Hệ thống chống bó phanh (ABS viết tắt của Anti-lock Braking System được dịch từ tiếng Đức Antiblockier system) là một hệ thống trên ô-tô/xe máy giúp cho bánh xe của phương tiện luôn quay và bám đường trong khi phanh, chống lại việc bánh xe bị trượt trên mặt đường do má phanh bó cứng tang phanh hoặc đĩa phanh.

Cấu tạo phanh ABS trên xe máy

ABS về cơ bản là một hệ thống hoạt động dựa trên các 4 cảm biến: lực phanh, tốc độ quay, khả năng cân bằng và độ trượt nhằm phát hiện khi các vấn đề này vượt quá giới hạn an toàn.

Bộ điều khiển ECU nhận dữ liệu từ cảm biến, phân tích và điều khiển lực lên má phanh thông qua piston và xi-lanh của bơm thủy lực. Cơ chế bóp, nhả liên tục (từ 15 - 30 lân/giây) giúp hạn chế lực tác động quá mạnh của má phanh vào đĩa phanh, giữ bánh xe vẫn quay nhưng không bị khóa cứng.

Tình huống nguy hiểm qua đi, hệ thống sẽ tái áp dụng lực phanh lớn nhất để xe dừng lại nhanh hoặc cho tới khi phát hiện mối nguy khóa bánh mới. Tính năng hỗ trợ này hữu ích trong các tình huống xe di chuyển ở tốc độ cao, qua đường trơn, trượt.

Phanh ABS mang lại sự an toàn tuyệt vời cho xe máy

Tuy nhiên, tại Việt Nam không nhiều xe máy được trang bị tính năng an toàn này, mà chỉ có một số dòng xe tay ga hạng sang như SH 125/150 của Honda, NMAX của Yamaha, Vespa Primavera 2017/Liberty 2016 ABS...của Piaggio. Trong khi đó, các mẫu xe thường đi với tốc độ cao như Honda Winner 150, Yamaha Exciter 150, Suzuki Raider...thì lại không được trang bị phanh ABS, điều này dẫn đến nhu cầu độ lắp phanh ABS cho xe máy.  

Câu hỏi đặt ra là có nên độ phanh ABS cho xe máy không?

Nên?

Đương nhiên là khi lắp hệ thống phanh này cho xe máy trên lý thuyết sẽ giúp xe an toàn hơn trong quá trình di chuyển, đặc biệt là với những dòng xe tay côn phân khối trên 150cc.

Không nên?

Lý thuyết một đằng, nhưng thực tế như thế nào?

Phanh ABS nó không chỉ "1 cái" mà là một hệ thống với cảm biến, ECU, bảng điều khiển riêng...nhưng cái riêng này cũng ảnh hưởng đến "cái chung" tức là hệ thống điện của xe máy. Việc can thiệp vào hệ thống điện một cách cẩu thả có thể dẫn đến các nguy cơ chập/cháy hệ thống điện của xe và dẫn đến các tình trạng nguy hiểm cho xe (đề xe gặp vấn đề, đèn xe hoặc còi xe bị hỏng...).

Không chỉ vậy, do nó là một hệ thống hoạt động dựa vào khả năng chẩn đoán tự động từ cảm biến và bộ điều khiển trung tâm, nên nếu hệ thống này không chất lượng có thể gây ra những trục trặc trong quá trình hoạt động. Trên thực tế, ngay cả những chiếc xe mà bản thân zin của nó được trang bị ABS cũng nhiều khi bị hãng thu hồi vì trục trặc liên quan đến phanh ABS. Vì vậy, không có điều gì đảm bảo khi được "độ phanh ABS" thì hệ thống phanh của bạn sẽ luôn hoạt động trơn chu.

Có thể nhận thấy rằng việc lắp thêm phanh ABS không được bất kỳ Head hoặc trung tâm sửa chữa chính hãng nào của thực hiện, do đó muốn thực hiện độ phanh ABS cho xe máy bạn cần đến các cửa hàng chuyên độ xe, do đó điều quan trọng là phải tìm được nơi độ ABS chuyên nghiệp nhất (điều này giống như trò chơi may rủi vậy).

Honda Winner và Yamaha Exciter là những dòng xe có nhu cầu độ phanh ABS nhiều nhất

Hiện nay, giá độ phanh ABS cho xe máy rơi vào khoảng từ trên 10 triệu đồng, và thời gian thực hiện được nhiều cửa hàng giới thiệu chỉ trong 1 giờ.

danviet.vn