Thiệt hại nặng nề do ngập lụt, sạt lở
Chiều 9/9, trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang mưa đã ngớt. Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, toàn huyện có 350 công trình, nhà ở bị tốc mái, 4 nhà dân bị sập đổ, ngập 2,5 nghìn ha lúa. Giao thông nhiều nơi tê liệt.
Thị trấn An Châu, Sơn Động, Bắc Giang chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, nước lũ làm quốc lộ 31 và đường tỉnh 293 bị chia cắt, khiến các xã vùng cao của huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động bị cô lập hoàn toàn. Đến tối 9/9, lũ tại huyện Sơn Động và Lục Ngạn đã rút nhưng chưa đáng kể. Hiện, địa phương đang nỗ lực khắc phục, thông các tuyến đường sớm nhất có thể.
Tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, khoảng 6h sáng 9/9, người dân trình báo về việc có 3 xe ô tô trôi xuống suối do sạt lở đất. Công an huyện đã vào cuộc xác minh, nhưng do quốc lộ 34 có hàng trăm điểm sạt lở nên đến chiều cùng ngày mới đến được hiện trường vụ sạt lở, chưa thể tiếp cận nơi các xe bị trôi.
Đến gần 21h tối cùng ngày, dọc theo dòng suối, lực lượng chức năng đã tìm được 7 thi thể nạn nhân đang trôi dọc dòng suối.
Cơ quan chức năng cũng xác định, tại hiện trường có 4 ô tô và nhiều xe máy bị nạn nằm rải rác. Trong đó có 3 ô tô con, loại 5 chỗ ngồi. Riêng ô tô khách loại 16 chỗ được tìm thấy trong tình trạng bị vò trơ khung, mắc kẹt giữa lòng suối.
Ưu tiên sớm thông quốc lộ
Ông Lê Văn Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết, hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội tỉnh đều đang bị sạt lở, ngập úng cục bộ dẫn đến chia cắt, cô lập. Trong đó, nặng nhất là quốc lộ 34 nối từ TP Cao Bằng vào huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc.
Nhiều tuyến đường ở Cao Bằng bị sạt lở, ngập úng khiến giao thông đình trệ.
Hiện, Sở GTVT tỉnh Cao Bằng đang huy động tối đa máy móc, vật lực với ưu tiên hàng đầu là thông quốc lộ 34. Sở này cũng tích cực hỗ trợ, cùng Sở GTVT tỉnh Bắc Kạn thu dọn các điểm sạt lở, cố gắng thông quốc lộ 3, nối Cao Bằng với Bắc Kạn trong thời gian sớm nhất.
Tại TP Thái Nguyên, đến chiều 9/9, trên địa bàn có 22 xã, phường bị ngập úng. Trong đó, có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Tại một số địa phương khác như: Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, TP Sông Công, nước lũ cũng dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập sâu, chia cắt.
Tương tự, ngập lụt, chia cắt cục bộ cũng xảy ra tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái và Thanh Hóa, gây khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân.
Do ảnh hưởng của mưa bão và xả lũ hồ thủy điện Bản Lải, từ 12h đêm 8/9, nước sông Kỳ Cùng, đoạn chảy qua địa bàn thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, Lạng Sơn bất ngờ dâng cao, nhấn chìm quốc lộ 4A hơn 2m, chia cắt hoàn toàn quốc lộ 4A và các tuyến đường tỉnh, đường nội thị qua thị trấn Thất Khê.
Ông Dương Công Vỹ, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết đã dựng biển báo, tổ chức cảnh giới, phân luồng giao thông, đồng thời thông báo cho Sở GTVT Cao Bằng điều tiết tất cả phương tiện di chuyển về Lạng Sơn lưu thông theo quốc lộ 3 qua Bắc Kạn.
Sạt lở, ách tắc trên nhiều tuyến quốc lộ
Lãnh đạo Khu Quản lý đường bộ I cho biết, đến chiều 9/9, trên các tuyến quốc lộ 6, 15, 279 thuộc địa phận các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đã phát sinh các điểm ngập úng cục bộ sâu từ 20 - 50 cm.
Trên quốc lộ 6 qua địa bàn tỉnh Hòa Bình có hơn 50 vị trí sụt ta luy dương và ta luy âm với khối lượng 6.500m3; ngập cục bộ 9 vị trí.
Tại Cao Bằng, sạt lở ta luy dương tại 2 vị trí trên quốc lộ 34. Tại Km 117+230 thuộc huyện Bảo Lạc xuất hiện vết nứt ta luy dương có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 25m, bề rộng vết nứt khoảng 0,5m. Hiện, đã cắm biển cảnh báo 2 đầu đoạn tuyến, đồng thời cử người trực gác.
Cũng trên tuyến quốc lộ 34 xảy ra sạt lở ta luy âm tại 6 vị trí với chiều dài hàng chục mét, sâu từ 0,3 - 0,5m.
Tại Lạng Sơn, tuyến quốc lộ 1B có 6 vị trí bị ngập úng ách tắc cục bộ, thời gian ách tắc từ 3 - 5 giờ.
Còn trên quốc lộ 3B bị ngập úng cục bộ tại 2 vị trí cầu tràn Vằng Ma và cầu tràn Pắc Dào, chiều sâu ngập úng trên 3m, hiện các phương tiện không thể lưu thông.
Tương tự, tại Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, tình trạng ngập lụt cũng xảy ra trên diện rộng tại các quốc lộ 4E, 4D, 279, 43…
Lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho biết đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thực hiện công tác ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục để thông xe, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
4 cảng hàng không đã hoạt động bình thường
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, sau cơn bão số 3, các công trình, hệ thống trang thiết bị tại các cảng hàng không bị ảnh hưởng của bão là không đáng kể. Hiện, 4 cảng hàng không bị ảnh hưởng gồm Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân đã hoạt động bình thường.
Hiện 4 cảng hàng không bị ảnh hưởng gồm Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài và Thọ Xuân đã hoạt động bình thường. (Trong ảnh: Máy bay hoạt động tại sân bay Nội Bài ngày 8/9).
Trong bão số 3, ước tính sơ bộ có 145 chuyến bay bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 65 chuyến bay bị hủy.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười, với việc chủ động trong công tác phòng, chống nên sau bão số 3, các công trình hàng hải không có thiệt hại lớn. Một số đèn biển gặp sự cố nhưng đã và đang được khắc phục, cơ bản đã vận hành bình thường. Hiện nay, các cảng tại khu vực cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh - nơi tâm bão trực tiếp đổ bộ đã có thể đi vào khai thác trở lại.
Tại Hải Phòng, riêng cảng Mipec (khu vực Đình Vũ) bị đổ 2 cẩu trong bão số 3. Tuy nhiên, doanh nghiệp cảng vẫn có các cẩu khác để làm hàng nên vẫn đảm bảo công tác làm hàng, không bị gián đoạn hay gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
Riêng với các luồng tuyến hàng hải, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đã khắc phục xong các phao tiêu báo hiệu hàng hải bị trôi dạt tại khu vực luồng hàng hải Hải Phòng.
Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, sau bão, các tuyến đường sắt bị ảnh hưởng, thiệt hại tại nhiều khu vực nhưng đã được khắc phục kịp thời. Đến chiều 9/9, các tuyến Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đồng Đăng, Gia Lâm - Hải Phòng, tàu chạy bình thường. Tuy nhiên, tuyến Yên Viên - Lào Cai do vẫn mưa lũ, sạt lở, ngập tại nhiều vị trí nên đã dừng tàu khách.
Trong khi đó, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết hiện trên các tuyến sông khu vực phía Bắc nước lũ dâng cao, chảy xiết nên chưa thể kiểm tra, rà soát các vị trí hạ tầng bị ảnh hưởng, các thiệt hại về phao tiêu, báo hiệu.
Hải Phòng, Quảng Ninh thiệt hại nặng nề
Ngày 9/9, việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... vẫn đang được khẩn trương tiến hành.
Trên các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ tới các đường ngang, ngõ dọc, tình trạng cây cối đổ ngã vẫn ngổn ngang, nhiều mái nhà tôn, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng; la liệt các biển quảng cáo gãy tả tơi chưa được thu dọn, tiềm ẩn nguy hiểm. Suốt 2 ngày nay, các địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng xuyên ngày, thâu đêm khắc phục song chưa thể hoàn thành.
Tại các địa phương khu vực Đông Bắc Bộ, người dân nhiều nơi phải sống trong cảnh "3 không" (không điện, không nước, không sóng điện thoại).
Theo đại diện Sở GTVT Hải Phòng, nhiều tuyến đường, tuyến phố bị gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, bị ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ.
Còn tại Quảng Ninh, nhiều tuyến đường trên địa bàn xảy ra tình trạng ngập lụt, sạt ta luy như quốc lộ 4B, 279, đường tỉnh 345, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Tại Cảng Tuần Châu có 23 tàu khách bị đắm. Về hạ tầng hầu hết các cảng đều hư hỏng phần mái. Các thiệt hại hiện chưa thể thống kê hết.
Theo Báo Giao Thông