Trạm sạc đang là một trong những lý do chính cản trở phát triển xe điện ở Việt Nam
Xe điện tăng "nóng"
Thị trường xe điện ở Việt Nam đã manh nha phát triển từ hơn 10 năm trước, nhưng chỉ thật sự bùng nổ khoảng 3 năm gần đây, được đánh dấu bởi tuyên bố của VinFast dừng sản xuất xe xăng, chuyển thành nhà sản xuất xe thuần điện. Bên cạnh tiêu thụ trong nước, tháng 11/2022, những chiếc xe điện VinFast đã xuất khẩu sang Mỹ. Đến nay, VinFast đã mở rộng thị trường đến nhiều quốc gia như Canada, châu Âu, Trung Đông hay Đông Nam Á.
Bên cạnh hãng xe nội địa, thị trường xe điện Việt Nam cũng ghi nhận nhiều hãng xe ngoại nhập tham gia cạnh tranh. Trong đó, BYD - thương hiệu ô tô điện bán chạy nhất toàn cầu năm 2023 đã chính thức có mặt ở Việt Nam với 5 sản phẩm được ra mắt chỉ trong 3 tháng.
Cùng với đó, một hãng ô tô điện khác đến từ Trung Quốc là Aion cũng vừa ra mắt 2 sản phẩm ở thị trường trong nước. Trước đó, người tiêu dùng cũng đã chứng kiến màn chào sân của Wuling Hongguang Mini EV hay Haima 7X-E, đều là những dòng xe điện đến từ Trung Quốc.
Đối với phân khúc xe sang, người dùng đã đón nhận nhiều dòng xe điện của các thương hiệu đến từ châu Âu. Trong đó, BMW hiện có iX3, i4, i7 được trình làng năm ngoái. Porsche có Taycan, Audi Q8 e-tron, RS e-tron GT là những dòng xe điện hạng sang. Đáng chú ý, Mercedes-Benz là hãng ô tô có nhiều sản phẩm xe điện nhất gồm: EQB, EQS sedan, EQS SUV, EQS SUV và mới nhất là Mercedes-Maybach GLS 680.
Giảm phát thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh đang được nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện
Trong năm 2023, tính riêng VinFast đã bàn giao tổng cộng 34.855 xe ô tô điện, tăng 48% so với năm trước. Tính riêng nửa đầu năm 2024, VinFast đã bàn giao 22.348 xe, đạt mức tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, kết thúc năm 2024, lượng xe VinFast bàn giao đến khách hàng sẽ đạt 80.000 xe.
Các thương hiệu còn lại dù không công bố doanh số bán hàng nhưng có thể dễ dàng mường tượng thị trường xe điện Việt Nam hiện nay đang phát triển "nóng" và sôi động bởi rất nhiều cái tên đã gia nhập cuộc chiến giành thị phần.
Ngoài xe điện đến tay người tiêu dùng, sự phát triển của loại hình dịch vụ vận tải taxi điện cũng đang nở rộ ở Việt Nam. Trong đó, Xanh SM đang tăng nhanh về thị phần trong ngành vận tải hành khách khi chiếm 18,17% trong năm 2023, gấp đôi Be và chỉ xếp sau Grab (58,68%). Không chỉ Xanh SM, nhiều hãng taxi lớn khác cũng đang đầu tư chuyển đổi từ xe xăng sang kinh doanh bằng xe điện. Điều này đặt ra nhiều hệ lụy trong thời gian tới.
Trạm sạc không theo kịp tốc độ phát triển xe điện
Trái với xe sử dụng động cơ đốt trong, các hãng chỉ cần làm tốt khâu đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và hậu mãi thì xe điện sẽ cần nhiều hơn thế. Trong đó, cốt lõi của xe thuần điện vẫn là hạ tầng trạm sạc.
Nhìn vào thực tế ở Việt Nam, hiện chỉ có VinFast đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc điện. Theo quy hoạch, chỉ tính riêng trạm sạc của VinFast, trên cả nước sẽ có khoảng 150.000 cổng sạc phủ ở 63 tỉnh, thành. Trong giai đoạn đầu, VinFast đầu tư rầm rộ để mở rộng quy mô hệ thống trạm sạc trên cả nước. Tuy nhiên, sau 2 năm, quy mô trạm sạc điện của thương hiệu này cũng không được bổ sung thêm nhiều, chủ yếu tập trung vào các khu đô thị do VinGroup sở hữu.
Khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng khiến VinFast phải triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền. Người dân có mặt bằng sẽ được chuyển giao công nghệ, hỗ trợ vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng... để từ đó tăng tốc trong phát triển trạm sạc xe điện ở Việt Nam.
VinFast vẫn đang là thương hiệu lớn nhất về cả sản phẩm và cơ sở hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam
Trong khi VinFast rầm rộ đầu tư hạ tầng trạm sạc thì các hãng xe điện còn lại vẫn "án binh bất động" và có những cách tiếp cận khách hàng khác nhau. Các hãng xe đều bán kèm trụ sạc tại nhà và tuyên bố sẽ không đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc ở Việt Nam. "Với xe điện ở Việt Nam thì VinFast vẫn đang là thương hiệu lớn nhất về cả sản phẩm và cơ sở hạ tầng trạm sạc", ông Võ Minh Lực, CEO BYD Việt Nam chia sẻ và cho biết thêm, BYD sẽ không đầu tư hạ tầng trạm sạc điện công cộng mà phụ thuộc vào bên thứ ba.
Trường hợp sử dụng xe điện phụ thuộc vào bên thứ ba, người dùng sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất cập. Đặc biệt, trạm sạc đến từ bên thứ ba hiện có số lượng khiêm tốn, rải rác ở thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, giá thành mỗi kW điện đều sẽ cao gấp gần 3 lần so với VinFast. "Chi phí dùng ô tô điện thực tế rẻ hơn xe xăng đến 1 nửa, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, việc sạc điện vẫn là vấn đề lớn nhất khi ở chung cư không có trạm sạc, muốn đi sạc sẽ phải di chuyển 5 km", chị Việt Trinh (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) chia sẻ.
5 km là quãng đường mà người dùng này có thể tìm thấy trạm sạc điện, nhưng đó chỉ là với xe điện của VinFast. Nếu sử dụng ô tô điện của các hãng xe khác, việc tìm kiếm trạm sạc điện trong thành phố lớn thôi cũng là bài toán nan giải. "Nhiều xe điện của các hãng Trung Quốc ở Việt Nam tôi thấy thiết kế, trang bị ổn, nhưng vấn đề vẫn là sạc ở đâu? Nhà trong ngõ xe không thể vào, trạm sạc công cộng thì không có nên dù rất muốn mua cũng đành chịu vì không thể sạc được", anh Cửu Long (người đang sử dụng xe điện ở quận Đống Đa, TP. Hà Nội) nói.
Khi sử dụng xe điện, thay vì thói quen đổ xăng 5 phút, giờ đây sẽ phải chờ sạc cả tiếng đồng hồ. Đổi lại, người dùng sẽ được lợi về chi phí sử dụng rẻ hơn nhiều, điều đó sẽ thúc đẩy không ít người sẵn sàng đánh đổi để làm quen với việc sử dụng loại phương tiện mới này. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi trong quyết định chuyển đổi sang ô tô điện vẫn là câu hỏi sạc ở đâu?
Với tốc độ phát triển trạm sạc rất chậm như hiện nay, dù muốn nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn hãng xe nào phù hợp, thuận tiện cho việc sạc điện. Không chỉ là câu chuyện sạc điện sử dụng hàng ngày, với những hành trình xa hàng trăm cây số, việc có hay không trạm sạc cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua xe điện của người Việt. Ở khía cạnh này giờ chỉ duy nhất VinFast có trạm sạc ở quốc lộ, tỉnh lộ, còn khi sử dụng các hãng xe khác thì việc sạc điện là không thể.
Chính sự phát triển chậm chạp về số lượng trạm sạc điện đã vô tình cản trở quá trình chuyển đổi phương tiện xanh của Việt Nam.
Theo Tạp chí Giao thông vận tải