Lực lượng liên ngành bảo đảm trật tự ATGT sông Đuống kiểm tra, đồng thời tuyên truyền về quy định đổi bằng cho thuyền viên
Tuy nhiên, đến nay số lượng cấp đổi gần như không đáng kể, gây nguy cơ quá tải cấp đổi vào thời hạn chót, thậm chí thuyền viên phải học lại, thi lại.
Thiếu thông tin, thuyền trưởng bất ngờ
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ (có hiệu lực 1/1/2015), bằng thuyền trưởng, máy trưởng phương tiện thủy các hạng chỉ có thời hạn sử dụng 5 năm. Luật này cũng nêu rõ, bằng được cấp trước năm 2015 được tiếp tục sử dụng đến hết 31/12/2019. Như vậy, trường hợp có nhu cầu tiếp tục sử dụng bằng được cấp trước năm 2015, chủ nhân phải làm thủ tục cấp đổi mới có giá trị sử dụng. Để triển khai quy định trên, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 56, có hiệu lực từ 1/1/2015, trong đó hướng dẫn chi tiết việc cấp đổi bằng, thuyền trưởng, máy trưởng.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, trường hợp thuyền trưởng, máy trưởng không kịp đổi bằng sẽ phải đối mặt với việc bị lực lượng chức năng xử phạt 2-3 triệu đồng. Đại diện Phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên cũng cho biết, trường hợp bằng quá hạn 31/12/2019 chưa đổi, thuyền trưởng, máy trưởng phải thi lại, học lại (tùy từng trường hợp thi lý thuyết, thực hành) mới được cấp đổi Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng mới.
Tuy nhiên, khảo sát của PV Báo Giao thông, đến nay sau hơn 3 năm triển khai, khá nhiều thuyền trưởng, máy trưởng chưa làm thủ tục cấp đổi bằng, cũng như không hề biết có quy định trên. Giữa tháng 7/2018, tại một bến thủy trên sông Đuống, thuyền trưởng tàu NB-6069 Trần Văn Hà (bằng thuyền trưởng hạng Nhì, cấp ngày 30/12/2014) rất bất ngờ khi nghe thông tin bằng của mình sẽ hết hạn sử dụng vào ngày 31/12/2019. “Làm gì có chuyện hết hạn. Các anh xem, bằng thuyền trưởng của tôi có ghi thời hạn gì đâu. Từ khi nhận được bằng cũng chẳng ai nói bảo bao giờ hết hạn?”, anh Hà tỏ vẻ ngạc nhiên.
Tương tự, chị Vũ Thị Hồng (tàu số đăng kiểm VR 16045689, Nam Định) không biết rằng, chiếc bằng máy trưởng hạng Ba của mình được cấp từ tháng 6/2012 chỉ còn hạn sử dụng đến hết năm 2019. “Em có nghe ai nói bằng sắp hết hạn đâu. Nếu có chuyện đó các tàu khác cũng phải đồn ầm lên rồi chứ. Bằng không ghi hạn sử dụng, sao hết năm sau lại hết hạn, lại phải đổi”, chị Hồng nói. Ngay cả chồng chị, người có bằng thuyền trưởng hạng Nhì cũng cho biết chưa được nghe thông tin này.
Không chỉ các trường hợp trên, một số thuyền viên của các phương tiện thủy khác khi được PV hỏi đều không biết có quy định về việc bằng thuyền trưởng, máy trưởng cấp trước năm 2015 sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2019 và phải cấp, đổi sang mẫu mới. Một số thuyền viên còn lo lắng vì không biết lý do vì sao phải đổi hoặc thủ tục, chi phí, thời gian khi được cấp đổi bằng.
Đề cập vấn đề trên, ông Đỗ Minh Tiến, Phó phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trước năm 2015 không có quy định về thời hạn sử dụng nên trên bằng thuyền trưởng, máy trưởng cũng không ghi thời hạn sử dụng. Ông Tiến cũng cho biết, các bằng được cấp trước năm 2015 chỉ có thời hạn sử dụng đến hết năm 2019.
Nguy cơ quá tải, thuyền viên gặp rắc rối
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện toàn quốc có tới hơn 376.000 bằng thuyền trưởng, máy trưởng và chứng chỉ chuyên môn các loại. Trong đó, từ năm 2015 đến nay cấp hơn 30.000 bằng thuyền trưởng, máy trưởng (hiện được thay bằng: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng). Dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ (do thống kê được thực hiện từ năm 2007, các địa phương không báo cáo đầy đủ, thuyền viên đã nâng hạng bằng...) nhưng số lượng bằng, thuyền trưởng máy trưởng phải cấp đổi ước tính từ hàng chục nghìn chiếc. Theo phân cấp, việc cấp đổi bằng do cơ quan đã cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng trước đó thực hiện (Cục ĐTNĐ Việt Nam, chi cục, sở GTVT các địa phương).
Về kết quả cấp đổi bằng, Phòng Quản lý phương tiện và thuyền viên Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đến nay chưa có số liệu về số lượng bằng phải cấp đổi, cũng như kết quả đã được cấp đổi trên toàn quốc. Còn theo tìm hiểu của PV, một vài số liệu ban đầu của các đơn vị, sở GTVT địa phương cho thấy, trường hợp đã cấp đổi không đáng kể.
Thực tế trên phần nào nói lên việc nhiều doanh nghiệp, thuyền viên chưa nắm được hoặc thiếu chủ động thực hiện quy định về việc phải cấp đổi bằng thuyền trưởng, máy trưởng. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng dồn ứ, quá tải tại các điểm cấp đổi bằng vào thời hạn cuối cùng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam thẳng thắn cho rằng, với tình hình hiện nay nguy cơ quá tải cấp đổi bằng thuyền trưởng, máy trưởng trong thời hạn cuối là có thật. Ông Giang cũng cho biết, đã chỉ đạo bộ phận chức năng khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, cấp đổi bằng trên toàn quốc để không xảy ra quá tải; đồng thời rà soát các quy định liên quan đến việc cấp, đổi bằng để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Theo Báo giao thông