Báo Giao thông trao đổi với ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề này.
Ông Lương Duyên Thống.
Hơn nửa triệu học viên được giám sát
Qua hơn 1 năm áp dụng, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường đã thay đổi cách đào tạo lái xe thế nào thưa ông?
Phần mềm hệ thống thông tin DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành của học viên) bắt buộc áp dụng trên toàn quốc từ tháng 6/2022.
Đây là loại thiết bị mới, phức tạp. Thiết bị này khác biệt so với thiết bị giám sát hành trình, có khả năng nhận diện khuôn mặt của người học trên nhiều xe khác nhau và tự động cộng tích lũy thời gian và số kilomet của mỗi học viên.
“
Trước đây, tình trạng lỗi cũng xảy ra đối với thiết bị giám sát hành trình ở giai đoạn đầu đưa vào áp dụng. Sau đó một thời gian, những bất cập của thiết bị đã được nhà cung cấp hoàn thiện và đến nay đã đảm bảo chất lượng, lỗi hầu như không còn.
Ông Lương Duyên Thống
”
Cơ quan quản lý giảm bớt được công tác kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường và thời gian thực hành trên đường, làm căn cứ để xét duyệt cho phép tham dự kỳ sát hạch.
Trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 38.000 xe tập lái đã lắp đặt và sử dụng thiết bị, giám sát hơn 561.000 học viên, trong đó có gần 375.000 học viên đủ điều kiện dự sát hạch.
Nhiều học viên rất hài lòng vì họ được học đủ chương trình, kỹ năng điều khiển được nâng lên rõ rệt.
Nhiều người phản ánh, thiết bị DAT có nhiều lỗi khiến cả người dạy lẫn người học phải thực hành lại, vừa tốn chi phí vừa mất thời gian. Cơ quan quản lý có nắm được việc này không?
Việc ứng dụng thiết bị DAT là một nội dung hoàn toàn mới đối với các cơ sở đào tạo lái xe cũng như cơ quan quản lý. Do vậy, không tránh khỏi những trục trặc như phản ánh.
Điều này có nhiều lý do như trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tại các cơ sở đào tạo lái xe không đồng đều.
Thời gian đầu, các cơ sở khá lúng túng trong việc thực hiện các quy định về truyền dữ liệu DAT cũng như hướng dẫn giáo viên vận hành; thiết bị DAT còn xảy ra hiện tượng hoạt động chưa ổn định, việc truyền dữ liệu về máy chủ của cơ sở đào tạo có lúc bị gián đoạn…
Có trường hợp học viên phản ánh đã chạy 4 tiếng mới phát hiện thiết bị DAT không nhận diện được khuôn mặt, phiên học đó không được ghi nhận và phải học lại. Trường hợp này xử lý thế nào, thưa ông?
Thực tế khó xảy ra ra tình huống này vì mỗi 5 phút thiết bị lại nhận diện khuôn mặt của học viên một lần, bao gồm cả thông tin cảnh báo nhận diện có đúng học viên hay không. Thậm chí khi nhận diện sai, thiết bị còn phát âm thanh cảnh báo.
Theo nguyên tắc, thiết bị sẽ ghi nhận dữ liệu và truyền về nhà cung cấp thiết bị và sau đó được truyền về Cục Đường bộ. Thiết bị phải hiện thị quãng đường và lái xe theo thời gian thực. Không thể có chuyện trong suốt quá trình học suốt 4 giờ, giáo viên không để ý đến thiết bị trên xe có ghi nhận dữ liệu hay không.
Sẽ sửa quy chuẩn thiết bị DAT
Thiết bị DAT có khả năng nhận diện khuôn mặt của người học trên nhiều xe khác nhau, nhằm tránh việc gian lận (ảnh minh họa).
Trong trường hợp hệ thống DAT “tê liệt” hay mất dữ liệu khiến học viên không đủ điều kiện sát hạch, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, thưa ông?
Theo quy định, cơ sở đào tạo phải truyền dữ liệu về Cục Đường bộ. Phương tiện gắn thiết bị không đảm bảo ảnh hưởng đến quyền lợi của người học, trường hợp này trách nhiệm thuộc về nhà cung cấp. Sau đó, cơ sở đào tạo có trách nhiệm yêu cầu nhà cung cấp chỉnh sửa.
Cục Đường bộ đã tập huấn sử dụng thiết bị cho các sở GTVT và cơ sở đào tạo nên cơ sở đào tạo có trách nhiệm tập huấn kịp thời cho giáo viên. Trước khi phiên học bắt đầu, giáo viên phải kiểm tra tình trạng hoạt động của thiết bị.
Theo quy định hiện nay, thiết bị DAT phải đáp ứng các yêu cầu gì?
Thiết bị DAT qua rất nhiều bước kiểm tra đánh giá. Đơn vị cung cấp phải kiểm tra, kiểm chuẩn, sau khi đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn mới được phép bán ra thị trường và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
Trước nhiều phản ánh về lỗi thiết bị này, Cục Đường bộ có giải pháp nào để hạn chế thiệt thòi cho học viên?
Cục Đường bộ VN luôn cầu thị tiếp thu, hoàn chỉnh, nâng cấp đảm bảo thiết bị thực sự thông minh đảm bảo chất lượng công tác đào tạo lái xe.
Tuy vậy, khi xây dựng phần mềm công nghệ thông tin đều phải có lộ trình và được cập nhật thường xuyên. Mong muốn của Cục là xây dựng phần mềm hoàn hảo nhưng để đạt được điều này phải triển khai từng bước. Những tồn tại, vướng mắc sẽ được thường xuyên điều chỉnh.
Trong tháng 6 vừa qua, sau nhiều cuộc họp với chuyên gia và nhà cung cấp thiết bị, phần mềm đã được nâng cấp đáp ứng yêu cầu truyền dữ liệu về Cục Đường bộ VN. Việc nâng cấp phần mềm cũng giúp tránh được can thiệp vào chỉnh sửa dữ liệu của thiết bị.
Cục cũng đang đề xuất sửa quy chuẩn thiết bị theo hướng thông minh hơn, hạn chế can thiệp chỉnh sửa dữ liệu. Tuy nhiên, khó ở chỗ thiết bị thông minh hơn sẽ phải thêm chi phí, các cơ sở đào tạo phải bỏ thêm kinh phí để đầu tư.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định số kilomet và thời gian học như hiện nay là quá nhiều và đề nghị cắt giảm chương trình đào tạo. Quan điểm của Cục Đường bộ VN về đề xuất này ra sao?
Quy định hiện nay là học viên phải học đủ 810km và 34 giờ thực hành. Khi chưa dùng thiết bị DAT, số kilomet học thực hành còn lên đến 1.100km nhưng không có ai có ý kiến nhiều hay ít.
Từ khi ứng dụng công nghệ giám sát, các cơ sở đào tạo sẽ không có khả năng “ăn bớt” giờ chạy thực tế trên đường của học viên. Nhờ đó, đảm bảo chất lượng đào tạo, giúp học viên đạt được kỹ năng điều khiển phương tiện. Chương trình học hiện nay là phù hợp, không thể cắt giảm.
Cảm ơn ông!
Nguồn Báo Giao thông