1.Tính vô kỷ luật
Vì kích thước xe máy khá nhỏ gọn nên việc luồn lách trên đường khá dễ dàng. Nhiều thanh niên cứ hễ đường tắc, kẹt xe là y rằng phi xe lên vỉa hè, hoặc cố lách để đi thật nhanh qua đám đông. Họ sẵn sàng lấn sang làn đường không phải dành cho mình, hoặc có thể đi ngược đường rồi ngang nhiên băng qua đường bởi họ quan niệm rằng chỉ đi một quãng ngắn như vậy thì chạy lòng vòng làm gì cho mất công sức
Mỗi khi kẹt xe thì máy chạy lên vỉa hè, nơi dành cho người đi bộ. Ảnh Hà Giang st
2. Dừng xe tùy tiện để mua đồ
Vì xe máy cũng dễ dừng lại nên nhiều người khi đang điều khiển xe máy chạy trên đường chợt trông thấy một hàng bán hoa quả, hay bánh mì…là liền quay xe lại mua, đỗ xe dưới lòng đường không đúng với nơi quy định, gây cản trở giao thông nhất là vào những giờ cao điểm.Việc dừng xe máy tùy tiện để mua hàng này vô tình khiến cho các hàng quà vặt đua nhau bày bán ngổn ngang ở lề đường, khiến cho đường phố trở nên hỗn loạn khiến cho chính quyền có muốn nhưng vẫn không thể quản lý được hết
Người đi xe máy dừng bất cứ nơi nào, miễn tiện cho việc mua đồ. Ảnh Hà Giang st
3. Tính vô kỷ luật tập thể
Người Việt Nam thường có thói quen hùa theo đám đông. Nếu một người đi trước không dừng đèn đỏ thì những người đi sau cũng hành động giống vậy, cùng nhau vượt đèn đỏ khiến cho giao thông ngày càng trở nên hỗn loạn. Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình nhất về tính vô kỷ luật tập thể của người dân. Đặc biệt, các thanh niên còn hùa nhau đua xe tập thể, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng… trên đường gây bức xúc cho rất nhiều người.
Xe máy vượt đèn đỏ tập thể, hình ảnh thường gặp ở giao thông nước ta. Ảnh Hà Giang st
4.Tính gian vặt
Thói xấu này biểu hiện rõ nhất thông qua hành vi đèn xanh chưa bật lên, đã đón đầu chạy trước vì nghĩ rằng làn đường bên kia đang sắp có đèn đỏ. Khi chưa có đèn xanh mà vẫn cố tình chạy xe, thì được coi là đã “ăn gian” của những xe ở con đường phía trước khoảng thời gian an toàn của họ
5. Tính chộp giựt
Khi bị tắc đường, kẹt xe, ai ai cũng cố để bon chen, nhích lên từng chút một, không ai chịu nhường ai, thậm chí đã xảy ra cãi nhau chỉ vì không nhường nhịn nhau, tình trạng này diễn ra rất phổ biến, và thói quen xấu này chính là tính chộp giựt. Nếu như lúc nào cũng chỉ chăm chăm giành giật vài mét đường đi để đi cho thật nhanh, thì nếu chẳng may xuất hiện một em nhỏ, hay một bà cụ đang đi qua, theo đã bạn sẽ khó mà nhường bước được, và có khi, chính bạn sẽ gây nên một tai nạn đáng tiếc.
Xe máy cố tình vượt rào chắn đường sắt khi tàu đến gần. Ảnh Hà Giang st
6.Tính vô cảm
Đã có rất nhiều bài viết chia sẻ về tính vô cảm của người dân Việt Nam hiện nay. Đi đường gặp một người bị tai nạn, nhiều người không những không giúp đỡ, mà còn đứng lại rồi tập hợp thành một đám đông để xem, chỉ trỏ, bàn tán. Mặc cho người bị nạn nằm thoi thóp trong đau đớn, mọi người xung quanh vẫn thờ ơ giương mắt nhìn. Có khó đâu một cuộc điện thoại gọi xe cấp cứu, một cái nâng đỡ người bị ngã xe,…Thật đáng buồn cho thực trạng này.
Người đi đường “vô cảm” trước người bị tai nạn. Ảnh Hà Giang st
Các bạn biết đấy, chiếc xe máy chỉ là một vật vô tri vô giác, nó không thể làm hại ai nếu chính người điều khiển nó không có ý thức khi tham gia giao thông. Nguyên nhân khách quan cũng là do xã hội đông đúc bon chen, đất chật người đông và những con đường lại quá chật hẹp. Nhưng phần lớn vẫn là do nguyên nhân chủ quan nằm ở mỗi con người. Một người, hai người, ba người, rồi cả đám đông cùng thiếu ý thức chấp hành luật giao thông, đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu. Vì vậy, hãy tự kiểm điểm, suy xét và sửa đổi bản thân vì một xã hội văn minh.
Nguồn Internet. Hà Giang sưu tầm