Đến dự hội thảo có Đồng chí Thiếu tướng, Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an; Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Phòng nghiệp vụ thuộc Cục; và đại diện Lãnh đạo Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình và đại diện Ban chỉ huy các Đội, Trạm của Cục CSGT và Phòng CSGT Công an các địa phương.
Thiếu tướng, Thạc sỹ Trần Quốc Trung, Phó Bí Thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục CSGT điều hành thảo luận tại hội thảo.
Tại hội nghị đã có 10 tham luận của các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, thẳng thắn nhìn nhận những kết quả đã được, và tồn tại để hoàn thiện cả về cơ sở lý luận và khoa học, giải quyết các vấn đề trong công tác tổ chức, chỉ huy, phân luồng giao thông trên địa bàn Thủ đô và các thành phố lớn, trong thời gian tới; sẵn sàng phục vụ các hội nghị của Đảng, nhà nước và các sự kiện Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Tính đến nay Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra tại TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp, Nghị quyết Đại hội được thông qua, xác định được mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới. Có được thành công trên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, cấp ủy Đảng các đơn vị, địa phương; lực lượng Cảnh sát giao thông đã nỗ lực hết mình, không quản khó khăn, vất vả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm tuyệt đối bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn, giao thông thông suốt, góp phần tích cực vào thành công của Đại hội. Cũng thông qua công tác bảo vệ, phục vụ Đại hội, hình ảnh của người chiến sỹ Công an nhân dân nói chung và lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng ngày càng được xây dựng tươi đẹp, vững mạnh.
Xác định tầm quan trọng của công tác phân luồng trong bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ Đại hội, ngày 13/12/2020, Cục Cảnh sát giao thông đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về công tác phân luồng giao thông, lấy ý kiến của 15 địa phương giáp ranh và trên các tuyến giao thông trọng điểm. Trên cơ sở đó, Cục Cảnh sát giao thông đã ban hành các phương án, kế hoạch chi tiết về phân luồng giao thông từ xa, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông phục vụ Đại hội; trong đó, tập trung vào 02 kịch bản phân luồng theo nguyên tắc 03 vòng từ ngoài vào trong. Đồng thời, tổ chức thông báo phân luồng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm điều chỉnh, ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô và các địa phương liên quan, góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ cho người tham gia giao thông trong thời gian diễn ra Đại hội.
Kết quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông phục vụ tổ chức thành công Đại hội là minh chứng rõ nhất cho tính ưu việt trong việc triển khai phương án tổ chức, phân luồng giao thông phục vụ Đại hội Đảng. Tuy nhiên, cùng với thành công trên; việc lần đầu tiên có Phương án tổng thể phân luồng từ xa do Cục CSGT chỉ đạo thống nhất thực hiện trên địa bàn Hà Nội và các địa phương giáp ranh cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: công tác phối hợp phân luồng giao thông giữa lực lượng Cảnh sát giao thông với các lực lượng khác chưa đồng bộ, nhất quán. Một số lực lượng, đơn vị chưa hiểu rõ về ảnh hưởng, tác động qua lại của công tác tổ chức lại giao thông, phân lại luồng, tuyến giao thông đến công tác bảo vệ Đại hội; một số tuyến, điểm, nút giao thông khó hoặc không thể triển khai tổ chức lại giao thông, phân lại luồng, tuyến giao thông do là trục xuyên tâm, huyết mạch, cơ sở hạ tầng chưa được nâng cao. Nếu triển khai phương án trên đó sẽ làm tăng áp lực giao thông lên một số tuyến, hành lang khác hoặc làm ảnh hưởng đến tuyến, hành lang bảo vệ của đối tượng dẫn đoàn; lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá đông; trong khi, thời điểm đại biểu Đại hội di chuyển trên tuyến đa phần là cung giờ cao điểm hàng ngày. Phương án phân lại luồng, tuyến tuy đã thể hiện được tính năng tối ưu nhưng chỉ giải quyết yêu cầu cấp thiết, chưa giải quyết triệt để thực trạng tình hình giao thông của Thủ đô Hà Nội khi có hoạt động hội nghị, sự kiện lớn.
Các đại biểu đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, giải quyết các vấn đề trong công tác tổ chức, chỉ huy, phân luồng giao thông trên địa bàn Thủ đô và các thành phố lớn, trong thời gian tới; sẵn sàng phục vụ các hội nghị của Đảng, nhà nước và các sự kiện Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Phát biểu tổng kết tại hội nghị, Đồng chí Thiếu tướng, Trần Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục CSGT ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là công tác phân luồng giao thông, chỉ huy điều khiển giao thông góp phần phục vụ bảo vệ thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Nhận định Việt Nam trong những năm tiếp theo, tiếp tục là điểm đến an toàn, hòa bình, ổn định, hội nhập được bạn bè quốc tế tin cậy, lựa chọn trao quyền đăng cai tổ chức các Hội nghị quốc tế và các sự kiện chính trị trong nước, đồng chí Phó Cục trưởng cho rằng, đây vừa là thuận lợi cho không khí Hợp tác - Đối thoại, góp phần nâng cao được vị thế chính trị, kinh tế của Việt Nam trên trường Quốc tế; nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với lực lượng Công an nhân dân trong triển khai hoạt động nghiệp vụ để bảo vệ các hội nghị, sự kiện lớn. Đây còn là bài toán nan giải đối với các địa phương, các thành phố lớn có tình hình giao thông đặc thù, phức tạp như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các địa phương giáp ranh trong công tác tổ chức lại giao thông, phân lại luồng, tuyến giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Vì vậy, đồng chí Phó Cục trưởng yêu cầu Cơ quan tham mưu tiếp thu và lĩnh hội đầy đủ ý kiến tham gia của các chuyên gia, các đơn vị, địa phương liên quan nhằm hoàn thiện các phương án, kế hoạch tổ chức, phân luồng giao thông tại những địa bàn trọng điểm.
Trong đó, tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở khoa học của công tác “Tổ chức, phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông”, thống nhất về mặt lý luận, đưa ra những luận cứ để khẳng định tính khoa học khi đưa nội dung này vào Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ tạo hành lang pháp lý cho công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện về lực lượng, phương tiện, phương án; tổ chức điều tra cơ bản, nắm và dự báo tình hình; nâng cao hiệu qủa công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống và chủ động công tác hậu cần, tài chính, chiến đấu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ không để bị động, bất ngờ.
Ba là, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ: Triển khai hoạt động hiệu quả Trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng CSGT, tạo tiền đề cho hoạt động điều hành của Trung tâm thông tin chỉ huy lực lượng CSGT phục vụ các Hội nghị, sự kiện lớn của Đảng, nhà nước về sau. Quá trình triển khai thực hiện, phải tổ chức điều hành hoạt động xuyên suốt, linh hoạt, đảm bảo thống nhất, kịp thời chỉ đạo từ trên xuống dưới theo đúng nguyên tắc của lực lượng vũ trang.
Các đồng chí Lãnh đạo, đại biểu tham dự hội thảo.
Bốn là, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế trao đổi thông tin giữa Trung tâm thông tin chỉ huy với các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau; đặc biệt việc duy trì, nâng cao phối hợp với các sở, ban ngành và chính quyền địa phương trong công tác tổ chức lại giao thông; quá trình thực hiện quan hệ, trao đổi, phối hợp đảm bảo đúng nguyên tắc về thẩm quyền, phân cấp, phân vùng quản lý và đối tượng giải quyết.
Năm là cơ sở hạ tầng giao thông: Giải pháp trước mắt, các cơ quan, đơn vị, căn cứ địa bàn, lĩnh vực công tác tăng cường khảo sát, kiến nghị với các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Đối với giải pháp lâu dài, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông phải là một trong những giải pháp trọng tâm để từng bước khắc phục thực trạng “hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra với tốc độ phát triển phương tiện, nhu cầu đi lại và mức độ đô thị hóa”,…
Sáu là, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, thông qua các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông như tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật;…
Theo csgt.vn