
Hiện tại, Nhà Trắng chưa phản hồi hay có bình luận gì về những đề nghị trên. Tuy nhiên, hồi đầu tháng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã thông báo sẽ phối hợp với các cơ quan bao gồm Cục An ninh vận tải Mỹ để đánh giá khả năng thay đổi quy định.
Trong thông báo, cơ quan này cho biết, sẽ sửa đổi quy định dựa trên mức độ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nguy cơ biến chủng mới, dựa trên dữ liệu quốc gia và các nghiên cứu khoa học mới nhất.
Tranh cãi hiệu quả phòng dịch của khẩu trang
Một vụ hành khách ẩu đả trên máy bay tại Mỹ vì vấn đề khẩu trang
Cho đến nay, hiệu quả phòng dịch của việc đeo khẩu trang vẫn là chủ đề gây tranh cãi.
Trong khi các hãng hàng không, du lịch khẳng định “nguy cơ là rất thấp”, thì theo Cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - David Powell, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, khách có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn từ 2 - 3 lần trong chuyến bay.
Biến chủng Omicron có mức độ lây lan cao, chiếm đa số ca mắc mới trong vài tuần qua, riêng tại Mỹ là chiếm 70% số ca mắc mới.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Powell cho biết, dù hệ thống bộ lọc không khí trên máy bay đã đạt đến mức độ tương đương ở bệnh viện nhưng biến chủng Omicron vẫn có thể lây lan rất nhanh khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không rất lớn.
Tuy nhiên ông Powell cũng cho rằng, cách bảo vệ hành khách đi máy bay tốt nhất là tiêm vaccine đầy đủ, thay vì chỉ đeo khẩu trang đơn thuần.
Còn theo bà Isabella Eckerle, lãnh đạo Trung tâm Geneva về các bệnh do virus mới, việc “bỏ khẩu trang bây giờ là quá sớm”. Bà Eckerle đưa ra nhận định trên khi Thụy Sĩ quyết định bỏ yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng vào đầu tháng 3/2022. Bà Eckerle cho biết, các xét nghiệm PCR cho thấy tỉ lệ dương tính ở nước này đã tăng trở lại, lên 35%.
Sở dĩ các hãng hàng không Mỹ nóng lòng muốn dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang vì đây là nguyên nhân làm tăng số vụ cãi lộn trên các máy bay của Mỹ.
Đội ngũ tiếp viên hàng không Mỹ đã trải qua gần 2 năm căng thẳng, thường xuyên phải đối phó với những vị khách nhất quyết không đeo khẩu trang và có hành vi thô lỗ.
Rất nhiều chuyến bay đã phải quay đầu hoặc hạ cánh khẩn dù chỉ vì một hành khách không đeo khẩu trang.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã phải áp dụng chính sách không nhân nhượng từ đầu năm 2021 với mức phạt nặng lên tới 35.000 USD hoặc có thể phạt tù nếu hành vi chống đối không đeo khẩu trang dẫn đến can thiệp hoặc tấn công tiếp viên hàng không.
Nhưng theo nhận định của ông Paul Hartshorn, người phát ngôn Hiệp hội tiếp viên hàng không chuyên nghiệp, tình hình vẫn “vượt ngoài tầm kiểm soát
Theo Báo Giao thông