Dấu ấn nửa nhiệm kỳ ngành GTVT

Những năm qua, với sự nỗ lực của ngành GTVT cũng như các địa phương, hàng loạt dự án giao thông tại các tỉnh miền núi phía Bắc được triển khai, từng bước thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông khu vực.

Từ đó, mở ra cơ hội lớn để các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Kỳ 1: Những con đường, cây cầu đánh thức tiềm năng

Các tỉnh miền núi phía Bắc thường được nhắc đến như vùng trũng về hạ tầng giao thông, là rào cản lớn nhất khi thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Nhà nước, diện mạo hạ tầng giao thông khu vực từng bước đổi thay.

Thành phố Yên Bái khởi sắc hơn nhờ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua

Doanh nghiệp, người dân cùng hưởng lợi

Trước đây xe chạy từ Hà Nội lên Lào Cai phải qua QL2, QL70, đường quanh co, hiểm trở nên phải mất từ 12 - 14 tiếng. Tuy nhiên, kể từ khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thời gian chỉ còn hơn 3 tiếng.

Đặc biệt, đường cao tốc được thiết kế tiêu chuẩn cao, bình đồ thẳng góp phần giảm đáng kể TNGT.

Anh Hoàng Văn Hải, một lái xe thường xuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, đi đường cao tốc, ngoài giảm thời gian đi lại, chi phí nhiên liệu cũng tiết kiệm 50% so với đi QL70. Từ đó, các hãng xe có thể tăng tần suất chạy xe, nâng hiệu quả vận tải.

“Trên đường, bình quân cứ 50km cao tốc là có một trạm dừng nghỉ, nên cứ 4 giờ cầm lái, anh em tài xế có thể dừng nghỉ ngơi, đổ xăng, uống nước... Nhờ vậy, tinh thần và sức khỏe lái xe bớt căng thẳng, tránh được nguy cơ TNGT”, anh Hải cho biết.

Là một doanh nghiệp vận tải chiếm 60 - 70% thị phần vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đại diện Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân cho biết, từ khi có cao tốc, các xe giảm 30% chi phí nhiên liệu, giảm 10 -15% chi phí sửa chữa, tỉ lệ tai nạn, va chạm giao thông giảm tới 70%.

Tạo đột phá nhờ đường giao thông

Đường huyện rộng 12 m đang được triển khai xây dựng tại xã Xương Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang

Đối với các địa phương như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, tuyến đường không chỉ giúp các địa phương xóa đi nhiều “vùng trắng” về đường giao thông thảm nhựa mà còn mở toang cánh cửa phát triển kinh tế.

“Kể từ khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, việc kết nối thông thương hàng hóa từ Hải Phòng qua cửa khẩu Lào Cai trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Đây là cơ sở để phát triển dịch vụ logistics vận chuyển hàng hóa từ các nước Đông Nam Á qua Việt Nam đi Trung Quốc và ngược lại”, ông Nguyễn Trọng Hài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai thông tin.

Ở trục phát triển phía Đông - Bắc, trước đây các huyện Lạng Giang, Bắc Giang và Hữu Lũng, Lạng Sơn vốn chỉ được biết đến là địa phương thuần nông, có lợi thế về đồi, rừng.

Từ khi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và hạng mục nâng cấp mặt đường QL1A (tổng số vốn 12.180 tỷ đồng) hoàn thành, tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp, đô thị tại các địa phương đã được đánh thức.

Ông Thân Hải Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin, Lạng Giang là một trong những địa phương có số lượng đầu xe tải lớn nhất miền Bắc.

Do vậy, khi dự án hoàn thành đã giúp các doanh nghiệp, người dân tại địa phương phát triển ngành nghề kinh doanh vận tải.

Hiện, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã kết nối với các đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến QL1A, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị… tạo thành tuyến kết nối liên vùng giữa cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Trước đây, từ Hà Nội đến Lạng Sơn phương tiện phải di chuyển mất nửa ngày vì đường chật hẹp, xuống cấp, thường xuyên ách tắc cục bộ. Nay, chỉ cần hơn 2 giờ di chuyển, phương tiện đã có thể đến Cửa khẩu Hữu Nghị để xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, các tuyến đường cao tốc đã tạo thành trục phát triển, giao thương hàng hóa giữa Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) với Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam).

Những dự án dân sinh giúp dân thoát nghèo

Một góc thành phố Yên Bái

Trong chương trình mục tiêu, không thể không kể đến các dự án xây dựng cầu, đường dân sinh được Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Nổi bật là dự án LRAMP sử dụng vốn ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Chỉ 5 năm đã có 905 cầu dân sinh ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc đầu tư xây dựng với số vốn lên đến 2.159 tỷ đồng (vốn ODA 2.092 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban QLDA 4 (1 trong 4 đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án) cho biết: Trong dự án RLAMP ở các tỉnh phía Bắc, Ban đảm nhiệm thực hiện ở 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình.

Khi triển khai, mặc dù đã có đường nhưng hầu hết đều là đường đất, chỉ đủ cho 1 xe máy đi vào; có nơi phải đi bộ qua tràn, qua suối. Quá trình làm cầu dân sinh, các nhà thầu đã phải tự bỏ kinh phí mở rộng, cải tạo đường vào, có khi lên đến 4 - 5km...

Tuy nhiên, đến nay tất cả các hạng mục của dự án đều đã thực hiện xong, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Và hơn hết, hiệu quả mà dự án mang lại đã thành công ngoài mong đợi.

Ông Huy cho biết, khó có thể nói hết được hiệu quả và giá trị mà dự án LRAMP mang lại. Rõ nhất là với công tác xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi.

Ví như ở Lai Châu, khi người dân làm ra được yến chè, tạ dứa thì họ phải đưa ra đường lớn, đi qua suối, qua đường đèo, chi phí có khi chiếm quá nửa giá trị hàng bán được. Còn giờ có cầu, đường ô tô vào tận nơi làm gì cũng tiện.

Hay như bản Huổi Hạ, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, từng được cả nước biết đến với câu chuyện học sinh phải chui túi nilon để người lớn đưa qua suối tới trường.

Từ năm 2020, sau khi cầu Huổi Hạ hoàn thành, người dân nơi đây đã không còn phải liều mình lội suối đưa con đi tìm con chữ nữa.

Nhà nước bỏ vốn, dân nhường mặt bằng làm đường

Có dịp về xã Xuân Nội, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đúng vào thời điểm Dự án mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 211 qua địa bàn theo nguồn vốn ADB chuẩn bị hoàn thành, chúng tôi đã cảm nhận niềm vui của người dân.

Nhiều người chia sẻ, trước đây, tuyến đường vừa nhỏ hẹp, lại xuống cấp nghiêm trọng, đi lại rất khó khăn.

Hiện nay, tuyến đường đã được nâng cấp nối huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh cũ, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất thuận tiện.

Công trình được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt đầu tư cuối năm 2017, dài 28km; tổng mức đầu tư 283 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kết nối các trung tâm huyện và các cửa khẩu, khu du lịch.

Dự án khởi công từ tháng 6/2020, theo kế hoạch đến 10/6/2022 mới hoàn thành nhưng nhờ được người dân đồng tình, ủng hộ, nên công trình đã hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.

Tương tự công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông Tĩnh Túc - Phan Thanh - Mai Long (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đi huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) cũng đang được triển khai.

Tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 29,2km, kết nối trung tâm các huyện Trùng Khánh và Hạ Lang, giúp tăng cường lợi thế về phát triển thương mại biên giới và du lịch giữa các cửa khẩu tại các địa phương.

Bà Dương Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn chia sẻ, Hữu Lũng là huyện miền núi, là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lạng Sơn.

Trước đây, việc đi lại của người dân trong huyện chủ yếu phụ thuộc tuyến độc đạo QL1A. Nay cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đi qua khiến việc đi lại, kết nối được thuận lợi hơn.

Cùng đó, tuyến đường nối từ đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, đoạn qua huyện Hữu Lũng đến cảng Mỹ An, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang đang được tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn phối hợp đầu tư, dự kiến hoàn thành trong vài năm tới.

Theo Báo Giao thông