Phương tiện xuồng, máy công suất nhỏ vẫn hằng ngày ra các cửa biển nhỏ để đánh bắt thủy hải sản ven bờ bất chấp nguy hiểm.

Huyện Ngọc Hiển có 2 mặt giáp biển, với địa bàn rộng, hệ thống sông ngòi chằn chịt, tập trung nhiều cửa sông nhỏ thông ra biển. Do đó, việc quản lý ra vào cửa đối với người dân đánh bắt thủy sản gần bờ hết sức khó khăn, đặc biệt là đối với các loại phương tiện có công suất nhỏ, thường là các loại xuồng gỗ, vỏ composit, máy đuôi tôm…

Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông huyện Ngọc Hiển, hiện trên địa bàn huyện có trên 500 phương tiện loại này. Đáng báo động là chủ phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, hằng ngày vẫn thường xuyên ra, vào tại các cửa biển nhỏ,không chịu sự kiểm soát của lực lượng biên phòng, để đánh bắt các loài thủy hải sản ven bờ. Theo ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết: “Đây hiện là vấn đề rất nan giải đối với địa phương, với địa hình có rất nhiều cửa sông thông ra biển, người dân tự phát trang bị phương tiện xuồng máy công suất nhỏ ra các cửa biển này để đánh bắt. Phía chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, có cả chế tài xử phạt nghiêm cấm không cho ra các cửa biển để khai thác thủy hải sản khi chưa được sự cho phép của các ngành chức năng. Tuy nhiên, đây phần lớn là những người dân nghèo di cư từ nơi khác đến, vì cuộc sống mưu sinh của mình nên hằng ngày họ vẫn bất chấp nguy hiểm đang rình rập, lén lút ra các cửa biển để khai thác thủy hải sản”.

Hai cha con ông Nguyễn Thanh Hùng, quê Cần Thơ, là 1 trong 40 hộ  hiện đang cư trú tại xã Đất Mũi đang đánh bắt theo kiểu này. Hằng ngày, cha con ôngphải rong ruổi xuồng máy cách bờ khoảng 2, 3 cây số để thả lưới,“Sóng to, gió lớn cỡ nào cũng phải đi!Chỉ trừ khi có bão, sóng lớn quá, khi đó, Bộ đội Biên phòng tuần tra kêu vào thì mới nghỉ thôi!” ông Hùng chia sẻ.

Chung xóm với nhà ông Hùng, gia đình anh Nguyễn Văn Chí, quê ở Sóc Trăng cũng cùng cảnh ngộ. Nhà anh Chí có 5 khẩu dắt díu vào xóm Mũi đã hơn 1 năm. Sống bằng cái nghề bỏ lưới gần bờ kiếm con tôm, con ghẹ này cũng không khấm khá là bao, thu nhập bấp bênh, bữa ít, bữa nhiều, có khi nhiều thì được vài trăm, khi ít thì chỉ được vài chục ngàn. Khó khăn là thế,  nên hằng ngày anh Chí và đứa con trai 14 tuổi Nguyễn Hữu Tài, đang học dang dở lớp 6, phải nghỉ học theo cha rong xuồng cách đất liền vài ba cây số để mưu sinh, bất chấp nguy hiểm đang rình rập. Chị Bành Thị Hằng vợ anh Chí bộc bạch “Hàng ngày 2 cha con ổng đi bằng chiếc vỏ nhỏ cũng thấy mất an toàn và sợ lắm, nhưng cuộc sống phải chịu, có sóng lớn thì chạy vô thôi”.

Hàng ngày em Tài vẫn thường theo cha ra biển bằng phương tiện võ composit máy đuôi tôm thả lưới.

Ông Võ Công Trường Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: “Chính quyền xã cũng đã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên sử dụng những phương tiện có công suất nhỏ ra cửa biển để đánh bắt thủy hải sản, tuy nhiên, tuyên truyền nhắc nhở chỉ là giải pháp tình thế, về lâu về dài xã sẽ đề xuất cấp trên, xin chủ trương hộ trợ vốn để người dân sửa sang phương tiện chuyển đổi ngành nghề, chuyển sang nghề dịch vụ đưa rước khách du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá khu du lịch Đất Mũi”.

Khó khăn nhọc nhằn, hiểm nguy nơi mũi đất là thế, nhưng vì cuộc sống mưu sinh hàng ngày vẫn còn nhiều người phải ra biển. Không riêng gì địa bàn huyện Ngọc Hiển, mà tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thực trạng phương tiện có công suất nhỏ lén lút ra, vào các cửa biểnđể tham gia đánh bắt thủy hải sản ven bờ,đang hàng ngày diễn ra ở mức báo động. Nó vừa làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro tai nạn giao thông thủy, đặc biệt là trong thời điểm vào mùa mưa bão.Việc thắt chặt quản lý phương tiện loại này tại các cửa biển là vấn đề bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, nhằm giảm thiểu những rủi ro,thiệt hại. Đừng để“mất bò, mới lo làm chuồng”

Chí Diện