Ảnh minh hoạ
Các nhóm đối tượng chính Dự án hướng tới là học sinh tiểu học và trung học cơ sở, phụ huynh học sinh, cộng đồng và chính quyền tại địa phương bao gồm Ban An toàn giao thông, giáo viên, và Cảnh sát giao thông.Để đạt được mục tiêu tổng thể của Dự án, Cơ quan thực hiện Dự án sẽ làm việc theo các mục tiêu có thể đo lường được sau đây:
- Xây dựng mối quan hệ hợp tác với chính quyền địa phương để triển khai đa giải pháp can thiệp về ATGT đường bộ nhằm cải thiện sự an toàn cho trẻ em;
- Xây dựng, triển khai và đánh giá các giải pháp can thiệp về kỹ thuật công trình, giáo dục và cưỡng chế để giải quyết những vấn đề về ATGT đường bộ đối với trẻ em trên các tuyến đường từ nhà đến trường;
- Nâng cao nhận thức trong cộng đồng (gồm cả phụ huynh học sinh) về các vấn đề về ATGT đường bộ cho trẻ em;
- Xây dựng cuốn Cẩm nang Chương trình tuyến đường an toàn cho Việt Nam;
- Theo dõi và đánh giá thực hiện dự án.
Hà Nam, nhân rộng mô hình từ hiệu quả của Dự án
Một tiết học ATGT của dự án “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn” tại Hà Nam. Ảnh minh hoạ
An toàn đường đến trường, về nhà
Trường tiểu học Lương Khánh Thiện nằm trên đường Lê Lợi (phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý), cạnh Trường THCS và Trường mầm non Lương Khánh Thiện, bên cạnh đó là chợ Bầu sầm uất, nên khu vực cổng trường rất đông phương tiện qua lại.Nhưng giờ tan trường khu vực cổng trường Lương Khánh Thiện khá thông thoáng, không có học sinh tụ tập; Học sinh ngồi sau xe máy cha mẹ đón về đều đội MBH, những học sinh đi bộ ra khỏi trường đi sát lề đường bên phải…
Theo đánh giá của nhà trường, trước đây trường vẫn còn hiện tượng học sinh tan học tập trung trước cổng trường, dàn hàng hai, hàng ba dưới lòng đường, nô đùa trên đường đi, không đội MBH khi ngồi sau xe máy… Từ khi thụ hưởng dự án “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn”, mỗi tháng các lớp đều có ít nhất một tiết học ATGT. Trong tiết chào cờ đầu tuần, trường đều lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục ATGT. Trường cũng thành lập Đội TTATGT để kiểm tra, nhắc nhở học sinh và phụ huynh chấp hành nghiêm Luật GTĐB.
Khác với cách dạy khô khan thông thường, những tiết học về ATGT của dự án này sôi nổi hơn hẳn nhờ bài giảng điện tử có minh họa bằng hình ảnh thực tế, phương pháp thảo luận theo nhóm, có thực hành trên hệ thống sa bàn tại sân trường Vì vậy, cả giáo viên và học sinh đều hứng thú, tạo hiệu quả cao hơn.
Nhiều phụ huynh đưa rước con đi học cho biết, trong buổi họp đầu năm học, phụ huynh đã được nhắc nhở đón con đúng vị trí, chấp hành đúng Luật GTĐB. Các con đi học về thường xuyên nhắc bố mẹ đi đúng phần đường, dừng đúng đèn đỏ, đội MBH khi lên xe máy. “Mình muốn vi phạm cũng khó, vì con nhắc nhở liên tục. Như thế, phụ huynh thấy yên tâm vì con an toàn hơn”, chị Hằng tâm sự.
Sau khi triển khai dự án “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn”, công tác giảng dạy ATGT tại các trường có nhiều thuận lợi, chất lượng dạy và học được nâng cao nhờ giáo án sinh động, phù hợp, có sa bàn, mô hình thực tế. Nhiều trường học bố trí thêm chỗ cho phụ huynh đưa đón học sinh. “Hiệu quả rõ nhất của dự án là ý thức học sinh khi tham gia giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng học sinh không đội MBH khi ngồi trên mô tô; Hiện tượng tụm năm, tụm ba sau giờ tan học trước cổng trường đã không còn; Hiện tượng học sinh đi hàng hai, hàng ba trên đường giảm hẳn.
Nhân rộng mô hình
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh Hà Nam, địa phương có 140 trường tiểu học với 57.113 học sinh, 120 trường THCS với 44.741 học sinh và 26 trường THPT với 24.988 học sinh. Nhiều trường học nằm ven quốc lộ, tỉnh lộ, nên công tác giảng dạy ATGT, đảm bảo ATGT trường học được địa phương đặc biệt chú trọng.
Từ năm học 2012 - 2013, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu đã chọn Hà Nam là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai dự án “Đi tới trường an toàn - Về đến nhà an toàn” với mục tiêu giảm tử vong và thương tích do tai nạn đường bộ liên quan đến học sinh. Đến nay đã có 7 trường tiểu học và 2 trường THCS tại Hà Nam được chọn thụ hưởng dự án này.
Bà Trịnh Giang Oanh, Giám đốc Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu ở Việt Nam cho hay, chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật TTATGT cần có thời gian. “Sau ba năm triển khai dự án ở Hà Nam, chúng tôi đã thấy được sự thay đổi tích cực trong công tác giảng dạy và đảm bảo TTATGT học đường. Mong rằng khi dự án kết thúc, các trường vẫn tự giác gìn giữ các tài liệu, trang thiết bị đã được trang cấp để phát huy hiệu quả đảm bảo TTATGT và địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các địa bàn”, bà Oanh đề xuất.
Theo Ban ATGT tỉnh Hà Nam, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT sâu rộng trong cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn nhất cho học sinh trên các tuyến đường từ nhà đến trường đối với các trường được thụ hưởng dự án. Đồng thời, sẽ đề xuất nhân rộng mô hình dự án ra các trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Ninh cải thiện công tác giáo dục ATGT thông qua Dự án
Từ đầu năm học mới 2015-2016, học sinh các khối lớp tại trường Tiểu học Vệ An (thành phố Bắc Ninh) mỗi tuần có thêm một tiết học mới về trật tự ATGT. Khác với cách dạy khô khan thông thường, những tiết học về ATGT sôi nổi hơn hẳn nhờ sự hỗ trợ của hệ thống máy chiếu và phương pháp học thảo luận theo nhóm. Các điều luật, biển báo, tình huống giao thông thường gặp trên đường đi học và về nhà của các em được thể hiện sinh động trong bài giảng điện tử, minh họa bằng nhiều hình ảnh, video thực tế. Ngoài giờ học lý thuyết trên lớp, một tháng 2 lần học sinh các lớp lần lượt được thực hành các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông đường bộ trên hệ thống sa bàn trước toàn trường. Cách dạy và học mới mẻ này tạo sự hứng thú cho các em học sinh và cả các thầy cô giáo được tập huấn, tham gia dự án.
Giảng dạy ATGT bằng phần mềm điện tử. Ảnh minh hoạ
Các thầy cô Trường Tiểu học Vệ An cho đánh giá: “Khi đón nhận dự án, toàn thể giáo viên và học sinh đều rất phấn khởi. Hệ thống máy chiếu, sa bàn đặc biệt là giáo trình được biên soạn kỹ lưỡng, sáng tạo, theo hướng mở đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho thầy và trò nhà trường thực hiện các tiết học về ATGT đạt hiệu quả cao. Quan trọng hơn cả là qua đó đã thu hút được sự yêu thích, quan tâm của các em học sinh vào vấn đề ATGT, trang bị, rèn luyện cho các em các kỹ năng thiết thực để tham gia giao thông an toàn trong cuộc sống thường ngày”.
Đối với Trường Tiểu học Việt Hùng số 2 (huyện Quế Võ) thì hiệu quả rõ rệt nhất của dự án thể hiện ở việc tình trạng ùn tắc, va chạm, tai nạn giao thông hầu như không còn xảy ra ở khu vực cổng trường vào các giờ đến lớp và tan học. Nằm sát Quốc lộ 18 nơi thường xuyên có các xe tải, xe container lớn chạy qua, mật độ tham gia giao thông lớn khiến từ lâu, nơi đây trở thành điểm nóng về ATGT của xã. Khi bắt đầu triển khai dự án, Ban ATGT tỉnh đã tiến hành khảo sát và đề nghị tỉnh khẩn trương lắp đặt giải phân cách giữa lòng đường và sơn vạch kẻ dành riêng cho người đi bộ sang đường tại khu vực cổng trường. Cùng với các tiết học về ATGT, các giờ thực hành trên sa bàn, học sinh đã nắm vững được các quy định, nguyên tắc tham gia giao thông bảo đảm an toàn. Có thể khẳng định qua gần 6 tháng triển khai thí điểm, dự án “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn” đang phát huy hiệu quả rất tích cực.
Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao sự nỗ lực của các trường được chọn làm thí điểm trong việc đưa dự án sớm đi vào nền nếp. “Mặc dù được triển khai trong một thời gian ngắn nhưng những sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu trực quan… từ dự án đã được các nhà trường áp dụng linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía học sinh, phụ huynh. Đây là tín hiệu đáng mừng, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất của dự án là nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh, giáo viên, phụ huynh, giảm tỷ lệ tử vong và thương tích do TNGT đường bộ ở trẻ em, đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan đơn vị liên quan, bảo đảm an toàn giao thông cho các em khi đến trường và khi về nhà”.
Ảnh minh hoạ
Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 trên toàn quốc được tiếp nhận dự án “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn” từ sự hỗ trợ của tổ chức An toàn đường bộ toàn cầu. Việc triển khai thí điểm dự án tại hai trường Tiểu học Vệ An và Việt Hùng số 1 cần được kiểm tra, rút kinh nghiệm thêm nữa nhưng những kết quả ban đầu đã cho thấy hiệu quả rất tích cực của dự án đối với công tác giáo dục ATGT trong nhà trường và là cơ sở để dự án tiếp tục được duy trì, nhân rộng trong thời gian tới./.
Nguồn Internet. Hà Giang tổng hợp