Lực lượng CSGT diễu hành trong lễ ra quân hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2017 - Ảnh: Khánh Linh

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình yêu cầu, năm 2017 các ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ. Không để tình trạng cứ vi phạm giao thông là lại rút điện thoại gọi người thân.

Chấn chỉnh tình trạng lơ là trách nhiệm

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thẳng thắn đánh giá, tỷ lệ giảm TNGT hiện vẫn thấp và còn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Thời gian qua, còn xảy ra các sự cố uy hiếp an ninh, an toàn hàng không. Ùn tắc tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2016 toàn quốc chỉ kéo giảm được 0,49% người chết do TNGT và có tới 20 địa phương gia tăng số người chết do TNGT, với 9 địa phương tăng ở mức trên 10%.

‘‘Nguyên nhân dẫn đến kết quả hạn chế như trên là ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Còn tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về ATGT ở một số đơn vị chức năng. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, đứng đầu chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương chưa đi vào thực chất”, Phó thủ tướng nói và đặt câu hỏi: Phải chăng tai nạn do ô tô tăng cao do chất lượng đào tạo sát hạch; đường thiếu tín hiệu cảnh báo do buông lỏng tổ chức giao thông?.

Năm 2016 (tính từ 16/12/2015 đến 15/12/2016), toàn quốc xảy ra 21.589 vụ TNGT, làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người. So với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.261 vụ (-5,52%), giảm 43 người chết (-0,49%), giảm 1.792 người bị thương (-8,5%).

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu ví dụ tại TP.HCM xảy ra vụ việc một người dân di chuyển trên đường Kinh Dương Vương chờ xe buýt đã bị rơi xuống hố ga không có nắp đậy, dẫn đến bị tử vong. “Chính phủ đã có văn bản yêu cầu xác minh, điều tra, quy trách nhiệm mà đến nay chưa có báo cáo. Tôi yêu cầu đơn vị liên quan chấp hành nghiêm chỉ thị của Thủ tướng về ATGT và xử lý vi phạm”, Phó thủ tướng nói.

Đề cập vấn đề quản lý hạ tầng, Phó thủ tướng yêu cầu trong năm 2017, ngành chức năng và các địa phương cần lưu ý kết hợp các nguồn vốn Trung ương, địa phương, xã hội hóa để xử lý quyết liệt các điểm đen TNGT. Từ kiến nghị của địa phương và dẫn chứng việc huyện Kim Thành, Hải Dương có đoạn 2,5km đường sắt nhưng có tới 100 điểm giao cắt đường ngang dân sinh, Phó thủ tướng chỉ đạo ngành Đường sắt, địa phương cần làm rõ trách nhiệm trong việc xử lý, lập đường gom để hạn chế TNGT.

Vấn đề quan trọng khác được Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thẳng thắn nêu lên là biểu hiện của việc thiếu hiệu lực và chất lượng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, thậm chí dung túng vi phạm, làm mất uy tín và hình ảnh của cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này gây hệ lụy gia tăng tình trạng người tham gia giao thông, chủ phương tiện thiếu ý thức chấp hành pháp luật ATGT. “Cần xử lý nghiêm vi phạm pháp luật từ cả phía người thừa hành công vụ và người vi phạm pháp luật giao thông. Không để tình trạng cứ vi phạm giao thông là lại rút điện thoại gọi người thân, can thiệp, khiến người xử lý vi phạm chùn tay; hoặc có chuyện không xử lý vi phạm để “dấm dúi” với nhau”, Phó thủ tướng thắng thắn.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Huy Lộc

Quyết liệt kéo giảm TNGT từ đầu năm

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cho biết, nhóm địa phương có kết quả kéo giảm TNGT trong năm 2016 dù ở các vùng miền, mật độ giao thông, hạ tầng, nguồn kinh phí khác nhau nhưng có điểm chung là sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng, tạo được các phong trào tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT, văn hóa giao thông tích cực.

“Kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT ở mỗi địa phương phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương. Những địa phương phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, như: An Giang, Trà Vinh... là kinh nghiệm quý để phát huy trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm kéo giảm TNGT, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, giải pháp của địa phương là nêu cao trách nhiệm, vai trò người đứng đầu. Cụ thể, Chủ tịch tỉnh giao Giám đốc công an, Sở GTVT, chủ tịch các huyện, thành phố và ký cam kết rõ trách nhiệm trong việc kéo giảm TNGT.

“Địa phương nghiêm cấm cán bộ, viên chức sử dụng rượu bia trong giờ hành chính, nghỉ trưa và cũng tuyên truyền mạnh mẽ thực hiện trong nhân dân. Các địa phương thuộc tỉnh đều có lực lượng đặc nhiệm xử lý vi phạm giao thông, xử lý trong giờ cao điểm từ 22h-5h sáng, giúp đảm bảo trật tự ATGT và ngăn ngừa tội phạm. Năm 2017, địa phương tiếp tục lập lực lượng liên ngành bảo đảm trật tự ATGT với sự tham gia của lực lượng quân sự”, ông Thạnh cho biết.

Về phía các địa phương gia tăng TNGT, lãnh đạo một số địa phương như TP.HCM, Tiền Giang cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định quyết tâm triển khai các giải pháp kéo giảm TNGT ngay từ đầu năm. Bộ trưởng Trương Quang

Nghĩa cho biết: “Chúng tôi chia sẻ với các địa phương có mật độ giao thông quá cảnh cao (phương tiện từ nơi khác đến) và mong các địa phương cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của lái xe”.

Trước những kiến nghị của các địa phương về việc khắc phục bất cập hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, hầu hết kiến nghị đã nằm trong kế hoạch thường xuyên của Bộ GTVT. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN ưu tiên số 1 là xử lý điểm đen, hệ thống cọc tiêu, biển báo và những yếu tố liên quan đến ATGT. “Đặc biệt, sẽ ưu tiên kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ để khắc phục hệ thống quốc lộ bị sạt lở, hư hỏng mặt đường do mưa lũ ở khu vực miền Trung”, Thứ trưởng Thọ nói.

Thiếu tướng, Cục trưởng Cục CSGT Trần Sơn Hà:
Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Đà Nẵng, TP.HCM và một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần như tất cả người dân đều đội MBH. Thế nhưng tại Hà Nội, Hưng Yên và một số tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng người dân không đội MBH khi tham gia giao thông. Chúng ta đã tuyên truyền mãi rồi, vì vậy cần phải xử nghiêm tránh tình trạng “tỵ” giữa người chấp hành và người không chấp hành. Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4.

Cần sửa Luật GTĐB năm 2008, qua 8 năm thực hiện đã không còn phù hợp với thực tiễn. Cần kiến nghị đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2017- 2018, Luật GTĐB thành Luật Trật tự ATGT và Luật Đường bộ.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa:
6 tháng đầu năm phải kéo giảm ùn tắc

Năm 2016 TP HCM chỉ giảm được số người bị thương do TNGT. Đây là kết quả đáng buồn. Thành phố đã kiểm điểm tìm ra nguyên nhân để khắc phục: Hạ tầng rất hạn chế, đất dành cho giao thông tĩnh ít; quản lý lề đường hạn chế; công tác tuần tra, xử lý chưa đạt yêu cầu đặt ra; tuyên truyền kém...

Năm 2017, TP HCM đặt mục tiêu giảm TNGT 3 mặt ít nhất 5% và cải thiện ùn tắc giao thông. Hiện, thành phố có 37 tuyến có khả năng ùn tắc cao và đã đề ra các biện pháp để kéo giảm. Thành phố đã chỉ đạo đơn vị phân công cụ thể để 6 tháng đầu năm 2017 phải chuyển biến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng:
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, TNGT giảm mạnh

Năm 2016, địa phương kéo giảm được 3 tiêu chí TNGT và không có TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tỉnh Trà Vinh có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt xe quá tải, kinh doanh vận tải, đổi mới hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm, trong đó, đặc biệt chú ý các điểm hay xảy ra TNGT, các điểm đen TNGT; tăng cường tổ chức bảo đảm giao thông hợp lý, làm tốt công tác bảo trì.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó chủ tịchThường trực UBND tỉnh Tây Ninh:
Xử phạt không phân biệt xe biển xanh hay biển trắng

Năm 2016, TNGT tại Tây Ninh giảm sâu cả 3 tiêu chí, số vụ TNGT giảm gần 20% so với năm 2015. Đạt được kết quả này là do Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt như, xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc để gia tăng TNGT địa bàn phụ trách. Trong tuần tra kiểm soát, địa phương luôn xác định không có “vùng cấm”, xử lý bình đẳng không phân biệt biển xanh hay biển trắng.

Theo Báo giao thông