Sau 15 năm từ 2002 - 2016, số người tử vong vì TNGT đã giảm từ 61.571 người (giai đoạn năm 2002-2006) xuống còn 45.570 người (giai đoạn năm 2012-2016) - Đồ họa: Nguyễn Tường

“Vênh” hàng nghìn số người chết

Theo quy định của Luật Thống kê, Bộ Công an được giao thống kê số liệu TNGT trên địa bàn cả nước. Trong đó, những năm qua, số liệu này chủ yếu do Cục CSGT thống kê và cung cấp. Ủy ban ATGT Quốc gia, các đơn vị khác sử dụng số liệu này để tham mưu cho Chính phủ về các chính sách đảm bảo ATGT và phục vụ công tác tuyên truyền.

Một số liệu khác được nhiều người mang ra so sánh được lấy từ ngành Y tế. Số liệu này được thống kê từ số ca nhập viện, số người chết vì TNGT tại các bệnh viện. Thực tế là số liệu thống kê từ Bộ Y tế luôn cao hơn rất nhiều các báo cáo, thống kê từ phía Cục CSGT (Bộ Công an). Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công an, năm 2015, TNGT làm trên 8.700 người chết, trong khi Bộ Y tế cho rằng, số người chết lên đến trên 16.800 người.

Ngay trong các dịp lễ, Tết, số liệu của hai ngành này cũng có sự vênh nhau lớn. Đơn cử, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân (2016), theo số liệu của Cục CSGT, toàn quốc chỉ xảy ra trên 400 vụ TNGT, làm chết 300 người, bị thương 380 người. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, trong 9 ngày Tết, đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 43 nghìn lượt nạn nhân TNGT.

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thụy, Vụ Thống kê môi trường, Tổng cục Thống kê cho rằng, dù số liệu của Tổng cục Thống kê cũng dựa trên số liệu của Cục CSGT, nhưng thời gian tính báo cáo giữa 2 ngành có sự khác nhau nên số liệu TNGT vênh nhau.

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, việc thống kê không chính xác số liệu TNGT dẫn tới chúng ta không nắm được quy mô của vấn đề TNGT. Khi nắm chính xác số người chết và bị thương sẽ tính được thiệt hại về người, thiệt hại về kinh tế - xã hội.

“Chỉ khi biết được chính xác nguyên nhân TNGT như: Có bao nhiêu vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn, bao nhiêu vụ do quá tốc độ, do hạ tầng… mới có giải pháp từ kỹ thuật đến chính sách để giải quyết dứt điểm, kéo giảm TNGT”, ông Hùng nói.

Lý giải về sự “vênh” về số liệu thống kê TNGT, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, số liệu của ngành Công an chỉ thống kê số vụ, số người chết và bị thương tại hiện trường các vụ tai nạn do CSGT thụ lý. Trong khi đó, số liệu của ngành Y tế lại ghi nhận dựa trên số người đến yêu cầu khám hoặc cấp cứu. Điều này, có nghĩa là sẽ bao gồm cả những vụ mà ngành Công an thụ lý và những vụ ngành Công an không thụ lý vì khi xảy ra tai nạn, nạn nhân được đưa trực tiếp tới bệnh viện mà không báo với công an.

Cũng theo ông Hùng, sự khác biệt giữa số liệu TNGT giữa ngành Y tế và Công an còn khác nhau ở khái niệm các vụ tai nạn. Ngành Y tế không có khái niệm về số vụ TNGT mà chỉ có khái niệm số trường hợp nạn nhân vào cơ sở khám chữa bệnh, cấp cứu, số trường hợp tử vong trước khi vào viện, trong viện và số trường hợp bị thương. Trong khi đó, ngành Công an lại chỉ có khái niệm về số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương.

“Số trường hợp vào cấp cứu của ngành Y tế trong một giai đoạn bị lặp giữa các cơ sở chữa bệnh các cấp, một trường hợp có thể cấp cứu ở cả 3 cấp cơ sở y tế. Bên cạnh đó, một nạn nhân có thể nhiều lần khám chữa bệnh ở các cơ sở khác nhau, mỗi lần đi khám lại một hồ sơ, dẫn tới một nạn nhân nhưng có thể thống kê thành 3 trường hợp. Ngành Y tế đang rất nỗ lực khắc phục bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh toàn quốc sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên”, ông Hùng cho biết thêm...

Một vụ TNGT trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), đối diện Siêu thị Big C - Ảnh: Tạ Tôn

Làm gì để thống nhất số liệu?

Để có sự thống nhất về số liệu TNGT, nhiều ý kiến cho rằng, việc thống nhất khái niệm, liên thông dữ liệu về TNGT giữa các ngành liên quan, đặc biệt là công an, y tế, bảo hiểm là rất cần thiết. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc lập cơ sở dữ liệu chung giữa các lực lượng sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý để quản lý đội ngũ lái xe, nhất là lái xe kinh doanh vận tải.

Theo ông Long, nếu có hệ thống giám sát, cơ quan quản lý dễ dàng nhận biết lịch trình của một lái xe hay lịch trình của một phương tiện nào đó đã vi phạm, tái vi phạm để có cơ sở xử lý.

Ở góc độ chuyên gia, ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) cho biết, theo kinh nghiệm một số nước, cơ quan chức năng khi tiếp cận hiện trường vụ TNGT sẽ gắn một mã số giống như chứng minh nhân dân và mã số theo vụ tai nạn đó suốt quá trình điều trị cho nạn nhân, giải quyết hậu quả vụ tai nạn.

“Khi cơ quan chức năng muốn tra cứu, chỉ cần tìm đúng mã số là lập tức mọi thứ sẽ rõ ràng. Điều này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tạo sự minh bạch trong thống kê TNGT, từ đó đề ra giải pháp đảm bảo ATGT một cách hiệu quả”, ông Đạt nói.

Đề cập vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an xây dựng Nghị định về thống kê và chia sẻ dữ liệu TNGT, dữ liệu của ngành công an, y tế, bảo hiểm… sẽ được xây dựng thành hệ thống dữ liệu dùng chung giữa các lực lượng. Bên cạnh đó, Nghị định sẽ thống nhất định nghĩa TNGT và định nghĩa như thế nào là một nạn nhân tử vong do TNGT.

“Khi đó chúng ta có cơ sở dữ liệu quan trọng trong xác định chính xác quy mô của vấn đề do TNGT gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người, thiệt hại về sức lao động. Đồng thời, khi có cơ sở dữ liệu chung cũng sẽ giúp cho các ngành khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xe thống kê, tính toán đầy đủ, chính xác và có quy định rõ ràng, minh bạch”, ông Hùng nói.

Số liệu TNGT chỉ tính trong 1 ngày

Theo ông Khuất Việt Hùng, hiện nay, số liệu nạn nhân tử vong do TNGT của ngành Công an tính trong 1 ngày và chủ yếu tại hiện trường. Quốc tế hiện quy định cách tính tử vong do TNGT là sau 30 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc. Tới đây, chúng ta cần thống nhất theo tiêu chuẩn này.

Cũng theo ông Hùng, Nghị định về thống kê TNGT cũng sẽ quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc cập nhật và sàng lọc thông tin đủ và tránh trùng lặp. Khi có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm pháp lý của từng cơ quan, đơn vị trong việc thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu, báo cáo theo đúng chuẩn sẽ giải quyết được vấn đề hiện nay.

T.Duy

Cách nước Mỹ thống kê số người thiệt mạng vì TNGT

Nước Mỹ đã xây dựng một Hệ thống Báo cáo phân tích số người thiệt mạng vì TNGT (viết tắt là FARS) do Cơ quan ATGT đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) thực hiện từ năm 1975.

FARS bao gồm các dữ liệu về thống kê TNGT chết người trong 50 bang, đặc khu Colombia (District of Columbia). FARS sẽ thống kê đó là một vụ TNGT khi xảy ra giữa một phương tiện cơ giới di chuyển trên đường công cộng và khiến ít nhất 1 người thiệt mạng (kể cả người ngồi trên xe hoặc không) trong vòng 30 ngày kể từ khi xảy ra tai nạn. Như vậy, mỗi người bị thương trong một vụ TNGT tử vong trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra vụ việc được tính là 1 người thiệt mạng trong vụ TNGT đó...

Theo atgt.vn