Khó cho cả người học và cơ sở đào tạo

Theo quy định tại Thông tư 38/2019, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên.

Các học viên sẽ phải học lý thuyết tập trung với thời lượng 90 giờ.

Cơ sở đào tạo lái xe phải lắp đặt thiết bị theo dõi thời gian học lý thuyết đối với học viên học lái ô tô (trừ hạng bằng B1). Hệ thống thiết bị bao gồm máy điểm danh bằng công nghệ thẻ từ, thẻ chip hoặc nhận dạng vân tay, khuôn mặt để kiểm tra, ghi nhận thời gian học của học viên.

Theo Cục Đường bộ VN, tinh thần tự giác của một số học viên chưa cao nên chưa thể cho phép học online hoàn toàn

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, đây không phải là nội dung mới, mà đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Việc giám sát này chỉ tập trung với những học viên lấy giấy phép lái xe để sau này ra làm nghề kinh doanh vận tải, có nghĩa là chỉ giám sát việc học tập trung đối với học viên học từ hạng B2 trở lên.

Ông Thống cũng lý giải, việc các trung tâm đào tạo, các học viên và giáo viên dạy lái có phản ứng là do lâu nay việc thực hiện quy định này có phần “xuê xoa”.

Quy định ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát thời gian học nhằm kiểm soát học viên có đến học trực tiếp hay không. Những học viên học đủ thời gian sẽ được tham dự sát hạch.

Theo ông Bùi Quế Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng GTVT Trung ương 1, thời gian học lý thuyết với 5 môn là 168 giờ, trong đó các hạng B2, C phải học tập trung, điểm danh bằng thẻ từ vân tay và nhận diện bằng khuôn mặt tại cơ sở đào tạo.

“Cơ sở đào tạo đủ điều kiện và thực hiện nghiêm quy định nhưng đối với người học, việc phải đến để điểm danh, học tập trung là thách thức lớn. Nhiều người có nhu cầu học đã đến trung tâm đăng ký nhưng khi nhận được thông báo phải học tập trung và điểm danh thì bỏ cuộc”, ông Thịnh nêu thực tế.

Để tạo điều kiện người học trong bối cảnh công nghệ phát triển, ông Thịnh đề xuất cho phép học viên có thể học trực tuyến, khi hết môn học đến trung tâm làm bài kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới được dự sát hạch.

Tương tự, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, việc quy định học lý thuyết tập trung là không cần thiết. Từ khi bắt buộc thực hiện quy định, số lượng học viên giảm đi rất nhiều.

“Việc để cho học viên tự học môn lý thuyết là phù hợp. Trong khi muốn nâng cao chất lượng đào tạo, cần tập trung vào khâu sát hạch để buộc học viên phải nắm vững kiến thức trước khi sát hạch”, ông Toản nói.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM phân tích, thời gian học tập trung đối với hạng B2 là 140 ngày sẽ rất khó cho sinh viên, cán bộ, công chức học tập trung đầy đủ theo yêu cầu.

Hiện nay có khoảng 80% người học lái xe không có nhu cầu lấy GPLX để kinh doanh vận tải, do đó việc giám sát đối với người học là không khả thi.

“Hình thức học trực tuyến sẽ tháo gỡ khó khăn này, chúng ta chỉ cần làm tốt công tác sát hạch, đúng quy định, đảm bảo chất lượng”, ông An nói.

Nới đầu vào, siết đầu ra

Dẫn chứng bằng kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho biết, tại Mỹ, một số tiểu bang cũng cho phép học viên tự học. Tuy vậy, bắt buộc học viên phải đỗ lý thuyết mới được thi thực hành.

“Nhiều nước cũng áp dụng phương pháp cho học viên tự học lý thuyết tại nhà, cơ quan sát hạch chỉ thực hiện sát hạch lý thuyết trước khi được đăng ký thi thực hành. Để buộc học viên phải nắm vững kiến thức, phần câu hỏi và sát hạch lý thuyết được giám sát rất chặt chẽ”, ông Bình nói.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sửa đổi quy định pháp luật mục đích cuối cùng là phải đảm bảo chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe ô tô, đưa ra xã hội người lái xe có kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, phục vụ tốt cho công tác đảm bảo ATGT.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN


Ông Lương Duyên Thống thì cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đã quy định, đối với hạng B1 được tự học, từ hạng B2 trở lên phải học tập trung.

Vì vậy, muốn cho phép học online hay tự học phải nghiên cứu sửa Luật.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho rằng, có những quy định bắt buộc nhưng lại không nâng được nhiều về chất lượng đào tạo, trong khi đó lại gây phiền hà khó khăn cho người học, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Cục Đường bộ VN sẽ rà sát lại tất cả các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi các điểm còn bất cập, đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, nâng cao chất lượng đào tạo.

Cục Đường bộ sẽ nghiên cứu, rà soát lại các quy định để quản lý đào tạo theo hướng mở đầu vào và siết đầu ra.

“Việc đào tạo sẽ theo hướng mở, tạo điều kiện tối đa cho người học nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.

Trước mắt sẽ rà soát lại chương trình, thời gian đào tạo để loại bỏ các nội dung bất hợp lý, trùng lắp. Hình thức học sẽ kết hợp trực tuyến với tập trung. Có thể không cho phép học online toàn bộ nội dung lý thuyết nhưng sẽ cho phép học online những nội dung phù hợp”, ông Cường cho hay.

Theo Báo Giao thông