Do thiếu cát nên các nhà thầu đã ưu tiên san lấp những nơi cần có độ cao để chờ lún theo tiêu chuẩn quy định - Ảnh: THANH HUYỀN
Nhiều người dân miền Tây đã không giấu nổi niềm vui trong ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới đây. Họ chạy xe máy, đi bộ lên cầu trong ngày đầu mở cửa để ngắm nhìn sự "thay da đổi thịt" của quê hương.
Nhưng ở những nơi xa xôi hơn của đất nước, những người dân ở các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và đặc biệt là người dân vùng miệt thứ Cà Mau, Kiên Giang niềm vui vẫn chưa trọn vẹn. Người dân vẫn đang mong chờ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông vươn dài đến đất mũi Cà Mau.
Người đất mũi mong mỏi cao tốc
Nhớ lại lần đi khám bệnh cách đây vài năm, anh Nguyễn Văn Út (38 tuổi, quê Cà Mau) vẫn còn ám ảnh. Chạng vạng hôm trước anh đã lên xe đò với kế hoạch ngủ một giấc để sáng sớm hôm sau đến TP.HCM kịp giờ khám bệnh.
"Nhưng hồi đó đường quốc lộ 1 hẹp, kẹt xe thường xuyên nên đến lúc trời đứng bóng ngày hôm sau mới đến nơi. Đi khám một lần mà ám ảnh đến giờ", anh Út nhớ lại.
Trong lần tái khám mới đây, anh Út thực sự bất ngờ khi xe chạy chỉ mất khoảng 6 giờ đã đến TP.HCM nhờ có đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. "Mong sao sớm có cao tốc về đến Cà Mau quê tôi để người dân đi lại được nhanh chóng, thuận tiện hơn", anh Út mong mỏi.
Ông Trần Hiếu Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được nối liền không những góp phần rất lớn cho tỉnh cực Nam Tổ quốc phát triển về kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho du lịch Cà Mau tăng tốc.
"Nếu như trước đây từ Cần Thơ đi Cà Mau phải mất 4 giờ thì sau khi tuyến đường cao tốc hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn chỉ còn hơn 1 giờ.
Đặc biệt sau này nếu có được tuyến đường cao tốc về Đất Mũi thì du lịch Cà Mau sẽ thu hút rất đông du khách. Bởi vì hiện tại từ Cà Mau muốn đi Đất Mũi thì phải tốn hơn 4 giờ cho cả đi và về", ông Hùng nói.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), từ TP Cần Thơ, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ kéo dài về đến Cà Mau với chiều dài hơn 110km. Dự án đã được khởi công từ tháng 1-2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Vẫn là câu cát đâu làm đường
Tuyến cao tốc này đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Sau gần một năm khởi công tổng giải ngân đến nay mới được 3.104/18.804 tỉ đồng, đạt 16,5% hợp đồng.
Trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1.375/ 6.846 tỉ đồng (20,1%), đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 1.729/11.957 tỉ đồng (14,5%), chậm khoảng ba tháng so với kế hoạch.
Ông Lê Đức Tuân, phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang chậm kế hoạch khoảng 30% do thiếu cát trầm trọng.
Do chưa có cát nên chỉ tập trung làm những đoạn cần có độ cao và chờ lún. Bên cạnh đó cát cũng được ưu tiên làm đường công vụ để vận chuyển các trang thiết bị, vật tư vào nơi thi công.
"Đến thời điểm này chúng tôi thực hiện đạt khoảng 17% so với giá trị hợp đồng. Vẫn còn những đoạn mới chỉ đắp được hai bên bờ trữ cát, có những đoạn đường vẫn còn là đất vuông tôm, ruộng lúa, chưa có được hạt cát nào", ông Tuân cho biết thêm.
Ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết hiện tại đơn vị đang làm thủ tục với các mỏ cát để cung cấp cát cho công trình đủ số lượng. "Nếu trong thời gian tới lượng cát cung cấp đủ thì chúng tôi sẽ tăng ca, tăng kíp làm để bù đắp khối lượng công trình", ông Thi nói.
Vẫn theo ông Thi, trước tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp nền, Chính phủ đã có chủ trương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các tỉnh ưu tiên bố trí nguồn cát cho dự án. Trong đó tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3 và Vĩnh Long 5 triệu m3. Hiện cả ba địa phương mới bố trí cho dự án được khoảng 5,788 triệu m3 trong khi tổng lên đến 18,46 triệu m3.
Ông Thi cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục làm việc và đề nghị UBND các tỉnh phối hợp và hỗ trợ để các đơn vị sớm hoàn thành thủ tục đóng, mở các mỏ cát và chỉ đạo các đơn vị chức năng rút ngắn thủ tục để khai thác sớm nhất có thể.
Đề xuất kéo dài cao tốc Bắc - Nam đến Đất Mũi, Cà Mau
Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung đoạn Cà Mau - Đất Mũi dài 90km, bốn làn xe, đầu tư trước năm 2030 vào mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Nếu được thông qua, cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ dài 2.153km kéo dài xuyên suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau).
Nghiên cứu dự án cầu Cần Thơ 2
Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Cần Thơ 2, nhằm hoàn thiện kết nối cao tốc Bắc - Nam theo quy hoạch.
Về dự án cầu Cần Thơ 2, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã có đề xuất có điểm đầu kết nối vào điểm cuối đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối nối vào điểm đầu tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.
Theo Báo Tuổi trẻ