Trong khi đó, khu vực này chuẩn bị triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Biên Hòa - Vũng Tàu... đang gây áp lực lớn cho các nhà thầu.

Đất san lấp tăng hơn 100.000 đồng/m3

Một mỏ cát tại bến thủy ven sông Đồng Nai

Theo chân một giám đốc doanh nghiệp thi công cầu đường tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đi tìm mỏ đất để chuẩn bị thi công tuyến đường trên địa bàn, ghi nhận của PV cho thấy, dù đã mất cả buổi sáng nhưng không tìm được mỏ nào.

 “Tại huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú hiện đang đợi bổ sung 7 khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Vì thế giá đất đắp đã tăng vọt trong thời gian qua. Tháng 12/2022 một khối đất đắp là 130.000 đồng/m3 nay đã tăng lên 230.000 đồng/m3.

Chưa kể, giá đất đắp hiện tại cũng mới chỉ là đơn giá cho cự ly dưới 10km khoanh vùng theo xã, nơi mà đầu nậu có thể cung cấp.

Hiện có một số xã phải chở đất về theo giá của cự ly 15 - 20km khiến giá đất đắp sau thuế VAT lên đến 260.000 đồng đồng/m3”, vị giám đốc cho hay.

Theo khảo sát, để thi công tác tuyến cao tốc, vành đai trên địa bàn Đồng Nai cần hơn 14 triệu m3 đất, 2,57 triệu m3 đá xây dựng. Có 44 mỏ đất và 32 mỏ đát có giấy phép khai thác còn hiệu lực.

Trong khi tổng công suất khai thác các mỏ đá cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về đá xây dựng thì vật liệu đất đắp vẫn là bài toán nan giải.

Giá đá xây dựng liên tục tăng

Những ngày đầu tháng 4, trong vai nhân viên nhà thầu chuẩn bị thi công công trình giao thông, chúng tôi đã đi khảo sát giá vật liệu ở khu vực vựa cát, đá nằm ven sông Đồng Nai.

Tại bến thủy nội địa N.L, phường Hóa An (TP Biên Hòa), dù là ngày cuối tuần nhưng xe ben, máy xúc tấp nấp ra vào lấy hàng.

Tại đây, một nhân viên chào mời, báo giá bốc xếp tại bãi (chưa tính phí vận chuyển), cát loại 1 (cát vàng) với giá 350.000/m3, loại 2, loại 3 giá lần lượt 280.000/m3, 250.000m3.

Cách 500m, tại bến thủy nội địa thuộc công ty H.L.P, phường Hóa An (TP Biên Hòa), chuyên cung cấp đá xây dựng, chúng tôi được ông Danh, quản lý bến tư vấn với giá cả khác nhau.

Cụ thể đá lấy từ các mỏ ở Bình Dương bốc dỡ tại bến loại 1x2cm (loại 1) là 510.000 đồng/m3, đá khu vực mỏ Tân Cang khoảng 400.000 đồng/m3, khu vực mỏ đá Núi Nhỏ, Thiện Tân giá khoảng 370.000 đồng/m3.

Giá đá tại các mỏ Tân Cang, Soklu, Thiện Tân cũng đã chính thức điều chỉnh tăng giá từ đầu tháng 3 và tháng 4/2023 so với mức giá tháng 9/2022. Theo đó, giá tăng từ 259.672 đồng/m3 đồng lên 265.128 đồng/m3, chênh 5.456 đồng/m3. Các loại đá mi sàng, đá mi bụi cũng tăng từ 3.000 - 3.600 đồng/m3.

Không chỉ đất, đá mà cát san lấp, cát bê tông cũng tăng liên tục. Có thời điểm tăng từ 6.000 – 7.200 đồng/m3 vì khan hiếm.

“Quá sức bất hợp lý khi trong lúc địa phương đang trong giai đoạn đột phá về công trình hạ tầng mà giá vật liệu thi công liên tục tăng như thế này. Các nhà thầu thi công chịu sức ép về giá, đối diện với nguy cơ vỡ dự toán”, một đại biểu HĐND tỉnh nhận định.

Theo ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2025 có rất nhiều công trình hạ tầng trọng điểm của Trung ương, địa phương được triển khai. UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện rà soát, bổ sung thêm các khu vực, vị trí khai thác vào quy hoạch.

Đối với các huyện đã hoàn tất rà soát, phải có văn bản chính thức gửi Sở TN&MT để tổng hợp, đề xuất tỉnh bổ sung vào quy hoạch. Cần ưu tiên vật liệu cho các dự án trọng điểm, nhất là các dự án trọng điểm của Trung ương đi qua địa bàn như đường Vành đai 3, 4 TP.HCM, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Biên Hòa - Vũng Tàu.

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn triển khai sớm việc này, tránh tình trạng khan hiếm đất đắp ảnh hưởng đến tiến độ các dự án”, ông Phi khẳng định.

Vẫn vướng thủ tục cấp phép mỏ vật liệu

Đại diện Phòng TN&MT huyện Tân Phú cho biết, hiện địa phương vẫn đang loay hoay với việc quy hoạch các khu vực bổ sung vào quy hoạch mỏ đất phục vụ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc.

Trước đây, huyện Tân Phú có 3 khu vực được đề nghị bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, 3 vị trí này có một phần nằm trong quy hoạch đất rừng và một phần nằm trên địa bàn khu dân cư hiện hữu. Trữ lượng khoáng sản tại các vị trí này cũng không đáp ứng nhu cầu. Do vậy, cần khảo sát thêm để giới thiệu các vị trí phù hợp, có trữ lượng lớn.

Tại huyện Thống Nhất có 2 vị trí được đề nghị bổ sung quy hoạch mỏ đất thuộc địa bàn 2 xã Quang Trung và Xuân Thạnh với tổng diện tích hơn 196ha. Huyện Định Quán có 2 khu vực được đề nghị bổ sung thuộc địa bàn 3 xã Ngọc Định, Phú Lợi, Phú Hòa với tổng diện tích hơn 72ha. Mặc dù vậy, tất cả các vị trí này đều chưa được phép khai thác.

Theo tìm hiểu, trước đây, nguồn đất san lấp được tận thu từ các dự án chống sạt lở đồi nên có mức giá phù hợp. Nay các dự án đó đã tạm ngưng nên đất đắp khan hiếm, các đầu nậu san lấp sợ bị phạt nặng nên cũng không dám khai thác lậu như trước.

Theo ông Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trước đây địa phương chủ động hỗ trợ nhà thầu gia hạn các mỏ đất đắp phụ vụ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo ý kiến của Bộ TN&MT, 6 mỏ đất đắp phục vụ cho cao tốc không đủ điều kiện để gia hạn, phải cấp mới. Mà thủ tục cấp mới phải thông qua 12 bước, làm nhanh nhất phải 6 tháng.

Sau những vướng mắc trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 31 để tháo gỡ, yêu cầu tỉnh Bình Thuận cấp lại các mỏ đất cho dự án.

“Nhưng cụm từ “cấp lại” khiến tỉnh Bình Thuận lúng túng. Nếu chiếu theo quy định, từ “cấp lại” không có trong thủ tục Luật Khoáng sản. Cấp lại là cấp mới hay gia hạn? Trong nghị quyết chỉ lược bỏ hai bước, vậy 10 bước còn lại xử lý thế nào?”, ông Đăng nêu.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đây địa phương cố gắng vận dụng các thủ tục linh hoạt bằng cách cho phép hạ cốt nền đất nông nghiệp để phục vụ dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.

Tuy nhiên, mới đây Thanh tra Chính phủ vào thanh tra, cho rằng không có trong điều khoản nào để thực hiện việc này.

“Cần gia hạn lại, để sau này còn thực hiện nhiều công trình khác có nguy cơ thiếu đất đắp. Hiện tỉnh Đồng Nai cũng tắc trong việc gia hạn, phải chờ kết luận chính thức của đoàn thanh tra”, bà Hoàng nói.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, các mỏ cung cấp đá xây dựng phục vụ dự án Biên Hòa - Vũng Tàu gồm cụm mỏ đá Tân Cang, TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu, hiện có 20 mỏ đá xây dựng với trữ lượng còn lại là 248,7 triệu m3. Công suất cấp phép 19,1 triệu m3/năm, đủ khả năng cung cấp đá xây dựng để phục vụ thi công.

Về cát xây dựng có 2 mỏ cát xây dựng trên lòng hồ Trị An có trữ lượng còn lại 1,5 triệu m3, công suất cấp phép 0,4 triệu m3/năm là có thể cung ấp cho dự án. Tuy nhiên 2 mỏ này chỉ đủ dùng cho cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Để chuẩn bị nguồn vật liệu phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh, Đồng Nai đã khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu san lấp tại các huyện, thành phố. Tuy nhiên, các mỏ này vẫn đang trong quá trinh hoàn thiện thủ tục chưa được cấp phép khai thác.

Chú thích ảnh: Mỏ đất tại huyện Định Quán từng được khai thác, tận thu thuộc dự án chống sạt lở đồi. Sau khi nơi này tạm ngưng, giá đất san lấp trên cả huyện tăng hơn 100.000 đồng/m3.

Theo Báo Giao thông