Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản như: Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thực hiện các văn bản: Công văn số 5907/UBND-NNTN ngày 08/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện Công văn số 6838/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công văn số 5609/UBND-NNTN ngày 25/8/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng khai thác thuỷ sản có tính chất huỷ diệt trên địa bàn tỉnh, Công văn số 2273/UBND-NNTN ngày 04/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lí các hoạt động khai thác thuỷ sản có tính chất huỷ diệt trên địa bàn tỉnh, Công văn số 3149-CV/VPTU ngày 19/9/2023 của Văn phòng Tỉnh uỷ về việc tập trung chỉ đạo ngăn chặn khai thác tận diệt nguồn lợi thuỷ sản. Công tác quản lý các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, các hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm khai thác thủy sản đã được các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện từng bước có hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là sử dụng chất độc, xung điện, ngư cụ cấm khai thác thủy sản: Trên biển, hình thức khai thác sử dụng xung điện, nghề cấm khai thác thuỷ sản giảm so với trước đây, nguyên nhân nhiều chủ tàu trước đây sử dụng xung điện, nghề cấm khai thác thuỷ sản đã chuyển nghề hoặc đổi sang nghề khai thác khác. Vùng nội đồng, hình thức khai thác bằng xung điện, chất độc, ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến các hệ sinh thái, làm cạn kiệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh, ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, gây nguy hiểm đến tính mạng con người và thiệt hại tài sản của nhân dân. Nguyên nhân chính là do công tác quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chưa thực sự quyết liệt ở một số sở, ngành, địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai chưa đồng bộ…
Để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản trái phép; đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, từng bước đưa hoạt động khai thác thủy sản theo đúng các quy định pháp luật hiện hành nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về nội dung Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Chỉ thị 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Chỉ thị 19/CT-TTg ngày 30/7/2014, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản có liên quan về vai trò quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tác hại, hậu quả của việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm vào khai thác thủy sản làm hủy hoại môi trường và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản để người dân ý thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Thiết lập đường dây nóng ở các địa phương, phát động, tuyên truyền trong các Hội đoàn thể, người dân biết để liên hệ tố giác hoặc gởi hình ảnh phản ảnh kịp thời khi phát hiện vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để mang tính giáo dục, răn đe.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; đặc biệt là hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản tại các vùng biển và vùng nội đồng. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán, nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép thuốc nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Hàng năm, thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, thả bổ sung giống thủy sản trên biển, trên các sông, đồng ruộng; tiếp tục nghiên cứu thả rạn nhân tạo nhằm khôi phục và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Thành lập các tổ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, trên biển và tại các cảng cá, bến cá. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; đặc biệt là hành vi sử dụng chất độc, xung điện cả trên biển và trong nội đồng để khai thác thủy sản; tàu cá hoạt động nghề lưới kéo hoạt động không đúng vùng quy định; các nghề bị cấm để khai thác thủy sản như: nghề te, đáy, lờ dây, lồng xếp hoạt động ở vùng biển ven bờ và vùng nội đồng; nghề cào đáy bằng khung sắt để cào lươn, nhuyễn thể, banh lông ở vùng lộng, vùng biển ven bờ và vùng nội đồng.
Cùng với các cấp, các ngành, các Tổ chức chính trị - xã hội thả các loài thủy sản truyền thống, loài bản địa, loài có giá trị kinh tế cao vào các vùng nước tự nhiên, tiếp tục nghiên cứu thả rạn nhân tạo nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản và nâng cao ý thức người dân trong công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Sở Công thương tăng cường công tác quản lý nhà nước về hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; phối hợp với đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp để khai thác thủy sản.
Sở Thông tin và Truyền thông Chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản, các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các quy định của UBND tỉnh về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm, nghề cấm để khai thác thủy sản nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Hỗ trợ các sở, ngành, địa phương thiết lập đường dây nóng để người dân kịp thời tố giác các đối tượng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, đồng thời, đưa các vụ vi phạm, hình ảnh lên các phương tiện thông tin đại chúng để mang tính giáo dục, răn đe.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Chỉ đạo các Đồn Biên phòng đóng tại địa phương tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thủy sản khi tàu cá thực hiện thủ tục ra, vào cửa biển để cho các chủ tàu, thuyền trưởng biết và thực hiện đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
Công an tỉnh, Tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ bị cấm, nghề cấm để khai thác thủy sản tại các vùng sông, kênh, rạch, ruộng lúa. Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép xung điện, vật liệu nổ. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí quân dụng, vật liệu nổ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Theo chức năng, nhiệm vụ có biện pháp, giải pháp quản lý nghiêm ngặt các nguồn thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, chất độc theo quy định; kiên quyết không để thất thoát ra ngoài thị trường dưới mọi hình thức. Đồng thời, phối hợp với đơn vị liên quan áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ để điều tra nắm chắc và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực thuỷ sản, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và nhân dân địa phương trên địa bàn biết để thực hiện. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm, nghề cấm để khai thác thủy sản.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo cà Mau
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, văn bản có liên quan, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nội dung Chỉ thị này trên phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động phối hợp xây dựng tin bài, đăng tải phóng sự về tác hại của việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; về thả bổ sung giống thủy sản trên biển, trên các sông, đầm; hiệu quả của việc thả rạn nhân tạo nhằm nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau
Lập kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn, các lực lượng chức năng, đoàn thể ở địa phương và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, đấu tranh, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, chủ động phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn có hiệu quả, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
Chủ động nắm tình hình, phân loại đối tượng khai thác thủy sản trái phép bằng chất nổ, chất độc, xung điện, ngư cụ cấm nhằm động viên, tuyên truyền, hỗ trợ người dân chấm dứt hành vi vi phạm.
Thành lập các Tổ đồng quản lý về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tạo đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát huy nội lực, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh
Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến cho người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; về tác hại, hậu quả của việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thuỷ sản bền vững.
Mộng Tuyết