Dạo qua một số điểm bán phụ tùng xe máy lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ chúng tôi ghi nhận có tới hàng chục loại đèn đang được bày bán.
Chị Hương, chủ một ki ốt tại chợ Trời, Hà Nộu cho biết: “Mặt hàng bán chạy nhất hiện nay là các loại đèn siêu sáng, giá bán dao động từ 200 – 1,2 triệu đồng/bộ. Mỗi thời một khác, 1 năm trước mặt hàng này không có người mua, nhưng nay nó lại là hàng bán chạy nhất vì đang “mốt”, sắp tới chúng tôi sẽ đưa về một số mẫu mỗi để chào khách…”
Phụ kiện xe máy lắp thêm cho xe máy đang là mặt hàng "hót" nhất hiện nay
Tại chợ Tân Thành, TP Hồ Chí Minh nơi tập trung một đội thợ sửa xe lưu động luôn túc trực để sẵn sàng phục vụ khách hàng. Sau khi mua phụ tùng nếu khách có nhu cầu thay thế, sửa chữa sẽ được đội thợ này đáp ứng ngay. Minh Thành, một thợ có thâm niên ở đây hơn 3 năm cho biết: “Trung bình mỗi ngày em thay bóng đèn xenon cho khoảng 2 – 3 khách, chủ xe phần lớn là giới trẻ, vì đấu nối khá đơn giản nên thời gian thay cho mỗi xe chỉ mất 20 phút…”
Giá bán cả công lắp đặt từ 200 - 1,2 triệu đồng (tuỳ loại)
Dù đã xảy ra rất nhiều vụ xe máy bị chập điện, cháy xe khi đang lưu thông trên đường, nguyên nhân gây cháy chính là các thiết bị lăp thên vào xe.
Trường hợp của chị Hương Linh, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một ví dụ cụ thể nhất. “Cuối tháng 12 năm ngoái, tôi mang chiếc Honda SH 125cc mới mua được vài ngày đi dán nilon trên phố Huế và được cửa hàng giới thiệu loại xenon siêu sáng của Trung Quốc với giá 900 nghìn đồng (cả công lắp đặt). 2 ngày đầu tiên, mỗi lần đi làm về tôi ngửi thấy hơi khét và hơi nóng toả ra từ xe, sau khoảng 15 phút khi xe nguội mùi cũng giảm và hết, ngày thứ 3 trong lúc chở con gái đi dạo tôi tá hoả khi thấyt khói đen bốc ra ở phần đầu xe, may mà có người đi đường mượn bình cứu hoả mini dập tắt. Hôm sau tôi mang xe tới trạm dịch vụ của Honda mới biết nguyên nhân gây cháy cả là chiếc đèn xenon làm quá tải dòng điện, nhiệt độ của xe tăng cao và bốc cháy, rất may là ngọn lửa chưa kịp thiêu rụi chiếc xe của tôi...” – Chị Linh chia sẻ.
Các điểm nối cần phải có giắc chuyên dụng để hạn chế cháy, chập
Anh Lê Văn, Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, 28 Ông Ích Khiêm, Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Trước khi độ, lắp thêm đèn còi thì người dùng phải biết được nguyên lý hoạt động của hệ thống điện để tránh được những hậu quả đáng tiếc. Bởi khi thiết kế, sản xuất, các hãng đã tính toán kỹ lưỡng mức tiêu hao điện năng của các thiết bị để cung cấp nguồn điện hợp lý cho xe hoạt động tối ưu nhất, các dây điện và nguồn phát cũng chỉ có công suất vừa đủ. Do đó, khi lắp thêm còi, đèn... sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải, dây điện nóng lên, trong khi nguồn điện cấp không đủ, dẫn đến chập điện, dẫn đến cháy. Hơn nữa, có tới 90% các loại đồ chơi, phụ kiện lắp thêm cho xe máy đang bán trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc chất lượng dây dẫn, cổng kết nối kém, không đồng bộ với phụ tùng của nhà sản xuất cũng chính là một trong những tác nhân gây cháy...”
Việc chọn đèn cũng phải tương thích với điện trở ăc quy
Cũng theo anh Văn, một trong những nguy cơ gây cháy chập rất lớn nhưng không mấy chủ xe để ý tới, đó là tay nghề của thợ và họ có tâm hay không. Nếu là thợ không có trách nhiệm họ chỉ cần đấu dây, để sáng đèn nhưng nếu những điểm nối không chắc chắn và đủ kín thì đây chính là điểm gây ra chập điện và cháy, tuy nhiên các chủ xe lại không mấy để ý. Ngay cả khi chọn được phụ kiện tốt, thợ chuyên, thì khi lắp vào xe vẫn có khả năng cháy vì làm quá tải hệ thống dây dẫn, các tụ điện, phát sinh nhiệt cao nên nguy cơ cháy chập vẫn còn rất lớn.
Khi lắp đặt cần phải tìm địa chỉ uy tín, thợ tay nghề cao
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách kỹ thuật tại một HEAD Honda tại TP HCM cho biết: “Không có nhà sản xuất nào lại khuyến khích khách hàng sử dụng xe lắp thêm các thiết bị từ bên ngoài. Tuy nhiên, nếu thật sự đam mê và cần thiết phải lắp thêm vào xe thì người dùng vẫn có thể thực hiện được. Nhưng hãy nắm rõ hoạt động của hệ thống điện ở mỗi xe, tuân theo các quy tắc an toàn. Cụ thể, khi lắp bất cứ thiết bị nào lên xe bạn cần mua thêm một bộ tích điện riêng dành cho thiết bị đó, thiết bị phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi lắp, cần chọn những trung tâm lớn để đảm bảo các đầu đấu nối đủ tiêu chuẩn an toàn. Lắp thêm một bình ắc quy nữa cũng là cách tốt để giảm tải cho dây dẫn hạn chế rủi ro".
Cũng theo các chuyên gia kỹ thuật, cần chú ý dây dẫn của các thiết bị đèn lắp thêm phải có lõi đồng to, vỏ dây dầy nhằm giảm thiểu mà sát do cọ sát giữa các dây điện trong quá trình xe vận hành. Không nên nối các dây điện với nhau theo cách thông thường mà cần phải dùng đầu nối chuyên dụng nhằm giảm đi rủi ro có thể đến, Đa số chủ xe khi lắp đặt đèn đều không thể lường trước được những mối nguy hiểm tiềm tàng cho chiếc xe của mình trong quá trình vận hành.
Cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi lắp để trành tình trạng quá tải cho hệ thống điên trên xe
Một trong những quy tắc mà bạn cần phải nhớ khi lắp thêm bất cứ chi tiết nào vào xe của mình là phải chọn những trung tâm sửa chữa lớn để được đảm bảo hơn. Việc chọn đèn cũng phải tương thích với điện trở ăc quy, không giao xe cho thợ tay nghề kém.
Đèn xe có thể không hoạt động đúng công suất hoặc cháy xe do chập điện vì các mối nối không đảm bảo kỹ thuật. Nếu lấy điện từ bình ắc quy, cần nắm rõ công suất của bình ắc quy đủ khả năng cung cấp cho đèn mới hay không? Những loại đèn siêu sáng đang bán trên thị trường luôn cần lượng điện áp lớn hơn, không nên lắp nhiều thiết bị bởi, bởi nó sẽ vượt công suất thiết kế của nhà sản xuẩt để đảm bảo an toàn cho xe và chính bạn.
Theo LSVN