Trên tuyến đường từ thị trấn Trần Văn Thời về thị trấn Sông Đốc, hay các tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã, không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe máy ngang nhiên đậu dưới lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông. Hành vi này khiến người tham gia giao thông trên đường hết sức lo lắng và bức xúc. Bởi lẻ đường hẹp, phương tiện qua lại nhiều. Anh Lý Xuân Trí, xã Khánh Hải bày tỏ “ khi đi qua những chổ người dân đậu xe tràn ra đường, nếu gặp xe buýt chạy ngược chiều chỉ còn cách tấp vô lề và thắng xe đứng lại, nhiều lúc tôi phải lủi xuống ruộng để tránh xe lớn”.
Ai cũng công nhận rằng, đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ chính bản thân mình khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tại các tuyến đường nông thôn, nhiều người dân có thói quen không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, tham gia giao thông khi đã uống rượu bia.
Ông Lê Văn Luân, ở ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, bày tỏ "Tôi thấy, ở những đoạn đường ít có lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra thì người dân ít chấp hành luật giao thông hơn. Thường là vi phạm những lỗi như: không đội nón bảo hiểm, cõng 2, cõng 3, chạy quá tốc độ cho phép gây ra nhiều vụ va quẹt. Sau khi xảy ra va quẹt còn cự cãi, thậm chí đánh nhau".
Ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông cho biết thêm "Bản thân tôi nghĩ, chấp hành Luật giao thông trước hết là bảo vệ cho bản thân mình chứ không ai khác. Chính vì vậy, cần phải tạo thành thói quen chứ không phải lúc chấp hành, lúc không. Tôi thường giáo dục con cháu phải tuân thủ nghiêm các quy định như: đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, khi đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông , không chạy quá tốc độ. Hàng ngày, chạy xe, tôi vẫn thấy có nhiều người chưa thật sự nghiêm túc chấp hành những quy định này".
Người điều khiển xe máy không đội nón bảo hiểm – Tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Ảnh Kiều Oanh)
Song song đó, ở các khu vực thị trấn đông dân cư, tình trạng chạy xe lạng lách, vượt quá tốc độ cho phép, cõng 2, cõng 3 vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là đối với các em học sinh THPT hoặc những em tuổi mới lớn.
Em Trần Tứ Qúy, học sinh lớp 12 trường THPT Huỳnh Phi Hùng, thị trấn Trần Văn Thời, cho biết "Em thường thấy các bạn vi phạm những lỗi như: không gắn kính chiếu hậu, cõng 2, cõng 3, chạy xe lạng lách. Em nghĩ do mấy bạn muốn chứng tỏ bản thân nhưng chứng tỏ không đúng chỗ. Hành vi không chấp hành Luật giao thông rất nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Ở trường em, thầy cô giáo thường xuyên tuyên truyền Luật giao thông vào buổi chào cờ và trong các tiết học".
Chạy xe dàn hàng 2, hàng 3 là hình ảnh dễ bắt gặp sau những giờ tan trường tại các trường THPT. (Ảnh Kiều Oanh)
Khi được hỏi, đa số những người vi phạm ATGT đều trả lời là biết vi phạm nhưng do gấp công chuyện hay một lý do nào đó để giải thích cho hành vi vi phạm của mình.
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền của các ngành, các cấp trong huyện, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông, trước tiên là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân mình, sau đó là làm gương cho con, em trong gia đình noi theo. Đồng thời, mỗi người đều có thể trở thành tuyên truyền viên về ATGT hữu hiệu cho bà con ở khu dân cư, xóm, ấp. Nếu làm tốt điều này, mỗi người dân sẽ góp phần rất lớn trong việc đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn huyện Trần Văn Thời trong thời gian tới.
Kiều Oanh