Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng. Giải pháp nào sẽ được triển khai để đạt được yêu cầu này?
Đến hết năm 2021, mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí không dừng
Làn thủ công xếp hàng dài, làn không dừng thông thoáng
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, tại các tuyến đường cao tốc, quốc lộ liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài.
Đáng chú ý, tình trạng phương tiện xếp hàng dài chỉ xuất hiện tại các làn thu phí thủ công. Trong khi đó, tại các làn thu phí tự động không dừng lại thông thoáng, các phương tiện lưu thông thuận lợi.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, dịp Tết năm nay, người dân có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Mặc dù có nhiều giải pháp như đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng, tỷ lệ người dân dán thẻ sử dụng dịch vụ đã tăng cao nhưng vẫn còn tỷ lệ lớn chưa sử dụng khiến xảy ra ùn tắc trên các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố lớn.
Nói về nguyên nhân khiến chủ phương tiện chưa mặn mà với việc sử dụng thẻ thu phí tự động không dừng, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, doanh nghiệp vận tải có nhiều đầu xe, lại phải đóng trước một số tiền không nhỏ.
Việc chủ phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông sau đó trừ dần cũng chưa thực sự khuyến khích người dân sử dụng.
Trong khi đó, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty CP Giao thông số - đơn vị sở hữu thẻ ePass cho rằng, tuy Chính phủ đã yêu cầu nhưng chưa có quy định pháp luật bắt buộc chủ phương tiện phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ.
Cùng đó là do thói quen sử dụng tiền mặt của các chủ phương tiện vẫn phổ biến.
Còn theo ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, có một số lượng lớn phương tiện chỉ lưu thông trong khu vực nội thành các thành phố lớn hay khu vực miền núi, không đi ra ngoài nên không dán thẻ. Bên cạnh đó, một số lái xe thuê nên họ cố tình không dán để có thể lấy vé giấy thanh toán với chủ xe.
Mục tiêu có khả thi?
Để hoàn thành mục tiêu 90% phương tiện dán thẻ thu phí không dừng như yêu cầu của Chính phủ, trong 5 tháng tới, phải hoàn thiện việc dán thẻ cho 2 triệu phương tiện. Với tỷ lệ và tốc độ dán thẻ ETC như hiện nay, việc đạt được mục tiêu không hề dễ dàng.
Về vấn đề này, ông Hồ Trọng Vinh cho biết, nhà cung cấp dịch vụ đã có nhiều hình thức, tuyên truyền qua nhiều năm nhưng hiệu quả chưa cao.
“Điều quan trọng là cần có sự vào cuộc, đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, tạo niềm tin cho chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng”, ông Vinh nói.
“
Nhiều nước đã thu phí không còn barie, chỉ sử dụng trạm thu phí ảo, công nghệ của họ vẫn cho xe chạy qua và thu tiền sau. Làm như vậy, chủ phương tiện dù không muốn cũng phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, muốn làm được điều này cần hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan.
Ông Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty CP Giao thông số
”
Phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Bộ GTVT đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Đường bộ VN triển khai chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ đầu tháng 5/2022. Với xe không dán thẻ thu phí không dừng sẽ không được đi vào cao tốc.
“Giải pháp này tạo ra sự khác biệt về lợi ích cho những chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Sau khi tổng kết sẽ nhân rộng giải pháp này ra các tuyến cao tốc khác, người dù người dân nào ra khỏi thành phố 1 lần trong năm vẫn phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ, qua đó nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ khi tham gia giao thông”, ông Toàn nói.
Cũng theo ông Tô Nam Toàn, hệ thống dữ liệu của hai dự án đã được kết nối, đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng 1 thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua 113 trạm.
Hiện nay, đã có 63 trạm lắp đủ 100% các làn thu phí ETC. Các trạm sẽ phải hoàn thành lắp đặt trong quý I/2022. Khi đó, mỗi trạm chỉ duy trì tối đa 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông. Khi không còn nhiều làn thủ công, phương tiện sẽ dán thẻ nhiều hơn để lưu thông.
Tổng cục Đường bộ VN cũng đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ xử lý triệt để các tồn tại của hệ thống ETC, bất cập, vướng mắc với chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng và tăng cường các vị trí dán thẻ, đẩy mạnh tuyên truyền đến chủ phương tiện.
Cùng đó, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt nghiêm tình trạng phương tiện không dán thẻ “đi nhầm” vào làn ETC, gây cản trở, ùn tắc giao thông.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Tổng cục đã thống kê số lượng phương tiện đã và chưa dán thẻ của từng tỉnh, thành phố.
Tổng cục cũng đã có văn bản gửi UBND 63 tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.
Đồng thời, các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới dán thẻ đầu cuối khi chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện.
Thừa nhận để đạt mục tiêu đến tháng 6/2022, tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng là không dễ dàng, song ông Thắng cũng khẳng định, Tổng cục Đường bộ VN sẽ nỗ lực phối hợp với các bên để phấn đấu đạt được tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Mới có 2,3/5 triệu phương tiện dán thẻ
Thống kê của Tổng cục Đường bộ VN cho thấy, đến hết năm 2021, mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ thu phí không dừng, đạt khoảng 51%. Trong số này, lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%.
Theo Báo Giao thông