Mới đây, Audi cho biết sẽ sử dụng nền tảng iO Origin của IM Motors - công ty có sự hậu thuẫn của "gã khổng lồ" công nghệ Alibaba & Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC).
Trong khi đó, Volkswagen sẽ ra mắt hai mẫu xe điện cỡ trung vào năm 2026, sử dụng công nghệ của Xpeng với nền tảng khung gầm Edward cũ mà hãng xe Trung Quốc này đang dùng cho mẫu G9.
Thương hiệu Jetta của VW dành riêng cho thị trường Trung Quốc cũng được cho là cũng đang trong quá trình thương lượng với Leapmotor để có thể sử dụng nền tảng "Cỏ bốn lá" của công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc này.
CEO Stephen Dyer của công ty tư vấn AlixPartners ở Thượng Hải nhận xét: "Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cuối cùng cũng đã "đủ lông đủ cánh". Không dễ để được Tập đoàn VW tin tưởng như vậy".
SAIC & Audi
Ở Việt Nam, nhiều người có thể mới chỉ biết đến thương hiệu MG, thay vì tập đoàn mẹ SAIC. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa Trung Quốc, SAIC là một tên tuổi lớn. Doanh nghiệp nhà nước này có doanh số lên tới 5,3 triệu xe vào năm 2022, là lá cờ đầu của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc suốt gần hai thập niên qua.
Hôm 20/7, Audi và SAIC xác nhận đã đạt thỏa thuận bắt tay trong các dự án xe điện ở Trung Quốc.
Hai công ty chưa hé lộ chi tiết quan hệ hợp tác, nhưng Audi được cho là đang quan tâm tới nền tảng khung gầm iO Origin của thương hiệu xe điện hạng sang IM Motors thuộc SAIC. Đây là nền tảng hỗ trợ cả kết cấu dẫn động cầu sau và dẫn động 4 bánh toàn thời gian, đang được dùng cho các mẫu IM L7 sedan và LS7.
Mẫu xe điện L7 của IM Motors được đánh giá là có thể cạnh tranh sòng phẳng với Mercedes-Benz EQS tại thị trường Trung Quốc( Ảnh: IM Motors).
Audi được cho là đã lựa chọn sử dụng nền tảng iO Origin cho mẫu xe điện mới của hãng vì việc tự phát triển nền tảng khung gầm dành cho xe điện hạng sang quá mất thời gian - đã bị lùi sang năm 2024.
Trong khi đó, Audi đã bị Tesla qua mặt trong bảng xếp hạng toàn cầu trong quý I năm nay, và thị phần của Audi tại Trung Quốc đang giảm do thiếu xe điện trong danh mục sản phẩm.
Hợp tác với nhau sẽ giúp cả Audi và SAIC đẩy nhanh việc điện hóa danh mục sản phẩm ở thị trường Trung Quốc đầy cạnh tranh.
Xpeng & Volkswagen
Nếu so với Volkswagen thì nhà sản xuất ô tô Xpeng của Trung Quốc sở hữu những nền tảng khung gầm xe điện quá xuất sắc. Cuối tháng 7 vừa qua, tập đoàn ô tô Đức cho biết đã mua 4,99% cổ phần của Xpeng. Đến ngày 1/8, Volkswagen tăng tỷ lệ sở hữu tại Xpeng lên 6,85%.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Đức cho biết sẽ ra mắt hai mẫu xe điện vào năm 2026, sử dụng nền tảng Edward 800V mà Xpeng đang dùng cho mẫu SUV cỡ lớn G9 và mẫu sedan P7. Điều thú vị là Volkswagen không lựa chọn nền tảng SEPA 2.0 mới nhất của Xpeng, đang dùng cho mẫu SUV cỡ nhỏ G6 vừa ra mắt hồi tháng 6.
Với khả năng bứt tốc lên 100km/h trong 3,9 giây, phiên bản cao nhất của Xpeng G9 có thể cạnh tranh trực tiếp với Tesla Model Y Performance có thời gian tăng tốc tương ứng là 3,7 giây (Ảnh: Xpeng).
Nhưng nền tảng khung gầm xe điện không phải là tất cả những gì Volkswagen nhắm đến.
Xpeng có một hệ thống hỗ trợ lái ADAS cực hiện đại mang tên XNGP. Nó hoạt động khá tốt trên đường cao tốc và gần đây đã được cấp phép triển khai tính năng tự lái một phần ở Bắc Kinh; tới đây sẽ là các thành phố khác. Trong khi đó, công nghệ lái tự động FSD của Tesla không được phép hoạt động ở Trung Quốc.
Đổi lại, việc được Volkswagen "chọn mặt gửi vàng" sẽ giúp tăng uy tín cho Xpeng - công ty khởi nghiệp mới có mặt trên thị trường được 9 năm.
Khi mà có tới hơn 90 nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc và đã có rất nhiều công ty phá sản (Hengchi, Letin, Niutron,...), người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi mua xe. Không ai muốn mua xe của một thương hiệu có thể phá sản bất cứ lúc nào.
Việc hợp tác với Volkswagen cũng có thể giúp Xpeng hạ giá thành sản xuất ô tô điện, thông qua việc tận dụng quy mô và "tiếng nói có trọng lượng" của Volkswagen trong chuỗi cung ứng.
Hãng tin Reuters đã dẫn nguồn từ trang Cailian Press cho biết Volkswagen đang muốn mua một nền tảng khung gầm xe điện mới từ công ty khởi nghiệp Trung Quốc Leapmotor để sử dụng cho các mẫu xe mang thương hiệu Jetta chỉ dành cho thị trường Trung Quốc. Và nền tảng đó được cho là "Cỏ 4 lá" mà Leapmotor vừa ra mắt hôm 31/7.
Trong lễ ra mắt nền tảng này, CEO Zhu Jiangming của Leapmotor cho biết công ty muốn bán nó cho các nhà sản xuất ô tô khác, đồng thời tiết lộ rằng Leapmotor đang đàm phán với hai công ty nước ngoài về việc hợp tác, và một trong số đó là thương hiệu xe điện mới được thành lập. Jetta lập tức được xướng tên.
Jetta là liên doanh giữa Tập đoàn Volkswagen với doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc FAW Group, trước nay chưa từng làm xe điện. Tuy nhiên giờ đây, Volkswagen muốn Jetta tham gia lĩnh vực xe điện.
Điểm nổi bật của nền tảng khung gầm "Cỏ 4 lá" đến từ thương hiệu Leapmotor là tích hợp hệ thống máy tính điều khiển các tính năng thông minh trên xe, thậm chí là cả tính năng lái tự động (Ảnh: Leapmotor).
Việc Volkswagen quyết định sử dụng nền tảng khung gầm của Trung Quốc được đánh giá là "cực chẳng đã", bởi nó không khác gì việc ông lớn ô tô Đức thừa nhận công nghệ xe điện của họ không đủ tốt.
Thế cờ đảo ngược sau 4 thập kỷ
Cách đây 40 năm, vào tháng 10/1984, SAIC Volkswagen được thành lập tại Thượng Hải đã trở thành liên doanh ô tô đầu tiên giữa các nhà sản xuất ô tô Đức và Trung Quốc. Sau đó là sự ra đời của hàng chục liên doanh khác, do chính phủ Trung Quốc yêu cầu từ năm 1994, tất cả các nhà sản xuất ô tô nước ngoài phải hợp tác với doanh nghiệp nội địa.
Đó là cách ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc tiếp thu công nghệ từ các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Giờ đây, thế cờ đã đảo ngược, các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp ô tô thế giới đang chuẩn bị tung ra thị trường những mẫu xe điện sử dụng công nghệ Trung Quốc. Toyota đã sớm có mẫu bZ3 được sử dụng công nghệ của BYD, và như đã đề cập ở trên, các hãng xe Đức đang học theo.
Không riêng các hãng xe Đức, Ford cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất pin công nghệ CATL của Trung Quốc ngay tại Mỹ. Renault đã bắt tay với Geely để phát triển hệ truyền động lai PHEV.
Không thể phủ nhận việc doanh nghiệp Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công nghệ tích hợp trong ô tô điện. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiểu nhu cầu của khách hàng hơn các công ty Âu Mỹ. Điều này được minh chứng bằng doanh số.
Hãng tin Reuters đã dẫn số liệu thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research cho thấy xe Trung Quốc chiếm tới 75% thị trường xe điện Đông Nam Á. Trong tháng 7 vừa qua, BYD Atto 3 lần đầu tiên đã trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất tại Thụy Điển.
Không chỉ hiểu nhu cầu của khách hàng, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc còn hiểu rõ thế mạnh của mình và tập trung khai thác nó.
Không thể phủ nhận rằng xe điện Trung Quốc rất bắt mắt, lại sở hữu những tính năng hỗ trợ lái hiện đại, như kiểm soát độ tỉnh táo của tài xế, cảnh báo chệch làn đường hoặc hỗ trợ giữ làn, phanh khẩn cấp tự động và nhận diện giọng nói, dù là xe giá rẻ.
Nếu như nhiều thương hiệu ô tô Âu Mỹ vẫn chủ yếu tập trung vào tính năng vận hành của xe và cho rằng đó mới là giá trị cốt lõi, thì các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khai mở nhu cầu tiếp cận công nghệ hiện đại cho người mua xe.
Giờ đây, nhiều người mua xe trước tiên quan tâm tới khả năng kết nối, độ mượt của phần mềm, hệ thống giải trí trên xe và trải nghiệm kỹ thuật số nói chung. Đó là thế mạnh của xe điện Trung Quốc và là những gì xe Đức đang thiếu.
Theo Báo Dân trí