"Chậm chạp", "ì ạch", "kìm hãm sự phát triển"... là những từ ngữ được các đại biểu Quốc hội nhắc đến để miêu tả thực trạng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 1,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (30-31/5), nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ đẩy nhanh triển khai các dự án, từ đó khơi thông sự phát triển của vùng.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nhắc lại các kỳ họp Quốc hội trước đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thừa nhận lưu lượng lưu thông xe trên quốc lộ 1 đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là cao nhất nước, cần phải sớm đầu tư khắc phục.
Vị này nhắc đến thực trạng đã có nhiều công trình, dự án có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đã qua hơn 2 năm, trong khi cử tri mòn mỏi đợi chờ thì các công trình này vẫn đang trong triển khai một cách ỳ ạch, chậm chạp.
“Tuyến cao tốc Trung Lương - Cần thơ không biết bao giờ hoàn thành? Có đảm bảo được tiến độ như là Bộ trưởng GTVT đã hứa sẽ hoàn thành trong năm 2020 hay không?”, ông đặt câu hỏi.
Một số đại biểu chỉ ra thực trạng giao thông miền Tây chưa được đầu tư đúng mức, chậm triển khai. Ảnh: Lê Quân.
Không chỉ phản ánh dự án chậm, thực trạng có công trình nhưng không phát huy hiệu quả cũng được đại biểu chỉ ra. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng nhiều dự án giao thông quan trọng được đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng vì thiếu sự kết nối liên vùng.
“Sau khi cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thông xe, không còn cảnh lụy đò nhưng rơi vào cảnh lụy đường do tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa thực hiện xong. Tuyến đường hiện hữu quốc lộ 30 nối quốc lộ 1 đến Cao Lãnh rất hẹp, xuống cấp tạo thành nút thắt cổ chai nên chưa thể phát huy hiệu quả toàn tuyến”, ông nói.
Đại biểu nhấn mạnh giao thông liên vùng từ Đồng Tháp đi An Giang, Kiên Giang thường xuyên bị ách tắc.
Ông đề nghị Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, ngã ba An Hữu (Tiền Giang) đến Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ông cũng đề nghị cần sớm nâng cấp quốc lộ N2 thành tuyến cao tốc thứ hai từ TP.HCM về miền Tây, cải tạo tuyến từ Đức Hòa (Long An) đến Cao Lãnh... nhằm kết nối giao thông liên vùng.
Hệ lụy từ giao thông yếu dẫn đến kìm hãm phát triển kinh tế cũng được các thành viên Quốc hội chỉ ra. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu thực trạng sản phẩm ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long khó cạnh tranh được trên thị trường do chi phí sản xuất cao, nhất là khâu lưu thông. Bà nhấn mạnh việc vận chuyển hết sức khó khăn vì đường sắt, đường bộ, đường thủy chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
“Giao thông không được đầu tư đúng mức hoặc chỉ được phân bổ vốn đầu tư nhỏ giọt, nếu không muốn nói là đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ rơi”, bà nói.
Đại biểu cũng đặt câu hỏi khi nào mới có công trình giao thông phá vỡ thế độc đạo của đường quốc lộ 1 từ TP.HCM đến Cà Mau.
“Không biết đến bao giờ mới có đường sắt cao tốc hoặc một con đường quốc lộ mới để giảm ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa cho đồng bằng sông Cửu Long?”, bà Thủy xót xa.
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng tình hình tắc nghẽn giao thông cùng với việc vận chuyển hàng hóa nông thủy sản từ miền Tây đến TP.HCM bị tăng chi phí thêm 20 USD/tấn đang tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội của người dân.
"Đây là ví dụ rất điển hình về tình hình yếu kém của hệ thống giao thông Đồng bằng sông Cửu Long", ông nói.
Không chỉ riêng miền Tây, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị Chính phủ khẩn trương tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia, khơi thông sự phát triển.
Các dự án này không chỉ nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn trên cả nước như sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông…
Về giải pháp vốn, đại biểu Nguyễn Văn Hòa đề nghị cần kết hợp ngân sách trung ương và một phần vốn ngân sách địa phương. Ngoài ra cần huy động vốn ODA và các nguồn tài trợ khác…
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy bày tỏ lo ngại khi Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về dự kiến phân bổ nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn của quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó trong nguồn vốn 10.000 tỷ đồng Chính phủ đề xuất dành 4.069 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nguồn vốn để ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
“Như vậy, hàng triệu người dân đang ảnh hưởng ở vùng bão lũ, sạt lở, vùng chịu tác động bởi biến đổi khí hậu của cả nước chỉ được phân bổ ngân sách là 4.800 tỷ đồng. Trong đó 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được dự kiến phân bổ vỏn vẹn chỉ có 1.000 tỷ đồng”, bà nói.
Từ thực trạng khó khăn trên đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm điều chỉnh bất hợp lý trong phân bổ ngân sách đầu tư, nhất là đầu tư công ở đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển vùng, giảm bớt khó khăn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tích cực hơn.
Trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin thêm về vấn đề giao thông Đồng bằng sông Cửu Long. Ông nhấn mạnh trong những năm qua Chính phủ đặc biệt quan tâm và tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực này.
Bộ trưởng thông tin vừa qua Chính phủ đã bố trí hơn 2.500 tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hàng năm và nguồn dự phòng chung của cả nước. Các bộ, ngành đã bố trí đầu tư rất nhiều cho Đồng bằng sông Cửu Long.
"Tôi thấy đối với đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề giao thông là lớn nhất, đang là điểm nghẽn. Thời gian tới Chính phủ tiếp tục quan tâm và đồng hành để có đầu tư thích đáng tạo điều kiện bứt phá mạnh mẽ hơn", ông Dũng nói.
Theo zing.vn