Nguy hiểm rình rập khi cho trẻ nhỏ ngồi trước xe máy.

Trên các tuyến phố Thủ đô, PV VTC News dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ huynh cho trẻ ngồi xe máy khi tham gia giao thông, thậm chí nhiều trẻ không được đội mũ bảo hiểm. Hành động này của cha mẹ đã vô tình đặt con em mình vào tình thế nguy hiểm khi chỉ cần một va chạm nhỏ cũng có thể khiến cho trẻ bị hất văng xuống đường. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ vô tình cầm chìa khoá tắt máy hay vặn tay ga gây tai nạn đáng tiếc.

Mới đây, tại Bình Định xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 3 người tử vong, nguyên nhân do bé 4 tuổi vô tình vặn tay ga khiến xe máy lao vào hàng rào xi măng của một nhà dân gần đó. Sự việc đau lòng là hồi chuông cảnh báo đối với nhiều bậc phụ huynh đang có thói quen cho trẻ nhỏ ngồi trước xe máy khi đang lưu thông trên đường hoặc dừng lại, để trẻ trên xe mà không có người lớn bên cạnh.

Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi phụ huynh để trẻ nhỏ ngồi ở trước xe máy. Song, tình trạng này vẫn diễn ra nhiều, nhất là ở các tuyến đường quanh những điểm trường mầm non. Với tâm lý chủ quan, nhiều phụ huynh cho trẻ ngồi, đứng ngay trước xe, không có đồ bảo hộ, không đội mũ bảo hiểm...

Tai nạn thường gặp khi cho trẻ đứng trước xe xảy ra nhiều với các dòng xe tay ga. Xe tay ga sử dụng phanh đĩa, nhiều phụ huynh cho con đứng phía trước, khi gặp tình huống khó, bối rối xử lý sẽ bóp phanh mạnh tay khiến xe dừng đột ngột. Lúc này ngực, mặt của trẻ có thể bị đập mạnh vào đầu xe. Một số tình huống khác, trẻ nhỏ học theo người lớn, vô tình vặn khoá xe hay vặn tay ga làm tốc độ di chuyển thay đổi… cũng dễ dàng dẫn đến các vụ tai nạn. 

Nhiều phụ huynh đã cẩn trọng hơn khi cho trẻ nhỏ ngồi phía sau. Chị Lê Thị Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị từng chứng kiến cũng như đọc được rất nhiều vụ tai nạn thương tâm khi cho trẻ nhỏ ngồi trước xe. “Chở con ngồi trước xe rất nguy hiểm lại còn bụi bặm. Tôi thấy, cho trẻ nhỏ ngồi phía trước xe dễ quan sát nhưng rất nguy hiểm khi xảy ra va chạm giao thông hay trẻ nhỏ vô tình vặn tay ga. Dù nhà rất gần trường tôi vẫn cho con mình ngồi phía sau để tránh những trường hợp xấu xảy ra.”, chị Thu Trang chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT), việc cho con nhỏ ngồi đằng trước là một thói quen tồn tại đã lâu khi tham gia giao thông bằng xe máy ở Việt Nam. “Nguyên nhân đầu tiên là cha mẹ thấy rằng con còn nhỏ (3-6 tuổi) nên không thể tự ngồi đằng sau một mình. Trẻ có thể không chú ý, quên ôm hoặc giật mình khi xe tăng tốc đột ngột. Trong khi đó, khi bé ngồi đằng trước, các bậc cha mẹ cảm thấy an toàn hơn vì mọi hoạt động của bé đều trong phạm vi giám sát và theo dõi của mình. Tuy nhiên, đây lại là cách hiểu hết sức sai lầm, vì bản chất vị trí sau tay lái là nơi nguy hiểm nhất, chỉ cần phanh gấp là lực quán tính đẩy trẻ về phía trước, đầu hoặc ngực trẻ có thể đập vào tay lái hoặc trẻ bị văng ra xa”, TS. Nguyễn Minh Hiếu phân tích.

TS. Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: "Việc để trẻ em ngồi đằng trước là hết sức nguy hiểm vì trẻ nhỏ chưa có sự đánh giá chín chắn về hành vi của mình. Các em có xu hướng tò mò và học theo hành vi của người lớn. Trên thực tế, việc các em bé tùy tiện bóp còi hoặc bật đèn xi nhan không phải là hiếm. Nguy hiểm hơn, một số trường hợp còn nghịch tay ga và vặn chìa khóa tắt máy xe”.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Minh Hiếu đưa ra các lưu ý, khi cho trẻ đi xe máy thì người lớn nên lái xe với tốc độ ổn định vừa phải. Với trẻ nhỏ 1 - 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn, tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy. Với trẻ lớn hơn, cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào. 

Trường hợp trẻ còn quá nhỏ, các phụ huynh nên dùng đai đeo an toàn để đèo con ngồi sau sát vào mình, không để trẻ nhỏ tự ôm người điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ để tránh cho các cháu gặp phải các chấn thương nguy hiểm.

Theo VTC new