Ô tô hiện đại đang có quá nhiều tính năng khiến số lượng bộ điều khiển điện tử ECU tăng mạnh và tương ứng là giá xe tăng theo - Ảnh: Autocar

Phần mềm đang là một trong những yếu tố được các hãng xe ô tô chạy đua để giành ưu thế bên cạnh các cuộc đua dễ thấy hơn như pin điện hay màn hình.

Không ít trường hợp xe mới phải dời ngày ra mắt vì phần mềm của chúng chưa hoàn thiện, ví dụ điển hình nhất là Porsche Macan EV.

Trên thực tế, ô tô đã dựa vào phần mềm, hay chính xác hơn là máy tính chuyên dụng, từ cuối thập niên 1970. Trang bị này thường được gọi bằng cái tên thông dụng hơn là bộ điều khiển điện tử - ECU.

Hiểu một cách đơn giản, chúng là phần cứng chạy mã máy tính để xử lý các tác vụ được yêu cầu.

Ứng dụng chính của ECU trong giai đoạn đầu là điều khiển động cơ. Các công đoạn như đánh lửa hay nạp nhiên liệu đều cần tới sự điều khiển chính xác của phần mềm. Chính nhờ sự bổ sung này mà ta có động cơ mạnh mẽ mà tiết kiệm ngày nay.

Từ thời điểm đó, ECU xuất hiện ngày một nhiều trên ô tô. Phanh ABS, hệ thống đèn, hệ thống kiểm soát cân bằng điện tử rồi tới cả hộp số đều có ECU riêng. Trên ô tô hiện đại, có khoảng 100 ECU bố trí rải rác với mỗi chiếc thực hiện một tác vụ khác nhau.

Việc sử dụng ECU giúp các hãng xe hạn chế được việc phải điều các đường dây điện vừa bó hẹp không gian, vừa tốn kém quanh xe. Hệ thống dây giờ không cần kết nối tới từng vị trí, từng trang bị, thay vào đó ECU có thể điều khiển cụm trang bị riêng của mình thông qua mạng lưới điều khiển.

Cuộc đua hiện tại là làm sao viết được phần mềm điều khiển một bộ não trung tâm có khả năng điều khiển hàng chục và sau này là hàng trăm tác vụ cùng lúc. Về cơ bản, đây là một máy tính hoặc smartphone đủ thông minh và đa năng - Ảnh: Mercedes-Benz

Tuy vậy, ô tô từ một vài năm trở lại đây lại trở nên phức tạp hơn thế nữa. Giờ, các hãng xe muốn mỗi chiếc xe của mình đều có một bộ não - một máy tính trung tâm. Với phần cứng mang lại khả năng xử lý khủng khiếp, trái tim này có thể thay thế 60 - 80 ECU cũ.

Thêm vào đó, máy tính trung tâm này cũng mang lại nhiều tính năng tân tiến hơn như dự đoán hao mòn để cảnh báo người dùng thay thế linh kiện, kiểm soát mức sạc pin, nâng cấp hệ thống thông tin giải trí. Cuộc đua hiện giờ chính là làm sao lập trình được phần mềm cho phép máy tính trên làm việc đó một cách hiệu quả.

Không chỉ các hãng xe, các bên cung ứng cũng đang tham gia vào cuộc đua này. Một trong những nhà cung ứng linh kiện hàng đầu thế giới là ZF đã phát triển phần mềm có tên Cubix có thể điều khiển mọi yếu tố truyền động từ động cơ, đánh lái tới phanh và hệ thống treo.

Sự phát triển của phần mềm nói trên cũng sẽ hướng nền công nghiệp ô tô tới cuộc đua tất yếu sau xe điện, đó là xe tự lái.

Theo Báo Tuổi trẻ