Theo quy chuẩn mới QCVN 41/2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 tới đây, xe bán tải (xe pick-up), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950 kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con.

Trong khi đó, quy chuẩn hiện tại QCVN 41/2016 xác định, xe bán tải (xe pick-up) có kết cấu thùng chở hàng đi liền với thân xe, có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống thì được xem là xe con.

Như vậy, điều này tương đương với việc từ ngày 1/7, các dòng xe van, xe bán tải có khối lượng chuyên chở trong quy định trên mức 950 kg sẽ mất "quyền tự do di chuyển", sẽ được xem là xe ô tô tải và tuân theo quy định khung cấm hoạt động tại một số khu vực trong nội thành TP.HCM và Hà Nội.

Xe bán tải sẽ "mất quyền tự do đi trong phố" vì bị coi là xe tải kể từ ngày 1/7 tới.

Theo quy chuẩn mới, dòng xe tải nhẹ 1,25 tấn như Thaco KIA, VEAM VPT950, Hyundai Porter, JAC (loại từ 1,29 đến 149 tấn),... sẽ chính thức lưu hành theo giờ quy định trong phố, chứ không còn tự do di chuyển như trước kia.

Về phía một số dòng bản tải (pick-up), hơi khó để phân biệt xe đâu là xe con, đâu là xe tải vì cùng một chủng loại với kiểu dáng tương đồng như lại có bản là xe con, bản theo quy định thuộc loại xe tải, tùy thuộc vào khối lượng chuyên chở theo quy định.

Riêng đối với dòng xe VAN như Hyundai Grand Starex, Chevrolet Spark hay Kia Morning,... hầu hết đều vẫn sẽ xem là xe con vì tải trọng dưới 950 kg.

Ở chiều ngược lại, quy định mới sẽ có lợi cho những mẫu xe tải bé như một số mẫu Suzuki Window Van, Carry hay Blind.

Xe tải bị cấm lưu thông trên một số cung đường trong nội thành vào giờ cao điểm.

Theo quy định, các loại xe tải hạng nhẹ có trọng lượng dưới 1,25 tấn bị cấm lưu thông trong khung giờ cao điểm từ 6h-9h sáng và từ 16h-20h hàng ngày trong các khu vực nội thành Hà Nội và TP.HCM.

Quy định về thời gian hoạt động và cấm lưu hành của xe bán tải đã có từ lâu nhưng nhiều lái xe vẫn vi phạm. Một số thì do bỡ ngỡ ban đầu, tuy nhiên, không ít người dù biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Những lái xe vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng theo nghị định số 46/2016/NĐ-CP (Khoản 4 Điều 5) về quy định xử phạt hành chính đối với phương tiện giao thông đường bộ nếu cho xe lưu thông ở những đoạn đường cấm, khu vực cấm, di chuyển ngược chiều trên đoạn đường một chiều, đi ngược chiều ở những nơi có biển báo cấm đi ngược chiều (trừ xe ưu tiên hay một số trường hợp có nêu rõ tại Điểm a Khoản 8).

Việc hạn chế xe cỡ lớn, xe tải di chuyển trên những cung đường đông đúc trong giờ cao điểm là một giải pháp trong nỗ lực giảm thiểu nạn kẹt xe của Chính phủ. Thông thường những chiếc xe tải kể trên hay được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, gắn với các hoạt động kinh doanh nên có thể sắp xếp thời gian chuyển/nhận hàng hợp lý, tránh giờ cao điểm.

Theo Oto.com.vn