Việc này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, đưa dự án cán đích đúng tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Việc chỉ định thầu tư vấn và xây lắp có thể rút ngắn từ 6 - 8 tháng từ khâu thiết kế đến thi công (Trong ảnh: Dự án Cao Bồ - Mai Sơn, một đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa khánh thành ngày 4/2). Ảnh: Ngọc Hải
Rút ngắn 6 - 8 tháng
Đầu tháng 2/2022, chưa đầy một tháng Quốc hội bấm nút thông qua chủ trương Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở dự thảo Bộ GTVT trình, Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Đáng chú ý, Nghị quyết cho phép Bộ GTVT và các địa phương được chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp các dự án thành phần kèm theo yêu cầu tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Ủng hộ chủ trương này, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho rằng, việc chỉ định thầu tư vấn và xây lắp các gói thầu thuộc các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 có thể rút ngắn từ 6 - 8 tháng từ khâu thiết kế đến thi công.
Nhớ lại quá trình một số trường hợp đặc biệt trong đấu thầu ngay tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, Ban QLDA Thăng Long được giao phụ trách quản lý hai dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam với với 9 gói thầu thì hai gói tại cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 (gói 14 và 12) và hai gói thầu thuộc dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (gói số 2 và số 3) bị “vỡ thầu”, không lựa chọn được nhà thầu phù hợp.
“Công tác đấu thầu phải tiếp tục triển khai lần hai với quy trình tương tự lần một. Thời gian phát sinh thêm khoảng 35 ngày. Nghĩa là, tổng thời gian từ thời điểm bắt đầu mở thầu đến khi lựa chọn được nhà thầu mất hơn hai tháng”, ông Roãn nói và cho biết, dù không lượng hóa cụ thể được khối lượng công việc không thể làm trong thời gian phát sinh, song nếu thời gian đấu thầu không kéo dài, các gói thầu có thể được triển khai sớm hơn, công tác tiếp cận hiện trường, chuẩn bị thi công cũng sẽ kỹ càng hơn.
Trong khi đó, tại dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ năm 2013 nhờ áp dụng cơ chế chỉ định thầu nên dự án không chỉ đạt được kỳ tích về tiến độ, cán đích vào cuối năm 2015, vượt tiến độ một năm so với yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ mà với tiêu chí mỗi nhà thầu tham gia giảm giá ít nhất 5% so với dự toán ước tính, cộng với việc tư vấn đánh giá sát với dự báo, trượt giá vật tư phục vụ dự án không nhiều, dự án dư vốn đến 14.000 tỷ đồng.
Loại bỏ “quân xanh, quân đỏ”
Khi chỉ định thầu, chủ đầu tư đánh giá kỹ để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm mà còn giúp chi phí xây lắp dự án giảm đi nhiều. (Trong ảnh: Đoạn cuối tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trong tương lai sẽ có đường nối thông với tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45)
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam chỉ còn 4 năm để triển khai nên rất khó hoàn thành nếu không có những cơ chế đột phá.
“Thực tiễn triển khai nhiều dự án cao tốc thời gian qua cho thấy, công tác đấu thầu mất rất nhiều thời gian, có thể tiêu tốn 2 - 3 năm. Đấu thầu hay chỉ định thầu cũng chỉ là phương thức lựa chọn một nhà thầu có năng lực về kinh nghiệm, tài chính đáp ứng tiến độ, chất lượng và giá”, ông Chủng nói.
Ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex cho rằng, chỉ định thầu còn là giải pháp loại bỏ hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, giúp cơ hội trúng thầu của các nhà đầu tư lớn rộng mở hơn.
“Nhà nước muốn chỉ định thầu và kèm theo yêu cầu tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu (đối với gói thầu xây lắp) không khác gì đấu thầu nhưng lại lựa chọn được nhà thầu tốt.
Trong đấu thầu, nếu chủ đầu tư và nhà thầu “móc ngoặc”, nhà thầu năng lực tốt chưa chắc có thể “nhúng chân”. Trong khi một số nhà thầu yếu hơn lại liên danh, liên kết nhiều bên để thắng thầu.
Nếu chỉ định thầu, hồ sơ năng lực của các bên sẽ sòng phẳng trên bàn cơ quan quản lý. Nhà thầu nào có thực lực sẽ được lựa chọn”, ông Tới chia sẻ.
Bảo đảm không phát sinh tình huống đấu thầu
Tiết lộ với PV, một lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) chia sẻ, thực tế kết quả đấu thầu tại nhiều dự án giao thông lớn và ngay cả các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, giá trúng thầu chỉ giảm so với dự toán khoảng 1 - 2%, gần như sát giá dự toán.
Do đó, ưu điểm lớn nhất chỉ định thầu là không phát sinh tình huống đấu thầu và đảm bảo 100% thành công trong việc lựa chọn nhà thầu.
Khi chỉ định thầu, chủ đầu tư đánh giá kỹ để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm mà còn giúp chi phí xây lắp dự án giảm đi nhiều (với yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu, không bao gồm chi phí dự phòng kèm theo).
Về việc chỉ định thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, GPMB và tái định cư, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho biết thêm: Trường hợp đấu thầu rộng rãi thông thường, các gói thầu di dời công trình hạ tầng được áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Nếu thuận lợi cần ít nhất 2 tháng mới lựa chọn xong nhà thầu. Trường hợp phức tạp có thể kéo dài từ 3 - 4 tháng hoặc dài hơn, thậm chí phải hủy thầu để đấu thầu lại, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án. Trong khi đó, chỉ định thầu theo quy trình thông thường cần khoảng 20 ngày; quy trình rút gọn chỉ 7 ngày.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trương Văn Phước:
Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ
Theo tôi, các dự án phải triển khai trong thời gian gấp rút như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 thì chỉ định thầu là cơ chế cần thiết.
Với đầu tư dự án, thời gian cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả. Nếu triển khai đấu thầu, các bước thủ tục phải triển khai theo quy định của luật hiện hành. Điều đó sẽ mất rất nhiều thời gian và có nhiều rủi ro nếu không lựa chọn được nhà thầu hoặc lựa chọn phải nhà thầu kém năng lực, kéo dài thời gian.
Trong khi đó, với cơ chế chỉ định thầu, trên cơ sở hồ sơ năng lực của doanh nghiệp, nhà thầu đăng ký, cơ quan chức năng sẽ rút ngắn được một số thủ tục, lựa chọn được nhà thầu phù hợp với tính chất, yêu cầu phức tạp của dự án hoặc từng hạng mục, công trình, việc quyết định sẽ được nhanh hơn.
Tuy nhiên, để chỉ định thầu được hiệu quả, đáp ứng được tiến độ, chất lượng, Bộ GTVT và các Bộ liên quan phải phối hợp nghiên cứu đưa ra tiêu chí lựa chọn chính xác. Từ tiêu chí được xây dựng, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn.
Làm được như vậy, cộng với điều kiện nhà thầu phải tiết kiệm được 5% so với dự toán ước tính (đối với gói thầu xây lắp), cơ chế chỉ định thầu sẽ vừa thúc đẩy được tiến độ dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong kỳ trung hạn, vừa giúp ngân sách Nhà nước tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư khi triển khai các dự án trọng điểm.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh:
Đấu thầu ở Việt Nam chưa đạt hiệu quả như mong muốn
Về lý thuyết, cơ chế đấu thầu có nhiều điểm tốt như: Đảm bảo điều kiện của thị trường, tính cạnh tranh trong triển khai các dự án.
Song, với điều kiện thực tế của Việt Nam thời gian vừa qua, công tác đấu thầu chưa đạt được hiệu quả mong muốn khi số lượng doanh nghiệp tham gia đấu thầu ít, việc đấu thầu chủ yếu thực hiện trong nước, tỷ lệ tiết giảm cũng không đáng kể.
Do đó, chỉ định thầu sẽ hiệu quả hơn, vừa đảm bảo khả năng thực thi gói thầu một cách tốt nhất, vừa đảm bảo tính kế thừa kinh nghiệm trong quá trình xây lắp các gói thầu phù hợp yêu cầu về mặt thời gian thực thi các dự án theo kế hoạch.
Ở đây cần nói rõ, đơn vị giới thiệu nhà thầu rất quan trọng, là người quản lý nắm được doanh nghiệp có năng lực tài chính, doanh nghiệp, khả năng ứng dụng công nghệ. Cần có khung chung cho các gói thầu, khi giới thiệu sẽ đảm bảo được tính bình đẳng, công khai, minh bạch.
Các nhà thầu được giới thiệu lựa chọn hoặc đã được lựa chọn cần được công khai trên mạng để toàn dân giám sát năng lực, hiệu quả của việc chỉ định thầu, giảm thiểu tối đa móc ngoặc việc xin - cho.
Thêm nhiều cơ chế đặc thù rút ngắn tiến độ
Cùng với cơ chế chỉ định thầu, nhiều cơ chế đặc thù đối với mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam cũng được thông qua. Đáng chú ý nhất là cơ chế giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công.
Bộ GTVT cũng được giao thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt 12 dự án tương tự như đối với dự án nhóm A.
Theo đại diện Cục QLXD&CLCTGT, thời gian thẩm định dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thường mất thời gian hơn 100 ngày. Quỹ thời gian này có thể tiết kiệm được 1 - 1,5 tháng nếu thực hiện theo quy trình thẩm định dự án nhóm A.
Bộ GTVT cũng được giao tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, tổ chức cắm cọc GPMB và bàn giao cho các địa phương theo từng đoạn tuyến trong quá trình lập dự án đầu tư tùy thuộc mức độ phức tạp của điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn.
“Nếu làm theo quy trình thông thường, cao tốc Bắc - Nam phải mất đến 6 - 7 tháng mới có thể bàn giao cọc GPMB. Áp dụng cơ chế trên, thời gian có thể rút đến hơn một nửa, thậm chí hơn”, một lãnh đạo Ban QLDA 2 cho hay.
Theo Báo Giao thông