Đó là nữ giới ngày càng tham gia sâu vào ngành sản xuất xe điện dù ở Ấn Độ lâu nay ngành sản xuất ô tô vốn là công việc chủ yếu dành cho đàn ông và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vốn ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người tại nước này.

Cơ hội mở ra cho lao động nữ

Pratibha Kumbhar, 35 tuổi, bà mẹ 2 con từng khao khát theo nghề điện nhưng buộc phải ở nhà phụ việc cho tiệm may của chồng tại thành phố Pune, phía Tây Ấn Độ trong suốt nhiều năm.

Cách đây khoảng hai năm, cô bất ngờ tìm được công việc trong lĩnh vực xe điện (EV), vốn phát triển rất nhanh tại Ấn Độ.

Kumbhar phụ trách lắp ráp bảng mạch điện tử cho đồng hồ đo tốc độ tại Kinetic Communications - nhà sản xuất phụ tùng xe điện và là công ty con của nhà sản xuất ô tô Ấn Độ Kinetic Group. Đây là công việc đầu tiên của cô với tư cách là lao động chính thức nhận lương cố định.

Nhờ cơ hội trong ngành xe điện, cô Pratibha Kumbhar lần đầu tiên có việc làm chính thức, nhận lương cố định ở tuổi 35. Ảnh: Reuters

Hiện tại, trong Công ty Kinetic Communications, lực lượng lao động nữ chiếm khoảng 4/5 - một tỷ lệ hoàn toàn trái ngược so với 20% nữ trong lực lượng lao động nói chung ở quốc gia này.

Kumbhar là điển hình của hàng nghìn phụ nữ tìm được việc làm trong ngành lắp ráp ô tô giữa lúc xe điện bùng nổ tại Ấn Độ.

Do Chính phủ Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy sử dụng xe điện để cắt giảm khí thải nhà kính, đưa ra các chương trình hỗ trợ lớn nên doanh số bán xe điện tăng kỷ lục, còn nhu cầu cũng tăng vọt. Trong 2 năm qua, doanh số ô tô đã tăng hơn 200% và số lượng doanh nghiệp nở rộ như “nấm sau mưa”.

Trong bối cảnh các công ty tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu, cơ hội đã mở ra để phụ nữ tham gia vào sản xuất, thiết kế và cả vai trò lãnh đạo.

Lý do lực lượng lao động nữ dễ được tuyển dụng vì lĩnh vực sản xuất ô tô điện khác sản xuất ô tô động cơ đốt trong.

Theo các chuyên gia, các loại ô tô truyền thống phụ thuộc nhiều vào máy móc nặng, còn ô tô điện tập trung vào điện tử, lắp ráp, phần mềm và thiết kế. Và phụ nữ có đầy đủ kỹ năng để thực hiện những công việc này.

Trong năm qua, Công ty gọi xe Ola Cabs và nhà sản xuất mô tô Piaggio (Italy) cũng thiết lập những khu vực làm việc dành riêng cho phụ nữ tại các cơ sở ở Ấn Độ. Các hãng xe điện Kinetic Green, Hero Electric và Ather Energy đều có kế hoạch mở rộng và tuyển dụng phần lớn là phụ nữ.

Vượt qua những kỳ thị

Bà Prabhjot Kaur, 42 tuổi, là nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành (CEO) nhà máy sản xuất pin Esmito Solutions, không thể quên những cuộc họp trước kia, khi bà là người phụ nữ duy nhất trong phòng.

“Tôi đã được hỏi đến 4 lần rằng tôi làm việc gì. Tôi nhớ như in khuôn mặt và biểu cảm của những người chứng kiến tôi bước lên trình bày dự án”, bà Kaur chia sẻ.

Bà Sulajja Firodia Motwani, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành (CEO) Kinetic Green cũng gặp phải tình trạng tương tự. Sau khi đi du học ở Mỹ trở về vào khoảng giữa những năm 90 của thế kỷ trước, bà đã về làm cho doanh nghiệp ô tô của gia đình nhưng lúc nào cũng bị cánh nhân viên hoài nghi về năng lực.

Khoảng 8 năm trước, tại một cuộc họp bàn về tương lai xe điện với đại diện các thương hiệu ô tô lớn - đều là nam giới, bà Motwani lúc đó rất thắc mắc vì mọi người chỉ nói đến ô tô và Tesla.

Bà Prabhjot Kaur (phải), nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Esmito Solutions làm việc tại văn phòng ở Chennai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Khi ấy, bà đã mạnh dạn đứng lên trình bày một thực tế rằng, tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới, 90% người dân sử dụng xe 2 bánh, 3 bánh, xe bus và chỉ có 10% đi ô tô. Qua đó, bà kêu gọi nếu muốn đạt mục tiêu về điện hóa giao thông, hãy chú ý đến các loại xe 2 - 3 bánh và xe bus nhiều hơn.

Sự quyết liệt của Motwani đã khiến Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ thành lập một nhóm nghiên cứu tập trung vào các phương tiện 2 - 3 bánh.

Tại New Delhi, Mahua Acharya đang làm lãnh đạo của Công ty TNHH Dịch vụ Năng lượng (CESL) thuộc Bộ Điện lực Ấn Độ. Với bằng cấp quản lý môi trường từ Đại học Yale danh tiếng và kinh nghiệm trong thị trường carbon, năng lượng tái tạo, bà coi việc đứng mũi chịu sào tại CESL là cơ hội để tận dụng góc nhìn tinh tế của phụ nữ và đưa xe điện đi sâu vào đời sống của người dân Ấn Độ.

Theo kinh nghiệm của Acharya, phụ nữ có thể giải quyết được nhiều vấn đề mà đàn ông không thể. Chẳng hạn như việc xác định địa điểm đặt trạm sạc sao cho an toàn, thay vì chỉ đơn thuần chú ý đến những nơi có sẵn mặt bằng và đủ nguồn điện.

“Tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về mô hình kinh doanh, những phương án sáng tạo để đưa xe điện đến gần hơn với đời sống”, bà nói và cho biết, công ty của bà đang nỗ lực thúc đẩy xe điện bằng cách thiết lập nhiều hơn trạm sạc, tạo điều kiện cho người mua dễ dàng vay tiền; đặt hàng mua các phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố với số lượng lớn, nên giá cả sẽ phải chăng hơn.

Cô Nasreen Banu, 25 tuổi, đứng cùng các đồng nghiệp nam tại nhà máy của Ather ở Hosur, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Nhận xét về năng lực điều hành của phụ nữ trong lĩnh vực xe điện, ông Sohinder Singh Gill, Giám đốc điều hành Hero Electric, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất xe điện cho rằng: “Cánh đàn ông chúng tôi rất gay gắt nhưng nếu bàn luận với phụ nữ thì thường mọi việc sẽ trôi chảy, dễ dàng hơn”.

Không chỉ có những phụ nữ làm lãnh đạo đang “chèo lái” các hãng xe điện tại Ấn Độ mà còn có tới hàng nghìn nữ nhân công đang nỗ lực vượt lên mọi kỳ thị ở nơi làm việc.

Cô Nasreen Banu, 25 tuổi, người phụ nữ đầu tiên trong gia đình được đi học và đang làm giám sát sản xuất tại nhà máy sản xuất xe ga Ather chia sẻ: “Tôi rất yêu công việc này và tôi biết tất cả mọi thứ ở đây vận hành như thế nào. Một tấm pin lớn thường nặng khoảng 25kg và nhiều người thường dè bỉu phụ nữ làm sao nâng được. Nhưng, tôi có thể”.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao động nữ thấp nhất thế giới - thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 47% phụ nữ có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm trên toàn cầu.

Từ cuối năm 2020 đến nay, gần một nửa phụ nữ mất việc làm trong thời gian Ấn Độ phong tỏa phòng dịch và cho tới nay vẫn chưa thể quay trở lại làm việc.

Theo Báo Giao thông