Nghi thức mở biển tên cầu Vàm Cống. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Dự án cầu Vàm Cống được khánh thành, đưa vào khai thác vào đúng vào dịp Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2019).

Tuy không phải là cầu dây văng đầu tiên nối nhịp đôi bờ sông Hậu nhưng chính sự kết nối của cầu Vàm Cống có vị trí quan trọng, giúp người dân thoát cảnh lụy phà. Qua đó, phát huy hiệu quả khai thác của hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  

Không còn cảnh "qua sông phải lụy phà" 

Đã từ rất lâu, Đồng Tháp được ví như là vùng đất “khuất nẻo”, nhưng kể từ nay, sự kết nối với vùng đất Tây Đô, niềm tin giao thông thông thương sẽ giúp địa phương cất cánh. Do đó, ngay từ sáng sớm ngày cầu Vàm Cống hoạt động, người dân đã háo hức tập trung chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này. 

Có mặt tại chân cầu từ sáng sớm, bà Phạm Bạch Huệ, 83 tuổi ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết, chứng kiến từ những ngày đầu khởi công cầu, sau 6 năm thi công ròng rã thì cuối cùng cầu đã được thông xe. Giấc mơ nối nhịp đôi bờ giờ đã thành hiện thực. Một công trình lớn hiện ra như một giấc mơ giúp những người dân sống bên bờ sông Hậu không còn cảnh qua sông phải lụy phà. 

Anh Nguyễn Hữu Đạt, ở xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, gần một năm sau khi cầu Cao Lãnh được khánh thành, bà con Đồng Tháp đón thêm niềm vui khi có cầu Vàm Cống. Giờ đây, mỗi dịp đi Cần Thơ, An Giang hay Kiên Giang, thời gian sẽ được rút ngắn rất nhiều, đặc biệt không còn cảnh mòn mỏi đợi phà vì cảnh kẹt phà kéo dài hàng km trong nhiều giờ liền. 

Đông đảo người dân Đồng Tháp vui mừng khi đặt chân lên chiếc cầu nối liền đôi bờ Cần Thơ và Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, dự án cầu Vàm Cống được khởi công vào tháng 9/2013. Đây là một trong các công trình góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng. 

Đối với riêng Đồng Tháp, đây sẽ là cơ hội chuyển mình vươn lên cùng với các địa phương khác trong vùng. Bởi lẽ, cùng với cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống giúp thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá. Từ đó, thúc đẩy giao thương, góp phần thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn tỉnh. 

Tuyến N2, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hình thành một trục dọc giao thông đường bộ thứ 2 từ Tp. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam bộ. Nhưng, hiện tại tuyến Cao Lãnh - Mỹ An (tuyến nối giữa cầu Cao Lãnh và Quốc lộ N2) chưa triển khai, nên khi thông xe toàn tuyến nối giữa cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh, nhiều khả năng sẽ xảy ra ùn tắc cục bộ khi xe phải đi vào Quốc lộ 30 thuộc địa phận phận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Nguyên nhân là do quốc lộ này đã xuống cấp. Vì vậy, các phương án như cải tạo, thảm nhựa Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - An Hữu, triển khai dự án cao tốc song song với Quốc lộ 30 hiện hữu đang được tính đến để tạo sự thông thoáng, thuận lợi nơi cửa ngõ vào Đồng Tháp. 

Thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Đồng bằng sông Cửu Long 

Bày tỏ niềm vui trong ngày khánh thành cầu Vàm Cống, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng, đây là cây cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tỉnh trong khu vực.

Bởi lẽ khi hoàn thành đưa vào sử dụng thì cầu Vàm Cống sẽ góp phần rất lớn cho việc đi lại của người dân hai bên bờ sông Hậu, cũng như việc thông tuyến quốc lộ phía Tây của Tổ quốc. Đặc biệt, cầu Vàm Cống sẽ đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực, trước hết là Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang. 

Người dân lưu thông qua cầu Vàm Cống sau khi thông xe. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo ông Thống, các sản phẩm chính của Đồng bằng sông Cửu Long là từ nông nghiệp. Đây là các mặt hàng có trọng lượng lớn, phụ thuộc rất nhiều vào vận tải. Khi cầu Vàm Cống được khơi thông, ngoài vận chuyển hành khách, phục vụ người dân đi lại, cầu có ý nghĩa rất lớn trong vận chuyển hàng hóa. 

“Thời gian lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết. Người dân sẽ được hưởng lợi nhiều từ dự án này, nhiều nông sản chủ lực sẽ được đưa lên Tp. Hồ Chí Minh một cách nhanh nhất”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ nói. 

Bà Phạm Thị Lẹ, ngụ xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ cho hay, nhà bà nằm gần đường dẫn của cầu Vàm Cống. Kinh tế của người dân ở khu vực này chủ yếu là trồng lúa và rau màu, dưa hấu. Trong nhiều năm qua, bà Lẹ cũng như những nông dân khác muốn bán lúa hay hoa màu phải dùng ghe chở ra quốc lộ 80 hay quốc lộ 91 để chờ thương lái đến mua. 

“Bà con ở đây mừng lắm. Bây giờ muốn bán lúa, bán dưa thì có xe tới tận ruộng. Vận chuyển về nhà cũng thuận tiện hơn trước nhiều”, bà Lẹ bày tỏ khi đang dẫn cháu nội đi tham quan cây cầu mà bao thế hệ người dân như bà hằng mơ ước. 

Cầu Vàm Cống là cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ, là dự án thành phần 3 thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, được khởi công xây dựng ngày 10/9/2013. 

 Các phương tiện lưu thông qua cầu Vàm Cống sau khi thông xe. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Dự án gồm cầu Vàm Cống dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,88 km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ, cách bến phà Vàm cống khoảng 3 km về phía hạ lưu.

Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn xe ôtô và hai làn xe thô sơ; tốc độ thiết kế 80 km/h. Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 5.460 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam./. 

Theo bnews.vn