Quá tải bệnh nhân chấn thương do TNGT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Đặc điểm tình hình TNGT cấp cứu tại bệnh viện
Là bệnh viện tuyến cuối, hạng đặc biệt chuyên khám và chữa các bệnh nhân mắc bệnh lý cần can thiệp phẫu thuật hoặc chấn thương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hàng năm khám cấp cứu nhiều bệnh nhân ngoại khoa, trong đó chủ yếu do tai nạn thương tích (TNTT), nguyên nhân cơ bản là do TNGT. Những năm gần đây, riêng TNGT mỗi năm có từ 15.000 đến trên 16.000 trường hợp. Riêng năm 2018, nạn nhân do TNGT đến cấp cứu tại bệnh viện là 16.319 trường hợp, đa số các nạn nhân có thương tích nặng nề như chấn thương sọ não (CTSN), đa chấn thương phải chuyển lên tuyến trên để điều trị và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại bệnh viện.
Qua tìm hiểu các trường hợp TNGT, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn liên quan phạm luật như không mang phương tiện bảo hiểm (đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không thắt dây an toàn khi lái xe ô tô), vượt quá tốc độ, không làm chủ được bản thân vì uống rượu bia và đồ uống có cồn, lạm dụng các chất kích thích…
Trong một nghiên cứu về cấp cứu TNTT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong 3 năm (2014 - 2016) với tổng số 65.021 trường hợp thì riêng TNGT là 45.954 trường hợp, chiếm 53,01% tổng số ca cấp cứu và chiếm 70,7% số TNTT chung.
Liên quan đến tử vong tại bệnh viện, trung bình mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có trên 1.000 trường hợp tử vong tại bệnh viện hoặc xin về chết tại nhà. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại bệnh viện vẫn là TNGT. Vị trí tổn thương cho thấy hầu hết bệnh nhân chấn thương tử vong trong tình trạng đa chấn thương, tiếp đến là CTSN và hàm mặt.
Hậu quả TNGT liên quan đến rượu bia
Chăm sóc nạn nhân CTSN do TNGT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Nhiều nghiên cứu thời gian qua đều cho thấy, TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, tử vong do TNGT chiếm tới 25% các trường hợp tử vong do TNTT chung. Những hậu quả liên quan đến TNGT, đặc biệt có liên quan đến sử dụng rượu bia và chất kích thích như sau:
Liên quan tuổi và giới:
Tại Thái Lan, mỗi năm có trên 12.000 người chết do TNGT. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, quá nửa các trường hợp tử vong do TNGT là trẻ em và người trẻ từ 15 đến 44 tuổi, ước tính khoảng 1,2 triệu người chết và khoảng 50 triệu người bị thương tích do TNGT hàng năm. Trong nghiên cứu các trường hợp tử vong ở Canada cho thấy, TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong so với các loại TNTT khác. Trong nhóm tuổi từ 15 đến 24 thì tử vong do TNGT chiếm tới 70%.
Tại Việt Nam trong 5 năm gần đây, mỗi năm có từ 10.000 đến trên 12.000 người tử vong do TNGT kèm theo hơn 20.000 người bị thương, chi phí cho TNGT chiếm nhiều nghìn tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức năm 2015 cho thấy, TNGT chiếm tỷ lệ 53,8%, hay gặp nhất là nam giới và lứa tuổi từ 20 đến 50 chiếm đa số. Cũng trong nghiên cứu từ năm 2014 đến 2016 tại bệnh viện về tử vong do TNGT cho thấy, nam chiếm 73,7%, nữ chiếm 26,3%, tuổi trung bình các nạn nhân tử vong là 43,8 ± 1,96 (tuổi còn khá trẻ).
Mức độ thương tổn:
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 1,4 triệu TNTT, có nhiều trường hợp do TNGT dẫn đến 50.000 ca tử vong, hầu hết là do CTSN; 80.000 đến 90.000 ca bị tàn phế lâu dài và khoảng 235.000 trường hợp cần phải vào viện điều trị. Một số báo cáo quốc tế gần đây cho thấy, CTSN và chảy máu chiếm tới 70% các trường hợp tử vong do chấn thương gặp nhiều do TNGT.
Nghiên cứu của Jason tại Philippines đã chỉ ra các trường hợp tử vong do thương tích thì mất máu là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 27,3%), tiếp đến là CTSN (18,4%). 63,7% số bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ đầu tiên do mất máu, 25,8% tử vong từ 24 đến 72 giờ do tổn thương thần kinh trung ương.
Các nghiên cứu trước đây tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho thấy rõ, mặc dù được khám cấp cứu kịp thời và tích cực nhưng số nạn nhân tử vong do TNTT còn cao do mức độ tổn thương nặng. CTSN luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cụ thể: Nghiên cứu của Đỗ Ngọc Hiếu thì tử vong do CTSN và đa chấn thương là 16,6% và 22,3%, của Nguyễn Đức Chính (2013) trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong, CTSN cao nhất tới 75,8% và hầu hết là nạn nhân TNGT.
Liên quan đến đội mũ bảo hiểm và uống rượu bia:
Những nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy uống rượu bia có ảnh hưởng đến TNGT và làm tăng nguy cơ tử vong. Số liệu báo cáo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức qua 3 năm 2014 - 2016 trên 14.556 CTSN thì có 2.131 trường hợp không mang mũ bảo hiểm, 3.613 mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc. Nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép là 1.933 trường hợp (13,3%), chủ yếu nam giới ở nhóm tuổi từ 20 đến 59 tuổi với CTSN mức độ nặng. Riêng 3 tháng đầu năm 2019 có 3.640 trường hợp TNGT cấp cứu tại bệnh viện, CTSN có 1.512 trường hợp, chiếm 41,5%, 262 trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép, chiếm 7,2%. Số liệu của Vũ Anh Tuấn (Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức nghiên cứu năm 2018 tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh) cho thấy tỷ lệ TNGT do lạm dụng rượu bia là 2,6% và 5,1%, nam giới chiếm gần 90%.
Hệ lụy TNGT liên quan đến uống rượu bia và đồ uống có cồn:
Về kinh tế: TNGT gây thiệt hại về cả người lẫn kinh tế, ảnh hưởng từng gia đình cũng như toàn xã hội. Thống kê cho thấy, riêng chi phí giải quyết TNGT tại các nước có thu nhập vừa và thấp chiếm tới 01% đến 02% thu nhập đầu người. Các nghiên cứu chỉ ra nạn nhân TNGT hầu hết đều còn trẻ, trong lứa tuổi lao động, là nguồn lao động chính nên hậu quả thiệt hại kinh tế là khá lớn.
Xã hội và pháp luật: TNGT xảy ra không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nạn nhân mà cả bản thân người uống cũng liên quan do tổn thương sức khỏe hoặc liên quan đến vấn đề pháp lý. Chăm sóc bệnh nhân TNGT làm tăng gánh nặng gia đình, xã hội vì mất nguồn thu nhập do ngày nghỉ.
Chăm sóc y tế: Thực tế hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn quá tải một phần lớn do phải chăm sóc các ca cấp cứu TNGT.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra các trường hợp TNGT có nồng độ cồn trong máu cao thường tổn thương nặng hơn những trường hợp nồng độ cồn trong máu thấp hoặc không có. Hơn nữa, tình trạng say rượu có thể gây nhầm lẫn với những trường hợp CTSN có hôn mê thực sự, nhiều khi làm chậm trễ quá trình xử lý cho người bệnh.
Kết luận:
Trong số những nạn nhân cấp cứu do TNGT tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì CTSN luôn chiếm đa số, hầu hết là nam giới và lứa tuổi trẻ từ 20 đến 59 tuổi. Nhiều trường hợp TNGT hoặc liên quan đến uống rượu bia khi tham gia giao thông, tỷ lệ nạn nhân có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép chiếm trên 7%.
Nhằm giảm bớt tỷ lệ mắc và tử vong do TNTT nói chung, đặc biệt là TNGT cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng tới cộng đồng về các mối nguy cơ, tập trung vào nam giới và các đối tượng trẻ tuổi.
Mục tiêu trước mắt vẫn là đẩy mạnh các chương trình về ATGT như đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia khi tham gia giao thông... Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp cưỡng chế đối với người gây TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông
Theo Tạp chí GTVT