Hiểm họa từ áo mưa

Khi đi xe trong trời mưa gió, các chủ phương tiện vốn đã gặp nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông như đường trơn, tầm nhìn bị hạn chế, bị va vào các chướng ngại vật ngập ở trong nước….Tuy nhiên, ít ai ngờ được rằng hiểm họa có thể đến ngay từ chiếc áo mưa.

  

         Để vạt áo mưa quấn vào bánh xe rất dễ xảy TNGT. Ảnh Hà Giang
Các tai nạn do áo mưa có thể xảy ra khi vạt áo mưa cuốn vào bánh sau, vướng vào xe chạy cùng chiều và va chạm với xe khác khi không quan sát được qua gương chiếu hậu hoặc trong trường hợp xe đi bên cạnh không nhận thấy dấu hiệu xi nhan rẽ xe của người cầm lái, bởi vì áo mưa đã phủ che kín cả gương chiếu hậu và đèn xi nhan.

Một số người chia sẻ rằng không ít lần họ bị người đi đường “nhắc nhở” vì hành động để vạt sau áo mưa “tung bay” trên đường và vướng vào xe của họ, làm họ bị chệch tay lái. Một số khác thì “đau khổ” khi chịu sự xử phạt của lực lượng CSGT vì để áo mưa che gương, che đèn xi nhan, có nghĩa là dù có gương chiếu hậu và đèn xi nhan nhưng không có tác dụng.

Cách mặc áo mưa an toàn

Hiện nay, có khá nhiều loại áo mưa để người đi đường lựa chọn. Để lái xe an toàn trong trời mưa gió, người đi đường cần chọn loại áo mưa phù hợp và có cách mặc áo mưa thật gọn gàng, không làm che gương, đèn xi nhan.

Với những trường hợp bất ngờ, nhiều người thường chọn áo mưa dùng một lần có giá từ 5.000 – 10.000 đồng/ 1 chiếc. Ngoài các khuyết điểm như dễ rách, không che kín được hết chân…, loại áo mưa này còn có thể mang tới khó khăn cho chủ phương tiện khi lái xe. Bởi vì khi đi trong trời mưa to gió lớn, với thiết kế thùng thình, chiếc áo mưa sẽ tạo ra sức cản gió rất lớn cho người lái xe. Do đó, loại áo mưa này chỉ phù hợp khi trời mưa không quá to và không có nhiều gió.

Còn với loại áo mưa 2 mảnh, người lái xe nên chọn mua loại 2 mảnh có khe hở ở 2 bên mặt trước để có thể cho gương chiếu hậu xuyên qua và áo mưa sử dụng lớp nilon trong suốt phía trước để không cản tầm chiếu sáng của đèn. Nếu chỉ là áo mưa loại 2 mảnh thông thường không có khe hở để cho gương qua, người lái xe chỉ nên phủ áo mưa qua đùi để che phần chân không bị ướt. Chủ phương tiện cũng không nên cho áo mưa phủ qua tay lái vì có thể gây vướng víu và nếu lỡ gặp gió to thì người lái xe rất dễ gặp sự cố như của chị Phương kể trên.

     

          Mặc áo mưa đúng cách giúp phòng tránh TNGT do áo mưa gây ra. Ảnh Hà Giang st
Cũng cần lưu ý khi mặc áo mưa loại 2 mảnh này, người lái xe nên ngồi đè lên vạt sau của áo mưa để vạt áo sau không bị bay khi xe di chuyển. Điều này giúp cho xe sẽ đỡ bị cản gió hơn, không bắn nước vào người đi sau và không bị cuốn vào lốp sau của xe do vô ý.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người lái xe nên mặc áo mưa rời (hay còn gọi là áo mưa bộ) giúp điều khiển xe dễ dàng, tầm quan sát không bị hạn chế và không gây cản gió khi xe di chuyển.

Chuyện mặc áo mưa, tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nếu như người điều khiển xe không chú ý trong cách chọn loại áo mưa và cách "thiết kế" áo mưa khi ngồi lên xe thì có thể dẫn tới những rắc rối không nhỏ cho chính mình và những người xung quanh, thậm chí là gây tai nạn.

                                                                 Nguồn: duongbo.vn. Hà Giang sưu tầm