Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Covid-19 có ảnh hưởng tới ATGT không?
Trong dư luận xã hội xuất hiện những băn khoăn về việc sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 gây nên những ảnh hưởng làm giảm hiệu lực thực tế trong việc thực thi kiểm soát vi phạm nồng độ cồn trong Nghị định 100/2019. Giải thích với những băn khoăn này, ông Trần Hữu Minh bày tỏ: “Nếu nói Covid-19 không gây ảnh hưởng gì tới công tác đảm bảo ATGT thì không đúng, nhưng cần nhấn mạnh rằng, sự ảnh hưởng là rất nhỏ”.
Bởi lẽ, Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc dập dịch và trên thực tế, khoảng thời gian các hoạt động giao thông bị gián đoạn bởi Covid-19 rất ngắn hoặc chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa phương dài nhất cũng chỉ khoảng 1 tháng. Vì vậy, hầu hết cả năm, các hoạt động của người dân liên quan đến giao thông vẫn duy trì tương đối bình thường, áp lực giao thông vẫn rất lớn. Điều này khác biệt hoàn toàn so với nhiều quốc gia trên thế giới khi phải giãn cách xã hội trong khoảng thời gian dài nhiều tháng, chi phối kéo dài đối với mọi hoạt động kinh tế - xã hội nên một số quốc gia có mức giảm TNGT rất mạnh, thậm chí lên tới mức giảm 30% trong năm qua.
Có thể khẳng định rằng, Covid-19 chỉ ảnh hưởng rất nhỏ tới công tác đảm bảo trật tự ATGT. Mức giảm TNGT kỷ lục trong năm qua có được chủ yếu là nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc đưa Nghị định 100 vào thực tiễn cuộc sống nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ của toàn xã hội, đồng thời là nỗ lực, kiên quyết rất cao của các lực lượng thực thi pháp luật.
Trong điều kiện diễn biến đại dịch Covid-19, việc thực thi Nghị định 100 vẫn diễn ra bình thường, kể cả việc kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo rất rõ ràng và các cơ quan chức năng về đảm bảo trật tự ATGT đã dựa trên cơ sở đó để đưa ra các quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong điều kiện Covid-19 phù hợp, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, một số địa phương có hạn về nguồn lực nên khi xảy ra dịch bệnh đã “dồn tổng lực” vào chống dịch dẫn tới việc tuần tra, kiểm soát giảm đi, nhưng không có nghĩa là không thực hiện.
“Phải khẳng định rằng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra bình thường trong điều kiện Covid-19 trên cả 63 tỉnh, thành phố. Lái xe sau khi uống rượu, bia vẫn bị xử phạt nghiêm, mạnh tay theo Nghị định 100, không có gì thay đổi”, ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Không bao giờ có “điểm dừng”
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù TNGT giảm sâu cả 3 tiêu chí, song, một trong những vấn nạn lâu nay vẫn hiện hữu là tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia, thậm chí vi phạm còn có dấu hiệu gia tăng. Hơn một năm qua, Nghị định 100 đã được triển khai rất tốt, tuy nhiên đợt bùng phát dịch tại một số địa phương trong giai đoạn Tết Nguyên đán đã khiến mọi sự chú ý dồn vào tình hình dịch bệnh, các phương tiện truyền thông cũng “giảm nhiệt” tuyên truyền về “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong đợt Tết vừa qua, tình trạng vi phạm nồng độ cồn điều khiển mô tô, xe máy, ô tô ở khu vực ngoài đô thị, tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều, đã xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe. Khu vực miền núi, dân tộc thiểu số là những nơi mà việc tiếp cận thông tin đại chúng còn nhiều khó khăn và công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện trong dịp Tết chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.
Để thay đổi thói quen vi phạm nồng độ cồn thì không thể chỉ trong ngày một, ngày hai là thực hiện được, không thể chỉ trong một năm mà thay đổi được hoàn toàn. Thực tế trên thế giới, nhiều quốc gia mất tới 10 năm, 20 năm mới thật sự thay đổi hoàn toàn ý thức, nhận thức này.
Ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ không bao giờ có “điểm dừng”. Tại Australia, kể cả khi người dân đã chấp hành rất tốt việc “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, từ đó lượng người vi phạm giảm mạnh thì việc kiểm soát nồng độ cồn của lực lượng chức năng sở tại vẫn được duy trì, thậm chí là thực hiện gắt gao hơn.
“Có thể dễ dàng nhận thấy, nếu giảm kiểm soát nồng độ cồn thì ngay lập tức vi phạm sẽ tăng mạnh trở lại. Các quốc gia phát triển trên thế giới cũng đều như vậy, vẫn kiên trì các hoạt động kiểm soát ngẫu nhiên, liên tục...”, ông Minh bày tỏ.
Nhớ lại những tháng đầu năm 2020, Nghị định 100 có hiệu lực đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ rất lớn của toàn dân, đi vào thực tiễn cuộc sống với tốc độ kỷ lục và được đánh giá là hiếm có quy định pháp luật nào lại được người dân ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ đến vậy. Điều đó đã cho thấy, việc xử lý tình trạng vi phạm nồng độ cồn tồn tại trong xã hội nhiều năm qua là một hành động rất đúng đắn và cần thiết.
“Chúng ta cần phải rất kiên trì thực hiện, duy trì, thậm chí là phải tăng cường hơn nữa hiệu lực xử lý vi phạm để thật sự thay đổi được ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông”, ông Minh khẳng định.
Cũng theo ông Minh, trong thời gian tới, công tác đảm bảo trật tự ATGT phải kiên trì, quyết tâm đối với vấn đề vi phạm nồng độ cồn, trong đó ưu tiên quan trọng hàng đầu là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, đi vào chiều sâu trong nhận thức của mỗi người, từ đó từng bước thay đổi ý thức và hành vi của người tham gia giao thông. Song hành với đó, cũng cần phải tiếp tục kiên quyết xử phạt gắn với truyền thông, tức là các trường hợp bị xử phạt cần phải thông báo rộng rãi tới người dân thì sẽ dễ dàng đi sâu vào nhận thức.
Theo Tạp chí GTVT