Theo đó, Bộ Giao thông vận tải gia cho Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam: Xây dựng, cập nhật và rà soát các phương án đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống thiên tai, hướng dẫn phân luồng phương tiện đối với các tuyến quốc lộ huyết mạch như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ đi Đông Bắc, Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên và các tuyến đường cao tốc vừa mới đưa vào khai thác sử dụng...;Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị, vật tư và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để khắc phục, đảm bảo giao thông bước 1 trong thời gian nhanh nhất; Tổ chức kiểm tra các đoạn đường xung yếu, các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ ở khu vực miền núi; rà soát và có các giải pháp khắc phục các vị trí thường xuyên gây cản trở đến việc thoát lũ, gây ngập úng cho các khu dân cư ở hai bên đường quốc lộ (đặc biệt tuyến đường quốc lộ 1 và đường cao tốc ở khu vực Nam Trung Bộ); Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, đường cao tốc phải tổ chức thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên trước, trong và sau mùa lũ bão, nhất là giữ mặt đường êm thuận, khô ráo, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Sữa chữa, gia cường kho tàng, cơ sở vật chất hiện có của các đơn vị, đảm bảo an toàn khi có lũ, bão xảy ra; Khi có sự cố do thiên tai xảy ra, chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ phối hợp với các Sở Giao thông vận tải và các lực lượng của địa phương (như: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và lực lượng dân phòng) trong việc phân luồng đảm bảo giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí ngập nước, sạt lở đất gây ách tắc giao thông.
Cục Đường sắt Việt Nam: Kiểm tra, đôn đốc việc tuần tra chốt gác các vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu; khu vực dễ bị ngập nước; dễ bị lũ quét khi có mưa lớn; các đoạn đường đèo dốc thường có đá rơi, đất sụt; các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước; Kiểm tra, rà soát và có các giải pháp khắc phục hiệu quả các điểm gây cản trở việc thoát lũ, xã lũ, gây ngập ở phía thượng lưu do tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua ở khu vực Nam Trung Bộ; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị quản lý, bảo trì đường sắt, các khu gian, khu đoạn bố trí vật tư, thiết bị, máy móc và nhân lực để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông bước 1 trong thời gian nhanh nhất; Khi xảy ra thiên tai, chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh kế hoạch khai thác, chạy tàu để giảm số lượng các chuyến tàu chạy qua hoặc dừng đỗ ở những khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai. Xây dựng phương án tăng bo, chuyển tải hành khách, hàng hóa qua những điểm có khả năng bị ách tắc trên tuyến đường sắt; Xây dựng phương án bảo quản hàng hóa, vận chuyển vật tư dự phòng, chuyển tải hành khách..., chuẩn bị đủ về số lượng, chủng loại đầu máy, toa xe tại các khu vực trọng điểm để vận chuyển kịp thời vật tư dự phòng phục vụ ứng cứu khi có tình huống thiên tai, sự cố xảy ra.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông và phương án chống va trôi cho các cầu trong mùa mưa bão ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đã được Bộ phê duyệt. Đối với các vị trí khác khi có tình huống khẩn cấp hoặc có nguy cơ cao xảy ra sự cố, kịp thời báo cáo Bộ để có phương án xử lý nhằm đảm bảo an toàn đường thủy và hạ tầng giao thông; Tăng cường công tác phối hợp với các Sở Giao thông vận tải xử lý khi có các vụ tai nạn đường thủy, công tác kiểm tra an toàn cho phương tiện thủy (đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị an toàn.) trên các bến đò dọc, đò ngang trong mùa mưa bão; Đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu, các đơn vị quản lý bảo trì đường thủy nội địa kịp thời thu hồi phao tiêu, báo hiệu khi lũ sắp về. Tiến hành thay thế, bổ sung phao tiêu, biển báo ngay sau khi lũ rút; Kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN (như: tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo, phao neo.), đảm bảo sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Cục Hàng hải Việt Nam: Kiểm tra, rà soát các khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền vận tải, tăng cường kiểm tra trang thiết bị an toàn của các tàu, thuyền trong mùa mưa, bão; Tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các chủ phương tiện và các doanh nghiệp vận tải biển thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền khi hành trình và neo đậu an toàn trong mùa mưa, bão; Chỉ đạo các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đảm bảo duy trì lực lượng, phương tiện chuyên dụng TKCN, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có lệnh. Điều động tàu SAR chốt ở những vùng có nguy cơ xảy ra sự cố, để sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão; Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải nắm chắc số liệu tàu, thuyền và các phương tiện thủy ra vào cảng, số lượng tàu, thuyền đang hành trình hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển; phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương để điều động, hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam: Tăng cường công tác kiểm tra sân bay, nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, công tác điều hành, chỉ huy để đảm bảo tuyệt đối an toàn (đặc biệt chú ý trong tình huống thời tiết xấu, mưa, bão...) và công tác ứng trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không, các cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, trang thiết bị kỹ thuật ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khai thác phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không. Tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng về lĩnh vực PCTT&TKCN với các quốc gia lân cận, các vùng FIR, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và các cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng: Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu xây dựng và các đơn vị có liên quan trong việc phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai đối với các dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong mùa mưa bão.
Cục Y tế Giao thông vận tải: Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng dịch, vệ sinh môi trường sau lũ, bão; xây dựng kế hoạch dự phòng thuốc men, vật tư tiêu hao để giúp đỡ và hỗ trợ cho các đơn vị trong ngành khi có thiên tai, sự cố xảy ra; Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở điều trị tổ chức các đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc men, dụng cụ y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực, sẵn sàng ứng cứu trong mùa mưa bão hoặc khi có tai nạn, sự cố xảy ra.
Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải: Thực hiện ngay việc dịch chuyển luồng hàng hải và phao báo hiệu hàng hải trong trường hợp phải điều chỉnh hướng tuyến tạm thời. Trong trường hợp phải khắc phục ngay việc nạo vét tuyến luồng bị bồi lắng do thiên tai gây ra, các đơn vị Bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm rà soát đề xuất phương án nạo vét, đảm bảo an toàn luồng chạy tàu.
Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam: Theo dõi sát diễn biến của thời tiết xấu trên biển kịp thời thông báo cho tàu, thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh; Tăng cường thời lượng phát sóng khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới./.
Mộng Tuyết