Tại các khu vực trường học của Hàn Quốc luôn có các tình nguyện viên phân luồng giao thông cho học sinh qua đường
Cần xây dựng kế hoạch cấp tỉnh, thành phố
Thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT luôn được quan tâm chú trọng đặc biệt từ Trung ương đến địa phương. TNGT liên tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí qua các năm, UTGT được khắc phục, một số “điểm đen” tai nạn được xóa bỏ. Tuy nhiên, hiện nay số vụ, số người chết và bị thương do TNGT đang chững lại, ùn tắc vẫn còn xảy ra cho dù các địa phương vẫn quyết liệt thực hiện công tác đảm bảo TTATGT.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện nay Hà Nội đang đưa nhiều giải pháp để tăng cường đảm bảo TTATGT, đồng thời nâng cao hệ thống vận tải hành khách công cộng. Trong nhiều năm qua, TP. Hà Nội tập trung phát triển giao thông công cộng. Hệ thống vận tải hành khách công cộng ngoài xe buýt, xe taxi thì các loại hình khác cũng được triển khai rất tốt. Vận tải xe buýt hiện nay của Hà Nội đã đáp ứng được phần nào nhu cầu đi lại của người dân. Trong tổng lượng vận tải hành khách hiện nay đáp ứng được 14 - 15% nhu cầu nhưng con số này cần được tăng lên.
Chia sẻ về các giải pháp kéo giảm UTGT, ông Viện cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới hạn chế sử dụng xe máy. Đến thời điểm năm 2030, Thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trong khu vực nội đô.
“Dù chúng ta tập trung nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhưng đường bộ mới tăng được 3,8%/năm, đất dành cho giao thông mới chiếm 0,26%. Trong khi đó, tốc độ phát triển phương tiện cá nhân đối với ô tô trên 10%, xe máy 6,7%. Lượng ô tô trên địa bàn Thành phố hiện nay khoảng 500 nghìn xe và xe máy trên 5 triệu chiếc. Điều này khiến UTGT ngày càng nghiêm trọng. Nếu cứ để phương tiện cá nhân phát triển tự nhiên thì mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng với tốc độ phát triển phương tiện ngày càng trầm trọng”, ông Viện lý giải.
Giao thông đường bộ của Seoul luôn trật tự.
Tại Hội thảo kế hoạch tổng thể ATGT cho Thủ đô Hà Nội vừa qua, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, những giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành về công tác đảm bảo ATGT để đi vào thực tiễn thì vai trò của UBND, ban ATGT, lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố cực kỳ quan trọng. Ông Hùng cho biết, đối với hướng vấn đề xây dựng kế hoạch bảo đảm TTATGT cấp tỉnh phù hợp với thông lệ, kinh nghiệm quốc tế thì có thể nói đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa tiếp cận nhiều. Chúng ta có nhiều hỗ trợ quốc tế trong xây dựng nghiên cứu và lập các quy hoạch tổng thể về phát triển đô thị, quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh, cấp thành phố, quy hoạch phát triển GTVT, tuy nhiên để có kế hoạch đầy đủ, chi tiết, toàn diện giải quyết vấn đề ATGT thì chưa có chương trình, kế hoạch cấp Thành phố cụ thể nào đuợc phê duyệt . Do đó, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng Bộ Cơ sở hạ tầng, Đất đai và Giao thông Hàn Quốc cùng nghiên cứu, thí điểm xây dựng kế hoạch ATGT cho TP. Hà Nội.
Hệ thống tàu điện ngầm ở Vùng thủ đô Seoul đã giải quyết hơn 8 triệu lượt đi lại mỗi ngày.
“Có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta thành công trong dự án này thì có thể xây dựng mô hình kế hoạch ATGT cấp tỉnh trong giai đoạn trung hạn. Kế hoạch này đặc biệt quan trọng với quá trình xây dựng trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Khi sản phẩm hoàn thành sẽ trình UBND TP. Hà Nội xem xét để áp dụng và có thể nhân rộng mô hình ra nhiều tỉnh, thành khác.
Bài học từ Hàn Quốc
Cũng như nhiều nước trên thế giới, tại Hàn Quốc, kế hoạch đảm bảo TTATGT được xây dựng chi tiết theo cấp tỉnh, thành phố. Tiến sĩ Changhwan Mo đến từ Viện Giao thông Hàn Quốc cho biết, Thủ đô Seoul từng gặp nhiều vấn đề về giao thông mà Hà Nội đang gặp phải. Trước đây, Seoul đã từng đưa ra các chính sách như xây dựng và mở rộng đường. Tuy nhiên, Seoul đang chuyển chính sách sang ưu tiên phát triển giao thông công cộng và quản lý giao thông nhằm giảm tai nạn và ùn tắc.
Người dân Seoul đã thích thú và coi đi lại bằng tầu điện là một nét văn hóa.
Kế hoạch cơ bản về ATGT đã được xây dựng cho TP. Seoul từ năm 2009. Cho đến nay, TP. Seoul đang thực hiện kế hoạch ATGT lần thứ 3. Theo đó, với kế hoạch lần thứ nhất từ năm 2009 đến 2011, Hàn Quốc thực hiện áp dụng hệ thống GPS cho TP. Seoul, xây dựng Seoul trở thành thành phố xanh, an toàn, ổn định với tỷ lệ phát thải CO2 thấp, đồng thời định hướng Seoul là thành phố tiên phong trong việc đảm bảo TTATGT. Sau khi kế hoạch đảm bảo TTATGT lần thứ nhất của Seoul hoàn thành đúng mục tiêu đề ra. Kế hoạch lần thứ 2 được xây dựng và thực hiện với lộ trình 4 năm từ 2012 đến 2016. Để phát triển và phù hợp, TP. Seoul đã đưa ra mục tiêu trong 4 năm này là thay đổi điều kiện giao thông, xây dựng hệ thống theo định hướng giao thông công cộng.
Với chiến lược xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện, nâng cao nhận thức của người dân về ATGT, cải thiện hệ thống ATGT được sự đồng tình của người dân, xây dựng hệ thống giao thông an toàn, TP. Seoul đã triển khai hàng loạt giải pháp. Trong đó, Thành phố thúc đẩy giáo dục ATGT cho trẻ em một cách hệ thống, gia tăng kiểm soát các bãi đỗ xe trái phép và mở rộng hệ thống điều khiển, lắp đặt thiết bị an toàn trên xe buýt đưa đón học sinh, thực hiện liên tục việc kiểm tra ATGT tổng thể…
Sau 4 năm thực hiện kế hoạch ATGT cho Seoul lần thứ 2, số vụ TNGT và tử vong hàng năm giảm. Tỷ lệ thực hiện các dự án ATGT đã được duy trì tương đối cao nhưng hiệu suất liên quan đến người đi bộ và vận chuyển dễ bị tổn thương là thấp, tỷ lệ số lượng người tử vong của các phương tiện giao thông giảm. Từ kết quả của kế hoạch này, Seoul đã đưa ra mục tiêu là cần phải nâng cao ý thức ATGT của lái xe và làm thay đổi hành vi của lái xe, đồng thời đầu tư ngân sách cho người đi bộ, xe thô sơ, doanh nghiệp vận tải như xe buýt, taxi, xe tải. Chính vì vậy, trong kế hoạch ATGT lần thứ 3 từ năm 2017 đến 2021, TP. Seoul đã đưa ra mục tiêu là tập trung vào các lĩnh vực dễ bị tổn thương của người đi bộ, taxi, xe buýt, xe đạp và xe máy.
Người đi bộ tham gia giao thông từ các đường ngầm lên mặt đất.
Phân tích sự khác biệt trong công tác bảo đảm TTATGT giữa hai quốc gia, Tiến sĩ Changhwan đánh giá kế hoạch ATGT Hà Nội bao gồm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông như một chiến lược chính trong khi kế hoạch của Seoul không đưa vào mục tiêu. Việc giảm bớt TNGT của cả người đi bộ và người cao tuổi được nhấn mạnh trong kế hoạch của Seoul nhưng chúng không được coi là mục tiêu chính để giảm TNGT ở Hà Nội. Kế hoạch của Seoul được thành lập như một mục tiêu chính để giảm TNGT của xe thương mại nhưng kế hoạch của Hà Nội đã không xem xét đến các phương tiện thương mại như xe buýt, xe taxi và xe tải.
Do đó, theo chuyên gia Hàn Quốc, để Hà Nội có thể tăng cường công tác đảm bảo TTATGT trong thời gian tới, Thành phố cần xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết và kế hoạch đầu tư cho từng năm như thực hiện các biện pháp đối với nạn nhân của TNGT, tạo dựng môi trường an toàn cho phương tiện giao thông đường bộ, cải thiện biện pháp an toàn đối với xe máy, ô tô, cải thiện hệ thống quản lý ATGT
Theo tapchigiaothong.