Trần Đình Duy (trái), Nguyễn Phúc Ánh (phải) đoạt giải Nhất cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent 2018 với sản phẩm Hệ thống giao thông thông minh - Ảnh: NVCC

Người mù chỉ cần bấm vào nút cài sẵn tại trụ đèn tín hiệu giao thông để biết tín hiệu đèn và qua đường. Thiết bị còn được tích hợp chức năng cảnh báo phương tiện giao nhau ở những nút giao khuất tầm nhìn.

Sáng chế độc đáo này được Trần Đình Duy và Nguyễn Phúc Ánh học sinh lớp 11 trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng) thực hiện với mục đích hạn chế TNGT.

Ứng dụng thiết thực

Nhìn một bo mạch điện tử chỉ bằng nửa bàn tay được kết nối cố định trên bảng điện với hàng chục dây dẫn, bóng đèn, ít ai nghĩ đây là một thiết bị có khả năng cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện tại các nút giao thông khuất tầm nhìn và giúp người mù qua đường tại các nút giao thông có đèn tín hiệu.

“Hệ thống này khi được lắp tại mỗi trụ đèn giao thông sẽ bố trí một nút bấm có kết nối với chuông. Mỗi khi đi đến những nơi có đèn giao thông, người mù sẽ tìm nút bấm trên trụ đèn. Nút được đặt ở vị trí dễ dàng nhất để người mù có thể tìm thấy. Khi đèn xanh và đèn vàng sáng thì bấm nút chuông sẽ không kêu. Khi đèn đỏ thì bấm nút chuông sẽ báo hiệu giúp người mù nhận ra đây là đèn đỏ và có thể qua đường”, Duy giới thiệu.

Duy cho biết, nguyên lý hoạt động của hệ thống khá đơn giản. Hệ thống được đấu nối song song với dây tín hiệu của đèn đỏ để nhận diện khi đèn giao thông chuyển sang đỏ. Chuông được mắc nối tiếp với nút bấm. Khi đèn chuyển sang đỏ, máy sẽ nhận diện được và phát chuông báo hiệu cho người bấm.

Hệ thống thông minh này khi đặt tại điểm giao nhau giữa các con hẻm và đường lớn còn có khả năng cảnh báo xung đột phương tiện. Tại các khu hẻm sẽ được đặt một cảm biến sóng âm để phát hiện vật cản, còn ở đường lớn sẽ được bố trí một đèn nhấp nháy và một còi hú.

“Khi phương tiện từ trong hẻm đi ra, hệ thống cảm biến sóng âm sẽ phát hiện và phát cảnh báo bằng đèn nhấp nháy liên tục thông qua đường truyền để người đi trên đường lớn biết sắp giao nhau, chủ động xử lý tình huống”, Duy nói.

Hệ thống cảm biến còn đo được vận tốc của xe từ trong hẻm. Nếu tốc độ của xe trong hẻm vượt quá 60km/h, hệ thống còi sẽ hú lên để cảnh báo.

Hệ thống giao thôngthông minh của Duy và Ánh

Hoàn thiện, mở rộng chức năng

Nói về ý tưởng thiết kế hệ thống trên, Duy cho biết, nhiều lần thấy những người mù qua đường rất khó khăn. Lượng phương tiện qua lại trên đường đông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cho người mù do họ không xác định được vị trí lề đường để đi, nhất là khi muốn qua đường họ không có cách gì nhận biết là tín hiệu đèn giao thông đang xanh hay đỏ.

“Ngoài ra, 6 năm trước, em chứng kiến một người họ hàng đi xe máy từ trong hẻm ra đường lớn, do khuất tầm nhìn nên không kịp xử lý và bị xe tải đâm tử vong. Em nghĩ phải có một thiết bị cảnh báo TNGT cho người mù và tại các đường khuất tầm nhìn”, Duy cho biết.

Từ năm lớp 9 đến nay, Duy đã tham gia hàng loạt các cuộc thi KH-KT của TP Đà Nẵng và gặt hái nhiều giải thưởng với các nghiên cứu như: Hệ thống trồng cây thông minh; Ô tô năng lượng gió; Hệ thống xử lý rác thải an toàn với môi trường; Ứng dụng cho trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng; Hệ thống cảnh báo lũ quét cho trẻ em vùng núi.

Nghĩ là làm, Duy nêu ý tưởng cùng bạn học Nguyễn Phúc Ánh để cùng thực hiện. Duy đến trường chuyên biệt tương lai Nguyễn Đình Chiểu gặp gỡ người mù, trò chuyện với họ về những khó khăn và mong muốn trong việc đi lại trên đường để tổng hợp tư liệu thiết kế sản phẩm.

“Phần cơ, vật lý bình thường em đã biết qua nên thực hiện cũng khá đơn giản. Phần lập trình em tự lên mạng tìm hiểu rồi nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô ở Viện Việt - Anh và thầy cô trường Phan Chu Trinh hỗ trợ”, Duy chia sẻ.

Sau 3 tháng mày mò nghiên cứu, thiết bị hệ thống giao thông thông minh giúp người mù qua đường và cảnh báo TNGT ở những nơi khuất tầm nhìn của hai bạn Trần Đình Duy và Nguyễn Phúc Ánh giành giải Nhất cuộc thi “Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent 2018” do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng tổ chức vào tháng 3/2018.

“Phương án ban đầu của tụi em là thiết kế thiết bị với 3 chức năng. Trong đó có thêm chức năng đánh giá chất lượng mặt đường để cảnh báo, hỗ trợ tài xế ô tô, xe tải đi lại an toàn hơn. Nhưng do thời gian dự thi gấp rút nên chưa triển khai được. Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu chức năng này để đưa vào hệ thống”, Duy nói.

Duy cho biết, rất mong muốn có nhà tài trợ để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. “Ứng dụng của chúng em vẫn chưa được thử nghiệm vì muốn làm phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Em hy vọng thiết bị của mình được đưa vào thực tiễn để góp phần giảm thiểu TNGT”, Duy chia sẻ.

TS. Đặng Đức Long, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế - Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng) đánh giá mô hình hệ thống giao thông thông minh của Duy và Ánh là sản phẩm có tính ứng dụng khá cao.

“Hiện nay, vấn đề TNGT đang nóng lên, các thiết bị mang tính ứng dụng kéo giảm TNGT rất thiết thực. Tuy nhiên, sản phẩm của Duy và Ánh mới chỉ được chạy thử chứ chưa được vận hành trong thực tế. Việc thử nghiệm và vận hành thực tế sẽ khác nhau nên thiết bị này cần phải hoàn thiện thêm. Tôi sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn các em hoàn thiện sản phẩm thiết thực này”, TS. Long nói.

Nguồn atgt.vn