Hàn Quốc

Hệ thống tàu điện tiên tiến ở TP Seoul, Hàn Quốc.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc là một trong các TP trên thế giới sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng và phát triển nhất. Đa phần người dân Seoul sử dụng hệ thống giao thông công cộng bởi tính tiện lợi và giá thành thấp. Seoul là một trong những TP có hệ thống tàu điện ngầm hoạt động bận rộn nhất thế giới.

Đặc biệt, giống như các nước phương Tây, người Hàn Quốc đi bộ nhiều rất nhiều. Ngoài xe cá nhân, họ sử dụng phương tiện giao thông công cộng là chính, rất tôn trọng luật giao thông và có ý thức.

Hệ thống vận hành và thông tin giao thông Seoul (TOPIS) tập hợp đầy đủ dữ liệu từ các nguồn thông tin khác nhau như: Dịch vụ quản lý xe bus, hệ thống thẻ giao thông công cộng, hệ thống thu vé tự động,... Chỉ bằng cách truy cập website của TOPIS, bạn có thể kiểm tra tình trạng giao thông hiện tại, vị trí tắc đường cũng như các tình huống khẩn cấp xảy ra trên đường.

Pháp

Tàu điện ngầm ở thủ đô Paris, Pháp.

Thủ đô Paris, Pháp là một đô thị lớn và đông dân, với mạng lưới giao thông công cộng phát triển đa dạng. Hệ thống tàu điện ngầm ở Paris với 16 tuyến và gần 300 trạm. Hệ thống giao thông công cộng gồm một hệ thống xe bus đa dạng với 347 tuyến, hệ thống tàu cao tốc chạy cả dưới mặt đất và trên cao. Đồng thời, mạng lưới tàu cao tốc trên mặt đất và trong lòng đất luôn sẵn sàng kết nối Paris tới tận những vùng ngoại ô xa xôi.

Đài Loan

Đài Loan ưa chuộng giao thông sạch.

Đài Loan là một quốc gia có hệ thống giao thông công cộng thuận tiện phủ khắp các đô thị cho đến nông thôn. Hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, hệ thống đường bộ, đường sắt hoàn chỉnh nối liền với nhau, đồng thời hệ thống xe bus, tàu điện ngầm ở một số TP cũng hiện đại. Bên cạnh đó, người Đài Loan cũng thường sử dụng xe đạp công cộng ubike.

Trung Quốc

Hệ thống giao thông ở Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia sử dụng hệ thống giao thông thông minh để giảm ùn tắc giao thông. Đây là hệ thống có khả năng cập nhật, thông báo tình hình giao thông và còn đưa ra những dự đoán về tình trạng giao thông trực tiếp giúp người tham gia giao thông có quyết định hợp lý.

Hệ thống này sử dụng nguồn dữ liệu GPS từ những chiếc taxi, xe bus và điện thoại di động cùng với camera ở địa phương,... để tạo ra bản đồ GPS thời gian thực của tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, đường sắt đô thị của đất nước này đã mở và tiếp tục mở rộng thêm 2.500km đường xe điện ngầm trong kế hoạch 5 năm từ 2010 - 2015.

Nhật Bản

Nhật Bản.

Nhật Bản được đánh giá là một trong những quốc gia sạch sẽ nhất thế giới. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân tới các TP của đất nước này chính là sự quy hoạch đồng bộ về giao thông và xây dựng. Cùng với đó là nhiều đức tính, tinh thần quý báu của người Nhật. Người dân nơi đây yêu lao động, coi công việc như cuộc sống của mình. Hệ thống giao thông công cộng như: tàu hỏa và tàu điện ngầm trong lòng Tokyo hoạt động rất hiệu quả do một loạt nhà điều hành quản lý.

Anh

Hệ thống xe buýt hai tầng ở London, Anh.

Thủ đô London, Anh cũng là một trong các TP có chất lượng phục vụ giao thông công cộng tốt nhất thế giới. Tàu điện ngầm chính là đặc trưng của nơi đây và cũng chính là hệ thống lâu đời nhất thế giới. Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt kết nối từ thành phố đến hầu hết các thị trấn, liên kết với hệ thống đường cao tốc giúp cho giao thông được lưu thông một cách thuận lợi và nhanh chóng.

Ngoài ra, người tham gia giao thông còn có thể lựa chọn phương tiện khác như xe bus, mô tô, xe đạp, đi bộ hoặc taxi đen là phương tiện loại sang giúp đi lại trong thành phố.

Các tiểu Vương quốc Ả-rập

Dubai.

Dubai - TP thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập là nơi có hệ thống giao thông công cộng thuộc loại rẻ nhất thế giới (0,68 USD/vé điện ngầm/chiều). Dù các phương tiện công cộng ở đây không xuất hiện sớm như các TP khác, nhưng hệ thống tàu điện ngầm nơi đây lại rất hiệu quả và giá cả hợp lý. Tàu điện ngầm ở Dubai chỉ gồm 2 tuyến đơn giản là Xanh và Đỏ nhưng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, TP này còn đặc trưng bởi hệ thống xe lửa hiện đại, không người lái dựa trên sự điều hướng tự động.

Mỹ

Mỹ là một trong số các quốc gia có hệ thống giao thông luôn phát triển kể cả đường thủy, đường bộ và hệ thống xe lửa. Trong đó, New York, Mỹ là TP nổi tiếng có hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới về cả số lượng các trạm (469 trạm), các tuyến (24 tuyến) và chiều dài (1.062km). Các tàu điện ngầm ở TP này hoạt động 24/24 giờ.

Tàu điện ngầm ở Mỹ.

Ngoài ra, tàu điện ngầm Washington là hệ thống bận rộn thứ hai ở Mỹ, sau New York, với 37% người tham gia giao thông sử dụng phương tiện công cộng để đi lại (năm 2010).

Australia

Các TP ở Australia đều có những hệ thống giao thông công cộng tuyệt hảo như: xe bus, tàu hỏa và phà, giúp cho việc đi lại trở nên dễ dàng hơn. Trong đó, hiện tại Sydney là TP không có tàu điện ngầm và dự kiến năm 2019, hệ thống tàu điện ngầm của TP này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Hệ thống giao thông ở Australia

Tính đến năm 2016, 80% các chuyến vận tải đi và đến TP trong tuần là sử dụng các phương tiện công cộng. Hiện tại, việc di chuyển ở TP này cũng nhờ vào mạng lưới xe bus, tàu hỏa và phà.

Canada

Canada

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì hệ thống giao thông nơi đây cũng được nâng cấp giúp cho các phương tiện đi lại ngày càng hiện đại và tiện lợi hơn cả về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, bến phà. Trong đó Montreal cũng giống như các TP lớn khác đều coi phương tiện công cộng là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.

Để di chuyển trong TP và ra các vùng lân cận, người ta sử dụng các phương tiện công cộng như: xe bus, tàu điện ngầm, tàu hỏa... và hệ thống tàu điện ngầm ở Montreal được mệnh danh là hệ thống bận rộn nhất Canada.

Theo Kinhtedothi.vn