Một nghiên cứu mới của Đại học Arizona, Hoa Kỳ cảnh báo: Nhiệt độ bên trong những chiếc ô tô đậu ngoài trời có thể gây ra cái chết cho trẻ nhỏ chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, nếu chúng không may bị kẹt lại.
Trời nắng có thể nung nóng những chiếc ô tô lên tới 71oC, tương đương nhiệt độ làm chín trứng. Đậu xe trong bóng râm có thể làm giảm nhiệt độ, nhưng nó vẫn có thể đạt tới 47oC chỉ sau 1 tiếng đồng hồ.
Theo thống kê ở Mỹ, những khoảng thời gian đỉnh điểm ở nước này có từ 2-3 nạn nhân chết vì sốc nhiệt trong ô tô mỗi tuần, chủ yếu là trẻ em. Ngay tuần trước, một bé gái 1 tuổi ở bang Tennessee đã tử vong sau khi bị cha mẹ bỏ quên trong xe ô tô.
Để đánh giá nguy cơ đe dọa tính mạng có thể xảy ra với những chiếc xe ô tô đậu ngoài nắng, các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Arizona (ASU) đã đo nhiệt độ của một số loại xe khác nhau, trong các điều kiện đậu ngoài nắng và dưới bóng râm.
Họ cũng đánh giá một tình huống giả định, khi một đứa trẻ 2 tuổi không may bị kẹt trong chiếc xe đó, khoảng thời gian đủ để gây ra tình trạng sốc nhiệt cho đứa bé là bao lâu?
Có tất cả 6 chiếc xe được đưa vào thử nghiệm, 2 chiếc thuộc dòng xe giá rẻ phổ thông, 2 chiếc sedan cỡ trung và 2 chiếc minivan. Tất cả các xe đều màu bạc và các cặp xe đều giống hệt nhau.
Trong suốt 3 ngày hè nóng nực ở Tempe, Arizona - nơi nhiệt độ có thể lên tới 40oC - nhóm nghiên cứu đã đỗ những chiếc xe dưới nắng và trong bóng râm ở những thời điểm khác nhau trong ngày. Nhiệt độ không khí bên trong và nhiệt độ bề mặt xe được theo dõi liên tục.
“Chúng tôi đã cố gắng tái tạo lại kịch bản có thể xảy ra trong một chuyến đi mua sắm”, Nancy Selover, một nhà nghiên cứu khí hậu, đồng thời là giáo sư nghiên cứu tại Trường Khoa học Địa lý và Quy hoạch đô thị thuộc ASU, nói với Daily Mail Online.
“Tôi đã ngạc nhiên nhất khi thấy rằng nhiệt độ trên bề mặt xe đã nóng tới mức có thể đốt cháy làn da bạn”.
Theo kết quả đo được từ nghiên cứu, khi ô tô đậu ngoài trời nắng, sau 1 tiếng đồng hồ, nhiệt độ trung bình bên trong cabin là 116oF, tương đương 46,7oC. Nhiệt độ trên bề mặt bảng điều khiển tương đương 69oC, trên vô lăng là 53oC và bề mặt ghế là 51oC.
Đối với xe đậu dưới bóng râm, nhiệt độ bên trong cabin cũng đạt đến mức trung bình khoảng 38oC. Trên bảng điều khiển là 48oC, tay lái là 42oC và chỗ ngồi là 41oC.
"Mọi người nghĩ rằng: "Ồ, nếu tôi đậu [xe] trong bóng râm, mọi chuyện sẽ ổn"", Selover nói. “Nhưng Mặt Trời di chuyển trên bầu trời vì vậy nếu bạn để chiếc xe ở ngoài cả ngày, tại một thời điểm nào đó chiếc xe sẽ bị phơi nắng”.
Chiếc xe phổ thông giá rẻ nóng lên nhanh nhất vì nó nhỏ nhất, tiếp theo đến xe sedan cỡ trung và cuối cùng là minivan.
Nguy cơ sốc nhiệt cho trẻ em khi ở bên trong ô tô
Theo thống kê, ở Mỹ có khoảng 30 đến 60 trẻ em chết mỗi năm vì sốc nhiệt khi bị kẹt trong ô tô. Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể của một người tăng lên đến 40oC. Nếu nhiệt độ tăng đến 41-42oC có thể gây ra những tổn thương trong nội tạng không thể chữa trị thậm chí tử vong ngay.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao hơn vì cơ thể của chúng nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người trưởng thành, theo một báo cáo của tạp chí American Academy of Pediatrics.
Các dữ liệu nhiệt độ trong xe được các nhà khoa học sử dụng để tạo dựng kịch bản, về một cậu bé 2 tuổi bị mắc kẹt trong xe. Họ muốn xem trong khoảng thời gian bao lâu, cậu bé sẽ phải đối mặt với tình trạng sốc nhiệt.
Kết quả của mô phỏng chỉ ra nếu chiếc xe đậu ngoài trời nắng, thân nhiệt của cậu bé có thể tăng đến 40oC chỉ sau 1 tiếng đồng hồ. Nếu đậu trong bóng râm, con số là 2 tiếng.
Selover nói: "Ban đầu, đứa trẻ có thể tự làm mát cơ thể xuống, nhưng, khi bị mắc kẹt trong ghế xe, chúng sẽ toát mồ hôi". Khi đó, mồ hôi bị đọng lại với tốc độ bay hơi chậm sẽ khiến đứa trẻ không thể tự hạ thân nhiệt xuống được nữa.
Mặc dù kịch bản ngoài đời thực có thể xảy ra khác đi một chút phụ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời, loại xe và độ tuổi những đứa trẻ, nghiên cứu đưa ra lời cảnh báo cho các bậc cha mẹ có con nhỏ.
“Một vài ứng dụng hoặc một số công nghệ khác có thể nói cho bạn biết trong xe có chuyển động, nếu đứa trẻ còn ở trong xe và di chuyển. Nhưng các bậc cha mẹ phải luôn luôn nhận thức được trách nhiệm của mình và kiểm tra hàng ghế sau trước khi họ ra khỏi xe”, Selover cho biết.
Theo Tri Thức trẻ