Chưa bao giờ cộng đồng lại lan truyền câu nói "Đã uống rượu bia thì không lái xe" để nhắc nhở mình và cộng đồng nhiều như lúc này.
Đêm định mệnh của 2 người bạn thân và nữ lao công nghèo
Có lẽ dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng và xót xa khi đọc những dòng tin, xem những hình ảnh hiện trường về vụ tai nạn ở hầm Kim Liên đã cướp đi mạng sống của hai nạn nhân là chị Đinh Thị Hải Yến (SN 1976, ở Liễu Giai, quận Ba Đình) và chị Trần Thị Quỳnh (SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa).
Khoảng 0h10 ngày 1/5 tại hầm Kim Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chiếc xe Mercedes màu trắng mang BKS 30F-154.78 do một nam tài xế điều khiển đã va chạm với một xe máy có hai phụ nữ ngồi trên, khiến họ tử vong sau đó. Đáng chú ý, thời điểm xảy ra sự cố, tài xế ôtô Mercedes không dừng lại hiện trường để cứu chữa nạn nhân mà lái xe bỏ chạy. Người này chỉ bị bắt giữ khi cảnh sát và người dân đuổi theo khống chế trên đường Đại Cồ Việt, cách hiện trường khoảng 1 km.
Công an quận Hai Bà Trưng xác định tài xế điều khiển chiếc Mercedes gây tai nạn là Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú quận Ba Đình). Qua kiểm tra, công an phát hiện tài xế này có nồng độ là 0,75 mg/l khí thở. Tại cơ quan công an, tài xế Hiếu khai đêm 30/4 có dự liên hoan họp lớp tại một quán bia trên phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) sau đó đưa một số bạn về nhà.
Hiện trường vụ tai nạn tại hầm Kim Liên khiến 2 phụ nữ tử vong.
Trước đó không lâu, vào khoảng 23h ngày 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) lái chiếc Hyundai BKS 29A-784.09 lưu thông trên đường Vĩnh Hồ va chạm với 5 xe máy. Tuy nhiên, tài xế Tuyên không dừng xe, tiếp tục tăng ga di chuyển hướng Tây Sơn rồi chuyển sang đường Láng.
Tới trước số nhà 220 đường Láng, tài xế lái ôtô này đã đâm trúng nữ công nhân quét rác là chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Nam tài xế vẫn không dừng xe và tiếp tục tăng ga rời khỏi hiện trường. Thấy vậy, nhiều người đi đường chứng kiến vụ tai nạn đã đuổi theo. Tới trước số nhà 81 Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), người dân mới đuổi kịp, khống chế tài xế gây tai nạn và giao cho cơ quan công an.
Đây là hai vụ tai nạn thương tâm và gần đây nhất xảy ra ngay tại địa bàn Hà Nội. Nhưng không phải chỉ ở thành phố lớn, mà tại nhiều tỉnh thành khác cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới tài xế sử dụng rượu bia. Như tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chiếc Lexus tông trực tiếp vào đoàn người tham gia một tang lễ tại địa phương vào chiều 11/4. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong, 6 người bị thương nặng. Sau khi gây ra tai nạn, tài xế Huyện đã đến trụ sở công an địa phương trình diện. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định ông Huyện có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.
Hay vụ việc ở Lâm Đồng, tài xế Đỗ Thục Hân (SN 1996) điều khiển taxi BKS 49A-174.72 chở theo 5 hành khách di chuyển trên quốc lộ 20. Tới km198+200, đoạn qua thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), taxi va chạm với xe máy BKS 49V1-6202 di chuyển cùng chiều. Va chạm khiến taxi mất lái, tông trúng cây bên đường rồi lật ngửa. Sự cố khiến 3 người trên taxi tử vong, tài xế Hân và hai hành khách khác bị thương nặng. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng chức năng đã đưa các nạn nhân vào viện cấp cứu. Đồng thời kiểm tra, phát hiện tài xế taxi Đỗ Thục Hân có nồng độ cồn 1,108 mg/l.
Đã uống rượu bia, không lái xe - logo nhắc nhở an toàn cho chính bản thân và cộng đồng.
Chỉ cần uống 2 lon bia, 2 chén rượu mạnh, nguy cơ đâm chết người cao gấp 40 lần không uống
Giải thích vì sao rượu bia lại là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết do rượu làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ.
Nghiên cứu cho thấy người điều khiển môtô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50 mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng.
Bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết thêm: "Nam giới nặng 54 kg chỉ cần uống 2 đơn vị rượu (20 gr cồn nguyên chất tương đương với 2 lon bia 330 ml độ cồn 5%, 2 chén rượu mạnh 15 ml độ cồn 40%, 2 ly rượu vang 30 ml độ cồn 17% thì sẽ đạt khoảng 50 mg/dl".
Theo các chuyên gia, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một tỷ lệ lớn gánh nặng bệnh tật do sử dụng rượu bia phát sinh từ những thương tích không chủ ý và cố ý gồm tai nạn giao thông, bạo lực và tự tử, các thương tích gây tử vong liên quan đến rượu bia xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi tương đối trẻ.
Trong đó, rượu bia là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Trong năm 2016, tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu chiếm 41% tổng số ca tử vong do thương tích có liên quan đến rượu bia.
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia của Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Cho đến nay, mới có Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu và Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Song, đây mới là chính sách mang tính định hướng và cần được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao.
Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng dự thảo luật, sau nhiều nỗ lực, dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu và hiện được tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 trong kỳ họp lần thứ 7 của Quốc hội dự kiến vào tháng 5/2019.
Hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang nỗ lực xin ý kiến các đoàn đại biểu quốc hội về dự thảo luật, đặc biệt là các giải pháp để kiểm soát, ngăn ngừa sử dụng rượu bia ở giới trẻ.
Theo Zing