Theo Thượng Tọa Thích Phước Lợi, sống chết là lý đương nhiên của kiếp người hữu hạn trên cõi đời này, nhưng đối với sự sống thì ai cũng muốn được sống; đối với sự chết thì không mấy ai chấp nhận, đó là lòng tham sống sợ chết. Do đó, chỉ trong phút chốc vô thường hay vì một giây phút bất cẩn, sẽ đưa đến tử vong mất mát, đau thương, tang tóc. Một phần do oan nghiệp, cộng nghiệp, biệt nghiệp của mỗi cá nhân; một phần do bất cẩn gây ra, nhất là không tôn trọng luật pháp; luật an toàn giao thong; không tôn trọng và bảo vệ tính mạng cho chính mình; cho người khác và cộng đồng xã hội. Vì thế, đã biết bao người phải chết, và biết bao người bị thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có 2.865 người chết vì tai nạn giao thông và 3.471 nghìn người đã phải chịu thương tật suốt đời. Như thế, trung bình mỗi ngày có 27 vụ tai nạn giao thông, làm 16 người chết vì tai nạn giao thong; là bấy nhiêu gia đình phải vĩnh viễn mất đi người thân. Tuy rằng, số lượng người chết cũng như số vụ tai nạn tuy có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng năm nay lại xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thảm khóc, thương tâm; trên thế giới nói chung và Việt Nam ta nói riêng – nhất là tai nạn về ngành hàng không.
Đây là lời cảnh báo nguy cấp mà mọi người chúng ta trong xã hội có trách nhiệm phải quan tâm, nỗ lực tuyên truyền, phát động mạnh mẽ hơn nữa thành cao trào thượng tôn luật pháp, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, an toàn xã hội; “Giữ gìn tính mạng như là giữ gìn hơi thở và tròng con mắt” của mọi người trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Đối với đạo Phật, vấn đề nhân quả là chính; Tránh được nhân, thì quả không có. Từ đó, nếu áp dụng luật nhân quả vào cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra rằng: “Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn. Lùi đi một bước, thoát được tai ương”. Nói chung, người điều khiển xe, lái xe phải lái bằng chính trái tim của mình, hãy lái bằng cả trái tim yêu thương, tâm hồn bình tĩnh, nhiếp tâm và khát vọng sống bình an. Nói khác đi, nếu tôn trọng luật pháp; luật an toàn giao thông thì không phải chịu quả báo xấu, đưa đến bán thân, mất mạng, đau thương, tang tóc, và chia ly, mà sẽ bảo vệ được tính mạng cho chính mình; cho người khác và cho cộng đồng xã hội; tạo được nét đẹp văn hóa, văn minh, an toàn giao thông trên mỗi nẻo đường đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thực trạng hiện nay, dù sao thì vấn đề đã có và xảy ra thường xuyên ngoài ý muốn của con người không tôn trọng luật pháp, tôn trọng sự sống và tôn trọng cộng đồng xã hội. Và vì, không tôn trọng luật pháp, an toàn giao thông nên đã gây ra biết bao cảnh con xa cha, vợ xa chồng, anh xa em, gia đình ly tán; đau thương trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam ta.
Hưởng ứng chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021 – 2030” theo tinh thần Nghị quyết A/47/L.86 ngày 01tháng 09 năm 2020 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc; thực hiện chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 119/TB-VPCP ngày 10 tháng 4 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ; hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” (15/11); chùa Kim Sơn kết hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau tổ chức sự kiện Đại lễ Tưởng niệm và Cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại tỉnh Cà Mau, với ý nghĩa “Tưởng nhớ người đi, vì người còn ở lại”.
Với tâm thanh tịnh, Phật lực, Pháp lực, nguyện lực gia trì; tâm từ bi vô hạn, không biên giới, bình đẳng dung thông, lời kinh tiếng kệ nhiệm mầu của Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử nhất tâm cầu nguyện, tạo thành một tổng hợp lực của hằng triệu triệu trái tim và tâm hồn thanh tịnh sẽ làm cho các vong linh, oan hồn uổng tử, nương nhờ công đức lực này mà được giải oan, siêu sanh thoát hóa; những người còn vướng tai ương bệnh tật sớm được bình phục, và an lành trong cuộc sống.
Thay mặt Ban trị sự Phật giáo tỉnh Cà Mau tỉnh Cà Mau; cùng toàn thể tăng ni và đồng bào Phật tử: thành thật chia sẽ sự mất mát lớn lao đối với người thân của từng cá nhân, gia đình nạn nhân đang hiện diện trong buổi lễ cầu nguyện này hay ở khắp mọi phương trời của vạn nẽo đường, thôn quê, thành thị trên đất nước Việt Nam chúng ta.
Đồng thời qua lễ tưởng niệm cầu siêu này, cũng là thông điệp của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cà Mau gửi đến Tăng Ni, Phật tử trong toàn tỉnh Cà Mau hãy cùng với cộng đồng xã hội, hãy vì cuộc sống bình yên cho chính mình, cho tha nhân và cộng đồng xã hội, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông trong thời gian tới. Đó, chính là ý nghĩa thiết thực, hành động cụ thể của chúng ta đối với những người đã khuất cũng như những người còn sống trong một xã hội văn minh, an toàn tuyệt đối do con người chúng ta tạo nên.
Với tinh thần từ bi và trí tuệ của Đạo Phật, vì lợi ích an lạc và sự sống của mọi người, việc tôn vinh giá trị văn hóa giao thông là việc làm cần thiết, tuyên truyền an toàn giao thông là trách nhiệm chung của mỗi người, trong đó có tăng ni và Phật tử chúng ta. Vì vậy, việc lồng ghép tuyên truyền về hiểu biết an toàn giao thông phải được tăng ni trụ trì các tự viện trong toàn tỉnh quan tâm hướng dẫn cho tín đồ Phật tử trong những thời khóa giảng dạy và tu tập.
Trong ý nghĩa thế giới chan hòa, duyên khởi của đạo Phật đối với người đã mất và những người còn sống; âm có siêu thì dương mới thới, người thác có siêu sinh thoát hóa, thì người sống mới an lòng, an dạ; gia đình yên vui hạnh phúc vừa thoát tai ương. Bằng Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của chư tôn đức tăng ni, tiếng kinh siêu độ, một nén hương tưởng niệm xin cầu nguyện cho chư hương linh những người đã mất do tai nạn giao thông sẽ được thanh thản về mặt tinh thần, an nhàn nơi cõi tịnh; Và đồng thời cầu nguyện cho những người còn sống luôn được hạnh phúc viên mãn và an lạc kiết tường như ý. Thành thật chia sẽ những mất mát đau thương với các thân nhân gia đình bị tai ương trong tình nhân loại; trong một xã hội chan chứa tình người; máu chảy ruột mềm, trong mối tương quan tương duyên cùng tồn tại trong cộng đồng xã hội Việt Nam./.
Hà Giang