Gần 100 điểm có nguy cơ sạt lở trên các quốc lộ

Ông Trần Văn Khoa, Phó trưởng Văn phòng QLĐB IV.1, thuộc Khu QLĐB IVcho biết, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài từ ngày 25/7 đến ngày 1/8, trên các tuyến quốc lộ 20, 27, 28 và tuyến Trường Sơn Đông thuộc địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra tình trạng sạt lở taluy dương, hư hỏng mặt đường, một số vị trí có nguy cơ sạt lở. Riêng tỉnh Lâm Đồng có hơn 50 điểm có nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ.

Ngoài điểm sạt lở lớn, tại đèo Bảo Lộc còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao

Điểm sạt lở đèo Bảo Lộc khiến 3 CSGT và một người dân tử vong.

Ngoài vị trí vừa sạt lở, đèo Bảo Lộc còn có 6 vị trí khác đã sạt lở tổng khối lượng 1.600 m2 và nguy cơ cao tiếp tục sạt lở.

Dọc QL20 theo khảo sát còn có đến 26 điểm có nguy cơ sạt lở. Trong đó, đoạn qua đèo Mimosa, một số điểm công trình nhà dân có nguy cơ sạt lở UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT chủ động thành lập đoàn công tác gồm Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, UBND TP Đà Lạt; đồng thời mời một số đơn vị liên quan tham gia để kiểm tra, rà soát, đánh giá chi tiết tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở, nhất là phía taluy dương.

Theo thống kê của Khu QLĐB 4, QL28 và đường Trường Sơn Đông qua tỉnh Lâm Đồng có đến 24 điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Cảnh báo sạt lở tại hồ chứa nước

Dự án hồ thủy lợi Đông Thanh, huyện Lâm Hà đang thi công đã phát sinh sạt trượt đất tại khu vực sườn đồi vai phải đập, nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh.

Ngôi biệt thự trái phép bên hồ chứa Đông Thanh bị sụt lún do không có hệ thống thoát nước từ mạch nước ngầm trên núi đổ xuống

Tình trạng nứt, sạt trượt đất xảy ra trên diện tích khoảng 2,5 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở của 4 hộ gia đình và một số diện tích đất sản xuất của người dân; ảnh hưởng đến hạng mục công trình dự án xây dựng hồ chứa nước Đông Thanh.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trong 4 hộ dân có một ngôi biệt thự của ông Nguyễn Văn Thắng bị nứt sụt nhiều vị trí tại sân vườn và đường. Quan sát cho thấy, công trình nhà ông Thắng không có hệ thống thoát nước, mưa nhiều nước ứ đọng thấm vào đất gây ra sụt lún.

Trả lời Báo Giao thông, ông Thắng thừa nhận, ngôi nhà này ông xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trong quá trình xây dựng, tháng 8/2022 vợ chồng ông Thắng và bà Nguyễn Thị Thảo bị lập biên bản xử phạt hành chính vì đã Hủy hoại đất tại khu vực thôn Đông Anh, xã Đông Thanh. Vợ chồng ông Thắng đã thuê máy múc tự ý san, gạt mặt bằng chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Khu vực hồ Tuyền Lâm cũng đang có nguy cơ sạt lở cao trên tuyến đường Hoa Đỗ Quyên. Tại km2+720 những rọ đá kè ta luy dương có khả năng sụt lún, đổ ra đường bất cứ lúc nào.

Giải pháp khắc phục những điểm nguy cơ sạt lở

Ông Trần Văn Khoa, Phó trưởng Văn phòng QLĐB IV.1, cho biết: “Sau chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khi kiểm tra sạt lở tại đèo Bảo Lộc, đơn vị quản lý đường bộ đã tổ chức kiểm tra, thống kê những điểm có nguy cơ sạt lở, để báo cáo lên Cục QLĐB, Bộ GTVT và báo cáo UBND tỉnh kiến nghị đưa các đơn vị chuyên môn vào nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục.

Đối với Khu QLĐB 4, Văn phòng đã chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ tập trung máy móc gần những nơi có nguy cơ sạt lở cao, chuẩn bị hàng loạt biển cảnh báo, các hạt QLĐB tiền tra, kiểm tra 24/24 giờ, phát hiện nguy cơ sạt lở, báo cáo lên trên, cắm biển cảnh báo, cùng lực lượng chức năng điều tiết giao thông”.

Những ngày gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị quản lý, đơn vị chức năng thường xuyên đi kiểm tra những điểm nguy cơ sạt lở cao.

Sau khi kiểm tra tra một số vị trí có nguy cơ sạt lở khác trên tuyến đường đèo Mimosa, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo TP Đà Lạt cùng các ngành của tỉnh tổ chức đánh giá hiện trạng đất, xem xét công trình nhà ở của người dân, của các cơ sở kinh doanh du lịch. Công trình nhà ở, cơ sở kinh doanh nào chưa đảm bảo an toàn thì vận động tạm dừng hoạt động và di dời để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong thời điểm thời tiết ở Lâm Đồng nói chung và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đang có những diễn biến bất thường.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đi kiểm tra hồ chứa nước Đông Thanh và chỉ đạo tìm giải pháp khắc phục sụt lún

“Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách, địa phương và các sở ngành cần đánh giá, đặt quan trắc để nhanh chóng đánh giá tình trạng sạt lở ở những khu vực có nguy cơ cao; đầu tư phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng, bố trí cung đường đậu đỗ xe cứu hộ cứu nạn để ứng phó và thực hiện tốt công tác cứu nạn cứu hộ đối với các cung đường đèo hiện nay trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến du lịch, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt - Lâm Đồng”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tại dự án hồ chứa nước Đông Thanh, khi xảy ra tình trạng nứt, sụt đất, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và đơn vị chủ đầu tư, thi công công trình hồ chứa nước Đông Thanh đã sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở. Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở 10 triệu đồng.

Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở đất và cử lực lượng trực 24/24 giờ để theo dõi, xử lý kịp thời ở những điểm có nguy cơ sạt cao.

Ông Trần Văn Hiệp nhận định, hiện tại, nhiều vị trí đất vẫn tiếp tục nhão ra và sạt trượt. Chính vì vậy, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần tiếp tục sát sao, theo dõi để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt là cần di tản người ở khu vực nguy hiểm.

Lâm Đồng cũng sẽ đề nghị mời các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá, đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân sụt, nứt và trượt đất tại khu vực. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không hoang mang, lo sợ nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

 Theo Báo Giao thông