Tổng biên tập Tạp chí Giao thông Vận tải Trịnh Ngọc Hoàn gửi lời thăm hỏi tới gia đình liệt sỹ Trần Hữu Hiệp.
Nhiều nỗi niềm dang dở
Vào giữa năm 2013, vụ tai nạn chìm ca nô H29-BP trên vùng biển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh làm 9 người thiệt mạng đã gây chấn động dư luận. Hành động cứu người của người thanh niên Trần Hữu Hiệp đầy nhân nghĩa trước lúc rời xa cõi tạm đã mãi tạc vào thời gian những niềm tự hào. Trong cơn nguy biến, anh Hiệp đã hành động đúng với cái tên cha mẹ đặt cho, nghĩa hiệp, dũng cảm giúp nhiều người không biết bơi bám vào thành ca nô để chờ cứu hộ. Vào thời khắc cam go, anh đã cởi áo phao của mình cho một phụ nữ, dẫu biết kết quả của việc “nhường” ấy sẽ đổi bằng tính mạng bản thân mình.
Đã 4 năm trôi qua, khi nhắc lại có người nhớ, người không nhưng đối với gia đình anh Trần Hữu Hiệp, sự việc này vẫn như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Trong một ngày cuối tháng 7 đầy mưa gió do ảnh hưởng của cơn bão số 2, chúng tôi lên đường về xã Thạch Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Đây là quê hương của liệt sỹ Trần Hữu Hiệp, người đã dũng cảm, hy sinh thân mình để cứu nhiều mạng người trong lúc gian nan, hoạn nạn. Vượt qua hơn 100 cây số, nhiều lần hỏi thăm đường, chúng tôi cuối cùng cũng đến nơi.
Xe chúng tôi dừng ở Xóm 4, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà cấp 4 nhỏ, phủ đầy rêu phong và đã xuống cấp. Xung quanh ngôi nhà bao trùm toàn mùi hương trầm, bởi ngày chúng tôi đến cũng chính là ngày giỗ lần thứ tư của anh Hiệp (26/6 âm lịch). Chào đón chúng tôi bằng những cái bắt tay ấm áp từ ngoài ngõ, vợ chồng ông Trần Hữu Trọng (bố của liệt sỹ Hiệp) không ngừng hỏi thăm về chuyến đi của chúng tôi. Dù nỗi buồn phảng phất trên nét mặt ông Trọng, nhưng ông vẫn luôn thể hiện sự vui mừng chào đón chúng tôi như người thân vì trong đoàn có một vài người nhiều lần về thăm hỏi gia đình ông.
4 năm đối với người đang sống cũng đủ để con người ta lành những vết thương trên da thịt, nhưng đối với gia đình ông Trọng cũng mặc dù đã có nhiều đổi thay, các con ông đã yên bề gia thất và có cháu, nhưng nỗi niềm đau đáu về người con vừa có hiếu vừa nghĩa hiệp…
Sau khi thắp những nén hương tưởng nhớ người liệt sỹ trẻ tuổi, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng gia đình. Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Nguyễn Thị Thìn (mẹ anh Hiệp) tâm sự “Đối với gia đình, việc em Hiệp ra đi như vừa mới xảy ra ngày hôm qua, dù đã 4 năm rồi. Tôi còn nhớ mãi vào cái ngày ấy… Tầm tuổi em nó ở đây bây giờ người ta đã có gia đình, sinh con đẻ cái hết rồi. Vậy mà con mình thì…” Không kìm nổi xúc động khi nhắc đến con mình, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ, đen xạm vì mưa nắng của người mẹ liệt sỹ.
Bà lặng lẽ ngồi ở thềm nhà nhìn xa xăm về một hướng như đang chờ đợi đứa con yêu quý của mình. Theo lời bà kể, gia đình có 3 người con trai, Hiệp là út. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ có Hiệp và người anh thứ 2 được đi học. Trong suốt quá trình học tập của Hiệp, bố mẹ và người thân trong nhà chưa bao giờ nghe thầy, cô giáo hay bạn bè phàn nàn về Hiệp một lời. Học xong cấp 3, Hiệp thi vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Hóa chất ở Phú Thọ. Suốt thời gian học tập ở ngôi trường ấy, Hiệp làm nhiều công việc để kiếm thêm tiền ăn học, đỡ đần cho bố mẹ và không dám chăm chút nhiều cho bản thân mình. Học xong, Hiệp quyết định vào Nam lập nghiệp, làm việc cho Công ty Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam. Làm việc tại đây chưa được bao lâu thì anh đã mãi mãi ra đi ở cái tuổi 25, độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người.
Mẹ hiệp sỹ Hiệp không kìm được xúc động khi nhắc tới con mình.
Gương sáng cho thế hệ trẻ
Tại căn nhà cấp bốn nho nhỏ ấy, những kỷ vật của người liệt sỹ trẻ tuổi vẫn luôn được cha mẹ mình lưu giữ, từ những chiếc bằng khen thời đi học, chiếc mũ bảo hộ khi đi làm cho đến những Giấy khen, Huân chương dũng cảm, Bằng Tổ quốc ghi công… được trao tặng khi anh đã hy sinh. Những kỉ vật đó được gia đình đóng khung kính cẩn thận, treo gần kín một gian nhà, ngay bên cạnh ban thờ để di ảnh của liệt sỹ Hiệp. Những di vật ấy tượng trưng cho anh, chúng vẫn nằm đó, trong ngôi nhà nhỏ này và đối với gia đình, anh cũng vậy, anh vẫn ở đó, trong ngôi nhà của mình.
Thay mặt Tạp chí GTVT, đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổng biên tập Trịnh Ngọc Hoàn đã có lời thăm hỏi chân tình, sâu sắc đến người thân của liệt sỹ, ông chia sẻ "Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, cũng là ngày giỗ của liệt sỹ, hôm nay cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí GTVT về đây thắp cho em Hiệp nén hương tưởng nhớ. Liệt sỹ Hiệp là một tấm gương sáng của cho thế hệ trẻ hiện nay, qua chuyến đi này cũng là một cách các em học tập về tấm gương biết giúp đỡ, biết nhường nhịn và biết hi sinh vì người khác…".
Gian nhà lưu trữ kỷ vật của người liệt sỹ trẻ tuổi.
Trò chuyện với chúng tôi, bác ruột của liệt sỹ Hiệp nói “Không giống như những đứa trẻ khác, Hiệp không báo hiếu gia đình bằng miếng cơm, manh áo mà báo hiếu bằng danh tiếng cho cả dòng họ, gia đình cũng phần nào ấm lòng. Bên ngành GTVT, đặc biệt là Tạp chí GTVT quan tâm tới gia đình chúng tôi trong suốt 4 năm qua, trong nỗi buồn mất mát gia đình cũng phần nào hãnh diện về cháu. Cháu Hiệp dù không trở về nhưng để lại tiếng thơm cho gia đình, dòng họ. Trong xã hội, không phải chỉ có riêng gia đình chúng tôi mà còn có nhiều gia đình khác cũng có hoàn cảnh như vậy. Mong rằng chúng ta, xã hội luôn sát cánh cùng các gia đình này để những người như liệt sỹ Hiệp yên tâm an nghỉ nơi chín suối”.
Ngày giỗ năm nay ngoài sự có mặt của chúng tôi và một số bà con họ hàng trong gia đình anh Hiệp thì không còn ai khác. Theo lời mẹ anh, ngày giỗ đầu và thứ hai của anh còn có chính quyền, tổ chức đoàn thanh niên, bạn bè tới thắp hương, nhưng những năm sau đó thì cũng thưa dần…
Có thể nói, các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc được sử sách ghi lại, được nhắc đến trong những tiết học lịch sử của các thế hệ sau này để mầm non tương lai biết đến công lao to lớn của họ, để biết ơn và tưởng nhớ. Nhưng đối với những người anh hùng, liệt sỹ thời bình thì lại hoàn toàn khác, tại thời điểm các anh hy sinh thì được truyền thông rầm rộ song chỉ vài năm sau đó, gần như không còn ai nhắc đến các tấm gương ấy.
Nếu không được sử sách ghi lại, liệu sau nhiều năm nữa, thế hệ sau có còn biết đến một người liệt sỹ đã hi sinh ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người vì cứu sống nhiều người trong lúc hoạn nạn? Và tấm gương liệt sỹ Trần Hữu Hiệp chỉ là một trong số rất nhiều tấm gương anh hùng thời bình.
Theo Tạp chí GT – VT