Từ nhiều chục năm qua, chính quyền các thành phố lớn thường xuyên có các chiến dịch lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, chưa đời chủ tịch thành phố nào thành công. Vỉa hè bị lấn chiếm luôn là vấn đề nóng, nhưng lại quá khó để giải quyết.
Tân Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Sỹ Thanh cũng vừa có kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm giao thông, trật tự đô thị và công cộng, trong đó có yêu cầu trả lại nguyên trạng vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ.
Lần này Hà Nội có thành công? Và để thành công Hà Nội, các thành phố cần làm gì?
Báo Giao thông mở diễn đàn về vấn đề này, mong nhận được hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.
Các ý kiến xin gửi về hộp thư bandoc@baogiaothong.vn.
Ở hai bên vỉa hè dọc tuyến đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có hàng trăm hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán
Bài 1: Chiếm vỉa hè, hết chiến dịch lại về "số 0"
Theo kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, từ ngày 15 - 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Giao thông tới ngày 24/2, hàng loạt vỉa hè ở Hà Nội vẫn bị hàng quán bủa vây, phục vụ cho hoạt động kinh doanh cá nhân, chiếm lối đi của người đi bộ.
Trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa), gần như vỉa hè bị các cửa hàng quần áo chiếm dụng kín làm nơi bày bán hàng hóa, chỗ để xe của nhân viên và khách hàng, người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường.
Dọc tuyến đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) có hàng trăm hộ kinh doanh ngang nhiên bày bán các mặt hàng và để xe trên vỉa hè. Tuyến đường dài khoảng 400m ngập tràn những kệ bán hàng hóa, xe máy.
Chủ cửa hàng bán hoa Anh Tú nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc thừa nhận: "Dù biết là vi phạm, ảnh hưởng ATGT, nhưng hộ nào cũng lấn chiếm, mình không lấn chiếm thì rất khó bán được hàng do tầm nhìn bị ảnh hưởng".
Xe của lực lượng chức năng đi ngang qua một tuyến phố vỉa hè bị lấn chiếm gần hết, người đi bộ phải đi xuống lòng đường
Những chiến dịch giành lại vỉa hè thất bại
Nhìn nhận về trật tự vỉa hè ở các đô thị, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, vỉa hè luôn là vấn đề dư luận rất quan tâm, bức xúc.
"Rất nhiều năm qua, chính quyền, lực lượng chức năng ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… đã ra quân để lập lại trật tự vỉa hè. Có những thời điểm, nhiều địa phương đã đưa ra những giải pháp mạnh để xử lý vỉa hè. Nhưng sau đó tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tiếp diễn", ông Tạo nói.
Còn nhớ, 2 năm 2014 - 2015 được Hà Nội lựa chọn là "Năm trật tự văn minh đô thị" trong đó, đặt trọng tâm vào "Trật tự ATGT, đảm bảo đường thông, hè thoáng". Thời điểm đó, lãnh đạo Hà Nội nhìn nhận công tác quản lý vỉa hè, lòng đường của Hà Nội còn yếu, nên phải nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
"Trước đây chúng ta đã làm rất nhiều nhưng chưa đạt hiệu quả, vì thế đợt này chúng ta sẽ tập trung giải quyết triệt để", Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đến giai đoạn năm 2016 - 2017, Hà Nội quyết liệt áp dụng nhiều giải pháp mạnh để lập lại trật tự vỉa hè, với những hoạt động rất cụ thể như đưa máy xúc đập bậc tam cấp ở những nhà mặt đường vi phạm; cưỡng chế dọn dẹp, tịch thu, xử phạt những biển quảng cáo, hàng quán chiếm vỉa hè, xe cộ dừng đỗ dưới lòng đường... Thậm chí, một số phường lập chốt canh để chống tái lấn chiếm.
Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó thể hiện quyết tâm bằng tuyên bố nếu không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh "chỗ nào của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường hay lãnh đạo sở, ngành" đứng sau.
"Có thể cách chức trưởng công an phường nếu không xử lý được vi phạm trật tự vỉa hè"; "Tôi thống kê 180 quán bia trên vỉa hè thì có 150 quán công an đứng đằng sau", ông Chung nói.
Chủ cửa hàng bán dép dựng rạp, kê dép ra bán ở khu vực vỉa hè phố Hàng Dầu
Tới thời điểm ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội (từ tháng 9/2020 - 6/2022), do dịch Covid-19 đang bùng phát nên các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê, hoạt động buôn bán ở vỉa hè phải tạm dừng, nên vỉa hè bớt bị lấn chiếm.
Sau khi dịch Covid-19 hết giai đoạn bùng phát, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có những chỉ đạo, yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt tình trạng phương tiện trèo lên vỉa hè để di chuyển trong giờ cao điểm gây nguy hiểm cho người đi bộ và hư hỏng vỉa hè.
Gần đây nhất, cuối năm 2022, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu rà soát tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố.
Tại TP. HCM, có giai đoạn, Quận 1 đẩy mạnh thực hiện xử lý vi phạm vỉa hè với quyết tâm của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận lúc đó. Việc này đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, phong trào cũng lan tỏa ra các quận, huyện khác, các tỉnh thành cả nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau tất cả các chiến dịch, giải pháp rầm rộ, vỉa hè chỉ phong quang được vài tháng, thậm chí vài hôm, rồi lại bị tái lấn chiếm.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải nhìn nhận, Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị lớn đã ra quân mười mấy năm nay để lập lại trật tự vỉa hè nhưng không có kết quả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó một nguyên nhân chính là nguồn lợi từ hoạt động kinh tế trên vỉa hè rất lớn và đang chảy vào túi các tổ chức, cá nhân riêng lẻ.
Các chuyên gia cho rằng cần phải có kế hoạch căn cơ để tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" trong việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ
Đua nhau lấn chiếm vỉa hè vì lợi ích
Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Vỉa hè và lòng đường chỉ được sử dụng cho các mục đích giao thông; đối với những trường hợp sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT và việc sử dụng vào mục đích khác này sẽ do UBND cấp tỉnh quy định riêng.
TS. Khương Kim Tạo khẳng định, chức năng của vỉa hè là dành cho người đi bộ. Nhưng nhiều năm qua, vỉa hè đã bị lấn chiếm làm nơi đỗ xe, kinh doanh buôn bán, là nơi để xe máy leo lên đi cho nhanh mỗi khi đường phố ùn tắc…
Vỉa hè bị lấn chiếm buộc người đi bộ phải đi dưới lòng đường hoặc len lỏi với hàng quán, xe cộ trên vỉa hè, vừa không thuận lợi vừa nguy hiểm.
Nói về nguyên nhân các chiến dịch giành lại vỉa hè thất bại, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Thủy - chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc dẹp vỉa hè thiếu kiên trì, thậm chí có những người đứng đầu là chủ tịch các quận, phường không hoạt động, không quan tâm mới xảy ra tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" hàng chục năm qua.
Ngoài ra, bà Thủy cũng nêu thực trạng thu lợi từ việc lấn chiếm vỉa hè khiến công tác xử lý vi phạm gặp khó khăn.
"Đến bản thân chúng tôi đi khảo sát ở một số quán vỉa hè, họ cũng than phải nộp phí hàng tháng cho chính quyền mới tồn tại được. Trên địa bàn TP Hà Nội có hàng trăm tuyến phố lớn, nhỏ và cả nghìn hàng quán kinh doanh buôn bán vỉa hè. Nếu vị trí nào cũng phải mất phí cho nhóm lợi ích, vậy số tiền hàng tháng sẽ rất lớn. Nhưng tiền này không vào ngân sách Nhà nước mà lại đút túi tư lợi riêng", bà Thủy nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thẳng: "Nguyên nhân chưa dẹp được vỉa hè là do lợi ích nhóm và người dân đang thiếu việc làm chưa được bố trí".
Theo ông Liên, Hà Nội nhiều lần đặt ra quyết tâm dẹp vỉa hè để dành đường cho người đi bộ, tránh ách tắc giao thông. Mục tiêu thì tốt, nhưng việc thực hiện trì trệ kéo dài, gần như chẳng có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này thời gian qua.
"Một số vị trí vỉa hè được thu với số tiền từ 3 - 5 triệu đồng tùy từng vị trí. Lực lượng chức năng đi kiểm tra cho có hình thức xong đâu lại vào đó. Hàng tháng, người dân mang tới nộp và chính quyền ăn chia với nhau gọi là lợi ích nhóm. Tức là cả một tập thể ăn chia với nhau từ trên xuống dưới. Điều này chúng tôi biết rất rõ vì chúng tôi sống với dân", ông Liên nhấn mạnh.
Theo Báo Giao thông