Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ( đội nón màu xanh)  nghe báo cáo công tác triển khai thi công dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng tuyến chính được 71,9/73,2km (đạt 98%), thực tế thi công khoảng 68,4/71,9km tuyến cao tốc (đạt 95% mặt bằng được bàn giao). Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận huy động 89 mũi thi công, 268 máy móc, thiết bị và 739 nhân sự để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Riêng đối với 3 gói thầu xây lắp, lũy kế sản lượng đến nay là 1.106/11.957 tỷ đồng, đạt hơn 9% giá trị hợp đồng (chậm 10% so với kế hoạch đăng ký). Vốn đã giải ngân lũy kế đến nay đạt 75%.

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Lê Đức Tuân, đến nay dự án mới chỉ tiếp nhận được 0,481 triệu m3 cát từ nguồn tăng công suất các địa phương đã bố trí. Nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn. Trong khi đó, việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới rất chậm, khó đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án.

Trước thực tế trên, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với các địa phương để đẩy nhanh thủ tục mở mỏ cát, nhất là tại 2 tỉnh An Giang và Vĩnh Long.

 

Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị các nhà thầu phải huy động bổ sung máy móc, thiết bị, nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

"Nhà thầu đứng đầu liên danh phải có trách nhiệm chỉ đạo điều hành chung, thường xuyên theo dõi chặt chẽ, đôn đốc các nhà thầu trong liên danh nâng cao tinh thần, trách nhiệm khẩn trương thi công, đưa dự án về đích đúng tiến độ và kế hoạch đã đề ra", Thứ trưởng yêu cầu.

Thứ trưởng cũng lưu ý kế hoạch thi công cần điều chỉnh linh hoạt, bảo đảm phù hợp với thực tế. 

Khi đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, đơn vị tư vấn giám sát, ban quản lý dự án phải nắm được khối lượng thi công hàng ngày thế nào, có chậm không, kế hoạch bù lại ra sao... không để tình trạng chậm kéo dài. 

"Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phải chủ động điều phối công việc, chỉ đạo tổ chức thi công bảo đảm tính khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà thầu. Đối với các nhà thầu chậm trễ, không có giải pháp khắc phục, kiên quyết xử lý theo quy định hợp đồng", Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau được phân thành hai dự án thành phần gồm dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, trong đó qua địa bàn thành phố Cần Thơ khoảng 600m, qua tỉnh Hậu Giang hơn 37km. Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.

Dự án cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau có 3 gói thầu xây lắp.

Gói thầu XL01 do liên danh Trung Nam – Cienco4 – Trường Sơn – Tân Nam đảm nhận thi công; Gói thầu XL02 do liên danh VNCN E&C – 620 – Hải Đăng – Thi Sơn thi công; Gói thầu XL03 do liên danh CC1 – Hải Đăng – Trung Nam 18 – Công ty 492 – Vạn Cường thi công.

Dự án do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Quy mô dự án với 4 làn xe, rộng 17m, sau đó nâng lên 24,75m; tốc độ thiết kế 80-100km/h. Dự án được khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cao Đạt